Hỏi vì sao? Bạn nói: Cơ quan chúng ta vẫn có lương tháng 13, có quà Tết đúng không và thu nhập vẫn không quá thấp. Vậy nên đừng than thở khiến người khác rầu thêm, nhất là khi người nghe khó khăn hơn mình nhiều lắm.
Anh tài xế công nghệ tâm sự năm nay anh về quê với cha mẹ nhưng sẽ không đi làm, không đi nhậu. Việc của anh là lái xe công nghệ, anh đang hy vọng Tết năm nay chạy xe có tiền nhiều hơn mọi năm. Anh nói đây là cơ hội nên vui chứ có chi phải buồn.
Anh nói không giàu hơn ai nhưng anh thích nghe kể chuyện những người tìm được công việc, có cách để có thêm tiền. Nghe để học theo, cũng để lạc quan yêu đời yêu nghề. Nghe than thở đâm rầu thêm.
Chị đồng nghiệp về quê tảo mộ ông bà, gặp bà con dòng họ, nhà chị ai cũng hài hước nói về cái sự khó khăn năm qua.
Bà chị lớn nhất tuyên bố đứa nào than thở đi chỗ khác chơi! Rồi mấy anh chị em cùng cười lạc quan, hy vọng sang năm sẽ khác, nghề này khó có nghề khác khá hơn chút, gặp khó thì sống dè sẻn, tiện tặn hơn chút cũng được.
Có khi đó là cách để con mình nhìn thấy mà học theo, sống tiết kiệm và cố gắng hơn. Đi qua ngày tháng khó khăn càng thấy giá trị của công việc mình đang làm hằng ngày. Ngày cuối năm, nghe chuyện người thân nói mà thấm thía và an lòng biết bao nhiêu!
Thăm hỏi, đừng "tra hỏi"
Tết đến bên thềm nhà, những cuộc thăm viếng luôn đầy những nụ cười hội ngộ. Nhưng đâu đó vẫn có những câu hỏi khiến người nghe bất chợt khựng lại, đột ngột "đứng hình", thình lình "tắt điện".
Tết mà! Cả năm có mấy dịp hội ngộ đâu, nên ngày sum họp phải thăm hỏi vài ba câu tỏ lòng quan tâm. Nhưng không vì vậy mà buông ra những câu một cách vô tình, mặc kệ khuôn mặt ai kia thoáng ngượng ngùng, nụ cười chợt gượng gạo và ánh mắt đong đầy nỗi niềm khi vô thế phải trả lời những chuyện không muốn nói.
"Bao giờ lấy chồng, cưới vợ?" - câu hỏi thăm muôn thuở đã thành đề tài của bao nhiêu clip hài hước trên mạng xã hội. Khi người trẻ đã có quan niệm khác trước về chuyện cưới xin, khi cuộc sống còn quá nhiều việc để lo trước khi cưới, nếu có hỏi thăm ai về hỷ sự đời người cũng đừng nên vô tình hỏi đúng một câu với bao nhiêu người. Đôi khi việc hỏi thăm lại là cách gợi nỗi buồn cho người trong cuộc.
Rồi lại hỏi nhau "Khi nào sinh em bé, có định kiếm thêm thằng con trai cho đủ nếp đủ tẻ không?"…
Ai chả biết là tiếng bi bô nói cười của con trẻ trong gia đình sẽ là sợi dây kết nối bền chặt nhất cho tổ ấm, là hạnh phúc của ông bà. Nhưng cuộc sống bây giờ người ta muộn con vì nhiều lý do khách quan lẫn ý định chủ quan, người ngoài đừng hỏi quá nhiều, đừng chăm chăm bắt lỗi chỉ biết sống hưởng thụ cá nhân mà quên đi trách nhiệm nối dõi tông đường!
Sau mấy năm khó khăn, giờ ớn nhất câu hỏi về lương thưởng, tài sản, nhà xe, đất đai. Anh em họ hàng giáp mặt, bạn cũ lâu ngày tụ họp cứ thế mà rần rần so nhau về tiền tài, danh vọng. Người nói không ngừng về bài học làm giàu nhiều khi quên mất có ai đó bên cạnh đang chật vật khó khăn, không phải ai cũng dễ dàng thoát khỏi vòng xoay của kinh tế biến động, thất nghiệp tràn lan.
Rồi đến hỏi với trẻ em kiểu như "Cháu học trường nào?", "Đạt học sinh xuất sắc chứ?", "Định du học ở đâu đây?"… Thành tích của con trẻ luôn là mối bận tâm không nhỏ của người lớn, chuyện trò đôi ba câu lại xoay qua hỏi chuyện sắp nhỏ. Sẽ chẳng hay ho lắm khi mỗi câu hỏi bật ra cứ cân đo năng lực, đong đếm danh hiệu, ước lượng tương lai.
Có ai nhìn thấy trẻ đang vui bỗng ỉu xìu nét mặt, mẹ cha đang hớn hở chợt thinh lặng, trầm ngâm bởi sự cố gắng của con cái trong nhà chưa như kỳ vọng. Ngôi trường danh giá hay tấm giấy khen chưa thể là thước đo thành công một con người, "dán nhãn" hoàn hảo một nhân cách.
Ước gì người ta chậm lại tí xíu, chững lại chút xíu để nhận ra rằng khoảng cách giữa thăm hỏi và tra hỏi gần trong gang tấc. Ước gì người ta tinh tế hơn trong các buổi gặp gỡ, chuyện trò, chúc Tết đầu năm để tạo không khí cởi mở bằng sự quan tâm chân tình, hỏi han chân thành…
Đừng để người đối diện phải cười trừ, cười gượng hoặc thủ sẵn câu trả lời trước muôn câu hỏi khó đáp lời mỗi dịp Tết đến xuân về.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận