Cho đến nay còn khoảng 50% ôtô chưa dán thẻ ETC. Trong ảnh: xe đi qua trạm thu phí tự động trên quốc lộ 1, đoạn qua Khánh Hòa - Ảnh: T.T.D.
Để chuẩn bị cho cao điểm lưu thông trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) cho biết đến nay đã có 113 trạm thu phí trên cả nước đưa vào vận hành ETC.
Tại cuộc họp về kiểm điểm tiến độ ETC mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đề nghị Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khẩn trương lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ để triển khai lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các dự án cao tốc do VEC quản lý và phải hoàn thành trong quý 1-2022.
VEC chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và Chính phủ nếu không hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu. Đặc biệt, lần đầu tiên có tuyến cao tốc sẽ thí điểm chỉ sử dụng ETC như tuyến Hà Nội - Hải Phòng.
Mới trên 51% xe dán thẻ
TCĐB đã yêu cầu trong quý 1-2022, các trạm thu phí phải hoàn thành lắp đặt làn ETC. Theo TCĐB, đến nay hệ thống dữ liệu của giai đoạn 1 (BOO1) và giai đoạn 2 (BOO2) đã được kết nối để đảm bảo chủ xe chỉ cần sử dụng một thẻ để đi qua 113 trạm. Trong số các trạm đã lắp thiết bị, có 63 trạm lắp đủ 100% các làn ETC, các trạm còn lại phải lắp đặt thêm 144 làn.
Trên quốc lộ, hiện có 5 trạm không thể triển khai hoặc lùi thời gian triển khai do đặc thù, gồm các trạm: km1747 đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Lợi, Thái Hà có doanh thu quá thấp; trạm Bờ Đậu - quốc lộ 3 (Thái Nguyên) và trạm T2 quốc lộ 91 (Cần Thơ) chưa được thu phí. Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận phương án giãn tiến độ triển khai 5 trạm này. Ngoài ra, trạm Cai Lậy đã lắp đặt nhưng chưa tổ chức thu.
Với hệ thống cao tốc, 4 tuyến thuộc VEC vẫn chưa được chuyển hệ sang ETC để thu phí. Ở cấp địa phương, có 3 trạm thu phí là trạm quốc lộ 39B (Thái Bình), trạm ĐT768 (Đồng Nai) và trạm trên đường Nguyễn Văn Linh (TP.HCM) chưa triển khai. Trạm thu phí nút giao 319 nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã lắp đặt, đã tổ chức thu phí nhưng chưa vận hành thu phí ETC do kết nối vào hệ thống thu phí kín tuyến cao tốc này.
Theo thống kê, đến cuối tháng 12-2021 có hơn 2,3/4,5 triệu xe (chiếm 51,51%) đã dán thẻ thu phí không dừng. Số lượng thẻ nạp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ đạt khoảng 65%. Lưu lượng xe sử dụng dịch vụ ETC đạt khoảng 40 - 70% lượng xe qua trạm thu phí.
Để đạt tối thiểu 90% số xe dán thẻ sử dụng ETC vào tháng 6-2022, ông Tô Nam Toàn - vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế (TCĐB), cho biết tổng cục đã có văn bản gửi 63 tỉnh thành đề nghị các địa phương vận động, yêu cầu chủ xe thuộc đối tượng thu phí sử dụng đường bộ phải dán thẻ và sử dụng dịch vụ ETC. Đồng thời, chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ thu phí dán thẻ đầu cuối khi chủ xe đến đăng kiểm phương tiện.
Thí điểm chỉ dùng ETC trên cao tốc
Theo yêu cầu của Chính phủ, các trạm thu phí phải hoàn thành lắp trạm trong quý 1-2022, mỗi trạm chỉ duy trì một làn hỗn hợp. Liệu có biện pháp xử lý trong trường hợp các nhà đầu tư chậm lắp đặt? Trả lời câu hỏi này, ông Toàn cho hay TCĐB đã gửi văn bản yêu cầu các địa phương đôn đốc nhà đầu tư lắp đặt các làn thu phí ETC theo đúng tiến độ đề ra.
"TCĐB đã làm việc với 13 dự án BOT thuộc bộ quản lý còn phải lắp đặt thêm các làn ETC. Đến nay, cơ bản các nhà đầu tư BOT đang triển khai thực hiện lắp thiết bị theo yêu cầu. Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện theo đúng tiến độ, tổng cục sẽ báo cáo Bộ GTVT xem xét xử lý nghiêm theo quy định", ông Toàn thông tin.
Bộ GTVT cũng đã đồng ý đề xuất của TCĐB triển khai chỉ thu phí ETC trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ đầu tháng 5-2022. Với xe không sử dụng ETC sẽ đi quốc lộ 5 song song với đường cao tốc này, có làn thu phí bằng tiền mặt. Bộ cũng yêu cầu nghiên cứu các phương án để áp dụng rộng rãi hình thức này tại các tuyến cao tốc huyết mạch khác có lưu lượng giao thông lớn như Nội Bài - Lào Cai, Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình...
Từ đầu tháng 12-2018, trạm thu phí trên quốc lộ 51 (đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) ra thông báo dừng thu phí tự động cho đến khi có thông báo mới - Ảnh: T.T.D.
Về kế hoạch triển khai thí điểm, ông Toàn cho biết TCĐB đã chủ trì cuộc họp và giao nhiệm vụ cho các đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền từ nay đến 30-4. Hiện nhà đầu tư đang phối hợp với tổng cục và cơ quan đơn vị liên quan khẩn trương lên phương án chi tiết chỉ phục vụ các xe có đủ điều kiện tham gia dịch vụ ETC, dự kiến các tình huống có thể xảy ra, phương án xử lý.
Trong khi đó, nút thắt về lắp ETC trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý cũng đang có lối ra. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất đến ngày 31-12-2020, các trạm thu phí phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng.
Do thời gian qua, VEC gặp vướng mắc về bố trí vốn ngân sách đầu tư hệ thống ETC nên chỉ có đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thực hiện ETC; 4 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành (đang thi công) chưa triển khai.
Theo thông tin từ VEC, 4 tuyến đường cao tốc đang khai thác có 212 làn thu phí. Trong đó tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình có 40 làn (đã khai thác 15 làn ETC theo công nghệ thống nhất chung toàn quốc). Căn cứ năng lực thông qua của hệ thống ETC, dự kiến ban đầu cần đầu tư 140 làn ETC trên 4 tuyến cao tốc của VEC và sẽ bổ sung tùy theo nhu cầu thực tế.
Về phương án, VEC đề xuất cấp thẩm quyền cho phép được thuê dịch vụ thu phí trọn gói cả ETC và thu phí một dừng cho các đường cao tốc của VEC trong thời gian 5 năm. Tiền thuê lấy từ kinh phí tổ chức thu phí hằng năm như hiện nay (được duyệt 221,5 tỉ đồng/năm, chi phí thực tế 196,5 tỉ đồng/năm). Giải pháp này là cần thiết để đồng bộ hệ thống ETC cả nước, trong bối cảnh hiện nay tỉ lệ xe dán thẻ để sử dụng dịch vụ ETC ngày càng nhiều.
Ông Phạm Hồng Quang, tổng giám đốc VEC, cho hay đề xuất trên đã được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền. Doanh nghiệp này đang chuẩn bị hồ sơ mời thầu để đấu thầu chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ ETC. Hiện đã có các nhà cung cấp dịch vụ ETC quan tâm gồm: VDTC, VETC, VNPT, MobiFone.
"Ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán sẽ triển khai mời thầu nhà thầu cung cấp dịch vụ ETC. Sau khi chọn được nhà thầu, trong vòng 3 tháng nhà thầu có trách nhiệm hoàn thành hệ thống ETC trên các tuyến cao tốc. Vì vậy, nhiều khả năng giữa năm 2022 tất cả tuyến cao tốc do VEC quản lý sẽ thực hiện ETC với công nghệ đồng nhất như các trạm thu phí trên cả nước", ông Quang cho biết.
Chậm dán thẻ để sử dụng ETC vì dịch bệnh
Ông Lê Trung Tính, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, chia sẻ các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải cho rằng sử dụng dịch vụ ETC là biện pháp tốt giúp giảm thời gian dừng đỗ ở các trạm, đồng thời giúp tăng tốc độ vận hành cho phương tiện, rút ngắn thời gian đi lại. Tuy nhiên việc chậm triển khai trong thời gian qua có lý do dịch bệnh, phương tiện nằm nhà là chủ yếu. Vào cuối năm, các đơn vị lại "chạy đua" với việc phải gắn biển số vàng nên chưa có thời gian đưa xe đi dán thẻ để sử dụng dịch vụ ETC.
Phối hợp xử lý lỗi khi vận hành
Đây là một trong những nội dung trong báo cáo của TCĐB gửi Bộ GTVT về tình hình triển khai ETC ngày 6-1. Qua ghi nhận, các trạm do nhà đầu tư BOT đầu tư và vận hành vẫn còn hiện tượng xuất hiện lỗi, đặc biệt là các trạm địa phương và đối với các giao dịch kết nối giữa BOO1 - BOO2.
Do giao dịch kết nối nhiều bên nên việc đánh giá được chính xác nguyên nhân gây ra lỗi gặp khó khăn, TCĐB đang tiếp tục phối hợp với các bên để phân tích, đánh giá nguyên nhân gây ra lỗi để có biện pháp giải quyết.
Phải xử lý nghiêm xe vi phạm làn ETC
Trạm thu phí An Sương - An Lạc (TP.HCM) đã có 21 làn ETC, còn 4 làn cần lắp đặt thiết bị ETC trong quý 1-2022 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại TP.HCM, trạm thu phí An Sương - An Lạc có số làn đã nâng cấp ETC là 21/25 làn, trạm thu phí cầu Phú Mỹ 8/18 làn, trạm xa lộ Hà Nội 8/16 làn. Vài ngày trước, UBND TP.HCM cũng yêu cầu nhà đầu tư lắp đủ số làn ETC còn lại theo tiến độ mà Chính phủ đã yêu cầu. Theo số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số xe cơ giới tại TP là 675.683, trong khi số lượng xe dán thẻ ETC mới chỉ hơn 37%.
Trên thực tế, bà Nguyễn Mai Bảo Trâm - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (đơn vị vận hành trạm BOT xa lộ Hà Nội) - cho hay hiện nay số xe dán thẻ để sử dụng ETC qua trạm khá thấp, các xe đã dán thẻ đa phần là xe container. Tỉ lệ doanh thu thu phí qua ETC chỉ chiếm 35% so với tổng doanh thu thu phí.
Còn đại diện Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (đơn vị quản lý trạm An Sương - An Lạc) cho hay tại lượng xe dán thẻ để sử dụng ETC qua trạm cũng chỉ chiếm 18% doanh thu thu phí. Vị này cho hay cơ quan quản lý nhà nước cần có các giải pháp để nâng tỉ lệ phương tiện dán thẻ ETC. Đồng thời, cần có các chế tài, xử phạt nghiêm đối với xe vi phạm.
Về việc hoàn thành lắp đặt các làn ETC thu phí còn lại (chỉ duy trì một làn hỗn hợp), đại diện Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO cho biết hiện đơn vị đang triển khai nhập thiết bị nhằm đảm bảo tiến độ theo yêu cầu cơ quan chức năng.
Theo nghị định 100/2019/NĐ-CP và nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, vi phạm về thu phí đường bộ có mức phạt về hành vi "điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí ETC (xe không gắn thẻ đầu cuối hoặc gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn ETC) đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức ETC tại các trạm thu phí". Hành vi này sẽ bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 1 - 3 tháng.
Thời gian qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị địa phương chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông địa phương tiếp tục phối hợp với các nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ thu phí tăng cường công tác điều tiết giao thông, xử phạt nghiêm đối với người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện đi vào làn ETC gây cản trở giao thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận