Chiều 5-1, ông Hoàng Việt Trung, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết trung tâm sẽ mở cửa đón khách tham quan điện Thái Hòa và điện Kiến Trung vào dịp Tết Nguyên đán 2024 tới.
Điện Kiến Trung là ngôi điện bên trong Đại nội Huế, được vua Khải Định cho xây dựng vào năm 1921 để làm nơi ở, sinh hoạt thường ngày của nhà vua. Đây cũng là nơi mà vua Khải Định băng hà.
Dưới triều vua Bảo Đại, điện Kiến Trung được cho tu sửa lại, tân trang các tiện nghi theo xu hướng của phương Tây.
Vua và hoàng hậu Nam Phương sau đó dọn về sống trong điện Kiến Trung.
Ngôi điện này cùng với điện Cần Chánh bị đánh sập vào năm 1947, trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Dự án phục hồi ngôi điện Kiến Trung được khởi công vào đầu năm 2019 với tổng kinh phí hơn 123 tỉ đồng, do Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế làm chủ đầu tư.
Đến nay ngôi điện này cơ bản đã hoàn thành việc phục hồi và sẵn sàng mở cửa đón khách tham quan.
Còn với điện Thái Hòa, đây là ngôi điện quan trọng nhất trong hệ thống cung điện bên trong Đại nội Huế, là nơi đặt ngai vàng - trung tâm quyền lực của cả nước dưới triều Nguyễn.
Điện Thái Hòa được xây dựng vào năm 1805 dưới triều vua Gia Long. Đây là nơi diễn ra lễ đăng quang của các vị vua nhà Nguyễn. Phía trước điện là sân Đại triều nghi, nơi các quan đứng dự lễ Đại triều.
Sau 200 năm tồn tại, điện Thái Hòa đã rơi vào cảnh xuống cấp nghiêm trọng.
Vào năm 2020, Chính phủ đã phê duyệt 100 tỉ đồng lấy từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để trùng tu, sửa chữa khẩn cấp điện Thái Hòa. Dự kiến việc trùng tu ngôi điện sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Theo ông Hoàng Việt Trung, trung tâm sẽ tiến hành mở cửa điện Kiến Trung vào trước Tết Nguyên đán để đón khách tham quan.
Còn điện Thái Hòa, hiện nay dù chưa hoàn thành trùng tu nhưng thể theo nguyện vọng của người dân, trung tâm cũng sẽ mở cửa ngôi điện để đón khách vào dịp Tết tới. Hết Tết, ngôi điện sẽ lại được đóng cửa để tiếp tục công tác trùng tu.
"Với điện Thái Hòa, chúng tôi sẽ đưa ngai vàng phục chế hiện đang trưng bày tại Lầu Ngũ phụng trên Ngọ Môn về ngôi điện để đặt tại đây cho bà con tham quan dịp Tết. Còn ngai vàng thật vẫn phải để tại Bảo tàng cổ vật cung đình, chờ ngôi điện hoàn thành trùng tu thì mới có thể đưa về chốn cũ để đặt", ông Trung nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận