Ngày mùng 2 Tết Giáp Thìn 2024, nghệ nhân bánh dân gian Hiền Minh nhâm nhi miếng mứt mãng cầu muối ớt mà chị tự tay chuẩn bị.
Mứt mãng cầu muối ớt, nghe lạ quá. Chị Hiền Minh nói bánh mứt Việt mình hay lắm à nha. Có thể sáng tạo và biến tấu vị trên nền truyền thống và cho ra kết quả không ngờ.
Món ăn cho phép nhiều sáng tạo
Năm nào dịp Tết, nghệ nhân Hiền Minh cũng tự tay làm các món mứt, bánh để đãi khách.
“Bên cạnh cảm giác tự tay chuẩn bị Tết, cái gì làm được thì nên bớt chút thời gian để làm, khi ăn cũng yên tâm hơn về chất lượng”, chị nói.
Trên nền truyền thống, chị hay sáng tạo những vị riêng nên bánh mứt của gia đình chị ít khi bị “đụng hàng” với khay mứt, đĩa bánh với gia đình người khác.
Chị ví dụ, mứt dừa là món mứt quốc dân ở miền Nam, thay vì đường cát, đường phèn, chị sử dụng đường thốt nốt.
Hay khi làm mứt mãng cầu, chị đưa vào đó thêm me. Vị ngọt ngọt của mãng cầu, vị chua chua của me làm cho món mứt lạ miệng hơn.
Ngoài mứt mãng cầu me, chị sáng tạo thêm món mứt mãng cầu muối ớt. Thay vì vị ngọt truyền thống của mứt mãng cầu, Hiền Minh cho thêm muối ớt vào. Khi ăn, cảm thấy miếng mứt đa vị một cách bất ngờ.
Chị Hiền Minh là người gốc Bắc nhưng sống ở Nam từ bé; sau này lấy chồng người miền Trung nên chị có nhiều trải nghiệm bánh mứt, xôi chè... ở các miền địa lý khác nhau.
Vi vu bánh mứt vùng miền mà mê
Việt Nam có nền văn minh lúa nước lâu đời. Từ nền gạo tẻ, gạo nếp, người dân thường làm những món bánh, xôi, chè dâng lên bàn thờ ông bà tổ tiên để cảm tạ và cầu mong một năm mới mùa màng bội thu.
Hầu hết các loại bánh đều từ nền lúa gạo đó, được chế biến theo nhiều hình thức, khẩu vị từng vùng miền và tùy cả từng gia đình mà có tên gọi, hình thức, mùi vị khác nhau.
Tết miền Bắc, người dân thường cúng bánh chưng, miền Trung và Nam thì cúng bánh tét (nhưng bánh tét ở hai miền này cũng khác nhau).
“Bánh chưng miền Bắc có vị thuần, không có quá nhiều gia vị. Người ta chọn loại nếp ngon, thịt ướp tự nhiên với muối hoặc tiêu bột, nên bánh có vị thanh. Bánh tét miền Trung có vị gần giống bánh chưng Bắc nhưng ở một số nơi có thêm nhân đậu phộng.
Người miền Nam hảo ngọt nên khi làm bánh, người dân cho thêm đặc sản nơi họ có như nước cốt dừa, đậu đen, chuối... vào bánh.
“Người miền Nam không có chuối trên mâm cỗ ngày Tết như người miền Bắc và miền Trung, ngoại trừ chuối đưa vào bánh tét, dâng lên cúng ông bà tổ tiên”, chị Hiền Minh nói.
Chưa kể, Tết vi vu bánh mứt, xôi chè ở các vùng miền mà mê.
Nếu ở miền Bắc có chè lam, chè kho,... miền Trung có bánh tổ, bánh thuẫn, bánh cốm,... thì ở miền Nam vào dịp Tết, ngoài bánh tét còn có bánh thuẫn (nhưng khác bánh thuẫn miền Trung), bánh bò, bánh da lợn...
Người Hoa ở miền Nam cũng có bánh tổ nhưng khác bánh tổ miền Trung vì bánh miền Trung có vị gừng rất đặc trưng.
Nghệ nhân Hiền Minh kể, có một lần chị ra Phú Yên, rất ấn tượng món xôi chè. Người dân xào đậu đen, ép khuôn. Ăn rất thơm ngon, vị bùi béo riêng.
Văn hóa làm mứt ở các vùng miền cũng khác nhau.
Về cơ bản, địa phương nào có đặc sản nào thì Tết sẽ có mứt đó. Chẳng hạn ở miền Tây, mứt mãng cầu, mứt dừa... luôn có trong gian bếp mỗi gia đình.
Miền Trung và miền Bắc không đa dạng trái cây như miền Nam. Ở miền Bắc và Trung, đa số có mứt gừng. Ở miền Bắc có thêm mứt bí, mứt hạt sen, ô mai...
Nói sao cho hết ngàn năm bánh mứt Việt Nam mình. Kể một hồi mà không hết chuyện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận