Lì xì sách được nhiều người hưởng ứng - Ảnh: D.NGUYỄN
Lì xì bằng sách
Chị Trúc Lâm (Q. Phú Nhuận) gợi ý mua sách và màu vẽ cho con và các cháu. "Mình vẫn thường mua sách và màu vẽ cho các cháu. Dịp Tết, mình càng muốn lì xì món quà ý nghĩa này hơn nữa, dù biết con nít vẫn thích tiền để có thể mua cái này cái kia theo ý thích của chúng. Người lớn phải ‘hành động’ dần thay đổi thói quen tốt cho con trẻ. Con mình gần một tuổi đã rất thích sách. Năm nay là Tết đầu tiên của con mình cũng đã chuẩn bị một số đầu sách để lì xì cho con, cũng là khởi đầu cho con có thói quen mới" - chị Trúc Lâm cho biết.
"Nhà mình đã khởi động chiến dịch lì xì bằng sách từ năm ngoái. Bé nào nhận được cũng siêu yêu, tụm năm tụm bảy đọc cùng nhau" - chị Mỹ Linh (Hà Nội) hào hứng chia sẻ.
Có nhiều người sợ sẽ nhận lại được những cái bĩu môi của họ hàng nếu mình lì xì bằng sách cho con của họ. Chị Mỹ Linh cũng chia sẻ trường hợp của mình rất được mọi người hưởng ứng, ông bà còn tấm tắc khen cách lì xì của chị cho con cháu.
Chị T.L (Biên Hòa) cũng chia sẻ, gia đình chị có một cháu bị chứng tăng động giảm chú ý. Cháu rất thích chơi game. "Để giảm cho cháu chơi điện tử, tôi mua sách ghép hình rồi dần thêm các sách tô màu, các thể loại bút màu… cháu thích và giảm hẳn việc chơi game.
Cũng có người khuyên cho cháu đọc sách nhiều và vẽ cũng là cách tập cho cháu tập trung tốt hơn, kích thích trí não trẻ sáng tạo hơn… Mình đã thấy và càng muốn phát huy cho cháu của mình trong dịp Tết này, nó cũng cảm nhận được mình thương nên tặng sách cho nó" - chị T.L nói.
Nhiều ông bố bà mẹ cũng hưởng ứng giải pháp lì xì này, không chỉ là món quà ý nghĩa đầu năm mà trong suốt kỳ nghỉ lễ trẻ con có "gặm nhấm" bổ ích, không phải cắm mặt vào máy tính hay điện thoại.
Có mẹ còn kỳ vọng, để con được chìm đắm trong thế giới tri thức sách vở, bố sẽ bỏ điện thoại và tụ tập nhậu nhẹt mà cùng còn đọc sách. Ngoài sách ảnh, các sách về tư duy, ngoại ngữ, khoa học… được mọi người gợi ý cho nhau tìm mua.
1 hạt giống được gieo, 30.000 đồng cho vườn rau 4.0 của học sinh Tây Ninh
Gợi ý lì xì hạt giống của chị Lam Xuân (Q. Thủ Đức, TP.HCM) khá thú vị. Chị lý giải: "Từ khi có con, mình luôn tìm tòi điều gì mới mẻ, có tính giáo dục và ba mẹ có cơ hội tương tác tốt với con hơn. Việc lì xì hạt giống cũng vậy. Những gì con đọc được trong sách sẽ được ứng dụng ngay vào việc gieo lên những mầm cây con mới.
Đặc biệt, ngày đầu năm mới, cả nhà cùng gieo hạt, trong những ngày nghỉ cả nhà cùng theo dõi những hạt giống lên mầm, phát triển… rất thú vị. Ngày thường, nếu bố hoặc mẹ có gieo cùng con thì cả gia đình cũng không được cùng làm với nhau, vì ba mẹ bận đi làm tối mới về, có lúc mệt quá quên chăm sóc cây.
Mình chọn hạt giống làm rau mầm mà cả nhà có thể hưởng giá trị lao động của mình ngay. Con sẽ học được rất nhiều bài học bổ ích".
Hạt giống, bao lì xì và những hành động ý nghĩa trong đầu năm mới - Ảnh: D.NGUYỄN
Dự án Nông dân tí hon của Tech for Viet Nam kết hợp cùng nhóm Green edu đưa ra ý tưởng Vui xuân cùng nông dân tí hon, với hy vọng sẽ đào tạo những mầm non tương lai một cách bền vững thông qua câu chuyện nông nghiệp.
Sau khi nhận hạt giống, bố mẹ cùng gieo với con, hoặc cho con được tự do sáng tạo với hạt giống của con, sau đó chụp thành quả rau mầm phát triển có dán sticker Nông dân tí hon, đăng công khai lên facebook của mình kèm hashtag #nongdantihon và #teachforvietnam. Mỗi post, quỹ dự án sẽ được nhà tài trợ tài trợ 30.000 đồng cho trẻ em vùng khó khăn.
Hiện tại dự án đang xây dựng vườn rau 4.0 cho trẻ em ở tỉnh Tây Ninh, đồng thời nâng cao nhận thức của mọi người về tình yêu thiên nhiên thông qua việc gieo hạt giống đầu năm xuân về.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận