Sau khi thu hoạch lúa trên diện tích hơn 1ha lúa tôm càng xanh kết hợp, gia đình ông Nguyễn Hoàng Nghiêm (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, Cà Mau) bắt đầu cho thu hoạch tôm càng lớn bán với giá 100.000 đồng/kg.
Số tôm nhỏ còn lại ông Nghiêm sẽ nuôi tiếp tục đợi đến ngay Tết sẽ thu hoạch dứt điểm.
Giá tôm càng xanh giảm sâu
"Thời điểm này nhiều người thu hoạch đồng loạt để cắt lúa, cải tạo vuông chuẩn bị vụ nuôi mới tôm sú nên giá tôm càng thường thấp", ông Nghiêm nói và cho biết sẽ chờ đến cận Tết mới thu hoạch với hy vọng giá sẽ cao hơn.
Nhiều nông dân nuôi tôm càng xanh tại Sóc Trăng phải chạy ngược chạy xuôi gần một tháng mới bán hết khoảng 600kg tôm do sức mua chậm.
Do đầu ra khó khăn, người nuôi tôm càng xanh ở Kiên Giang quyết định chế biến tôm tươi thành tôm một nắng "sẵn" bán Tết.
Ông Nguyễn Minh Thuấn - người làm tôm càng xanh một nắng ở xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng - cho biết tôm càng xanh được thương lái thu mua với giá 100.000 - 120.000 đồng/kg (tùy loại tôm), tăng nhẹ khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg tôm càng xanh so với một tháng trước đây, chưa đạt như kỳ vọng của người nuôi.
Chế biến tôm càng xanh một nắng
Để góp phần mở rộng đường tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm tôm càng xanh trên nền đất lúa, ông Thuấn quyết định chế biến tôm càng xanh một nắng bán trong dịp Tết này.
Ông lựa chọn mua tôm còn sống rồi ủ đá cho tôm trước khi cắt càng tôm, lột vỏ, lấy sạch phần gạch rồi rửa sạch, để ráo nước sẽ tẩm ướp gia vị, đem đi phơi nắng.
"Đủ nắng, thịt tôm tươi trong và rất dai, rất mềm. Đơn hàng người đặt mua 10 - 20kg nhiều. Tui bán với giá 1 triệu đồng/kg tôm càng xanh một nắng. Ai đặt nhiêu mình làm nhiêu vì nguồn tôm càng xanh ở vùng này cũng có nhiều.
Mỗi tháng tui thu mua tôm càng xanh làm khô một nắng khoảng 3-4 tấn. Còn bây giờ tui đang chuẩn bị 50kg tôm càng xanh một nắng bán cho khách ở Bạc Liêu", ông Thuấn hào hứng nói.
Lợi nhuận kinh tế không nhiều nhưng đây là cách mà ông Thuấn và người dân ở vùng U Minh Thượng làm giúp bà con nuôi tôm càng ở địa phương có đầu ra sản phẩm trong dịp Tết.
Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết trong năm 2023 tổng diện tích mô hình "con tôm ôm cây lúa" tại địa phương khoảng 136.241ha với sản lượng ước đạt 121.000 tấn.
Ông Lâm Quốc Toàn, phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, cho biết Kiên Giang có tôm khô đầm Đông Hồ rất nổi tiếng.
Việc làm tôm một nắng bán trong dịp Tết cho thấy nông dân địa phương đổi mới tư duy và trong điều kiện khó khăn đã có cách làm hay, vừa tạo ra sản phẩm mới vừa nâng cao giá trị mặt hàng tôm, khắc phục tình trạng tôm thương phẩm mất giá.
Đủ bù đắp chi phí phân, thuốc cho vụ lúa
Anh Mắc Len (xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) cho biết dù tôm càng xanh được thương lái mua với giá thấp, chỉ 100.000 đồng/kg, nhưng do lúa bán được giá cao hơn 10.000 đồng/kg nên nông dân ở vùng này chấp nhận bán tôm giá thấp để bù vào chi phí phân, thuốc cho vụ lúa.
Ông Nông Văn Thạch, chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Hợp tác xã Ba Đình (huyện Hồng Dân) với 584ha (231 xã viên), cho biết khi tham gia hợp tác xã thì chi phí đầu vào của xã viên giảm 10 - 15% so với mua lẻ bên ngoài. Lúa của xã viên cũng bán được giá cao hơn 300 đồng/kg so với bán bên ngoài.
"Với con tôm, hợp tác xã trực tiếp liên kết các thương lái thu mua nên được giá cao hơn, xã viên lại được chia lãi trực tiếp từ hợp tác xã nên thu nhập cũng khá hơn. Bà con chắc chắn có một cái Tết ấm no", ông Thạch nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận