Sinh viên khó khăn không về quê ăn Tết Ất Mùi nhận quà tết do Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM phối hợp với các doanh nghiệp tặng - Ảnh: Phước Tuần |
Hai vợ chồng làm công nhân ở Khu công nghiệp Sóng Thần, lương chẳng đáng là bao, lại phải dành dụm gửi về quê nuôi cha mẹ già và con gái bệnh tim.
Qua một chương trình tài trợ vé xe về tết cho lao động nghèo, tôi xin được cho vợ chồng chị một cặp vé về vào sáng 25 tháng chạp. Hớn hở gọi cho chị để báo tin. Đầu dây bên kia nghẹn lại: “Chị cảm ơn em, nhưng chị không về được đâu”. “Tại sao?”.
“Chị không có tiền mua quà cho mọi người, chị không dám về. Chị đi lâu quá rồi mà về nhà không mua được gì cũng chẳng dám đi đâu chơi, người ta nói xấu hổ lắm”. Nghe chị nói mà vừa thương vừa giận. Nằn nì đủ kiểu, chị vẫn nhất định không về. Giọng nói người miền quê thật thà run lên trong máy.
Chẳng riêng nỗi lòng của chị, biết bao người đã thở dài khẽ liếc vào túi tiền cân nhắc chuyện quà cáp khi về quê. Ở nhiều vùng nông thôn, đồng quà tấm bánh đôi khi không chỉ là món quà vui khi tết đến mà còn là tiêu chí để đánh giá lòng thơm thảo của người đi xa. Nếu người đó thật sự thành đạt, vài ba chục món quà sẽ làm bố mẹ ở quê được “nở mày nở mặt”.
Nếu không, nó sẽ là gánh nặng. Với người nhà quê, những món quà cũng chẳng làm họ giàu lên. Nhưng nếu không có quà, chuyện này sẽ trở thành đề tài trong những câu chuyện mỉa mai rất lâu sau đó.
Tôi nói chị về quê đi, quà cáp có cũng được, không có cũng không ai trách đâu. Dù mọi người không hài lòng thì mẹ chị, con chị cũng đang mong chị lắm. Chị không về họ sẽ buồn. Ngày tết không phải chỉ cần ở bên gia đình của mình là điều vui nhất hay sao? Sao còn phải để ý đến quá nhiều thứ khác để đánh mất đi niềm vui ấy?
Nhưng chị nói mình về quê rồi đi, song bố mẹ ở lại sẽ bị người làng đàm tiếu suốt cả năm. Thế nên không có tiền quà cáp cho họ hàng thì đừng về, không thì bố mẹ xấu hổ với xóm làng nhiều lắm.
Tôi thất bại trong việc thuyết phục chị về quê đoàn tụ với gia đình. Vậy mới biết ở nhiều vùng quê trên đất nước này vẫn còn những quan niệm nặng nề hình thức. Những quan niệm cổ hủ ấy như cái ách đè nặng trên đầu, làm khổ nhiều người. Và nhiều người thì vẫn tự nguyện đeo những cái ách nặng ấy trên đầu chẳng chịu gỡ ra...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận