Phóng to |
Mâm cơm cúng Tết Độc lập của người dân Tân Hóa - Ảnh: Lam Giang |
Trước năm 1945, người dân ở đây cũng có cúng rằm tháng bảy như nhiều nơi khác, nhưng sau ngày 2-9-1945, những bậc cao niên đã bàn bạc và quyết định nhập lễ cúng rằm tháng bảy vào ngày Quốc khánh 2-9. Từ đó Tết Độc lập ở đây trở thành một ngày lễ lớn, một nét văn hóa đẹp suốt nửa thế kỷ qua ở vùng đất này.
“Dù cuộc sống còn khó khăn thiếu thốn nhưng mâm cơm ngày Tết Độc lập thì nhà ai cũng đầy đủ. Đó là dịp để người dân nơi đây bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, với những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc và giáo dục con cháu về truyền thống uống nước nhớ nguồn”. Cụ Cao Xuân Diệu (80 tuổi) - một cao niên ở xã Tân Hóa |
Tết Độc lập ở đây được chia làm hai phần: lễ là phần quan trọng để dâng hương, thờ cúng tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu sức khỏe, làm ăn phát đạt; còn phần hội tổ chức những trò chơi dân gian như đánh đu, bơi thuyền giữa các thôn trong xã. Đêm đến, hàng ngàn người vây quanh đống lửa xem biểu diễn văn nghệ...
Đối với người dân ở đây Tết Độc lập quan trọng chỉ sau Tết Nguyên đán nên việc chuẩn bị khá đầy đủ và rất chu đáo. Do đó cứ vào ngày này hằng năm không khí ở vùng đất này lại trở nên rộn ràng hẳn từ trong nhà ra ngoài đường. Con cháu ai ai đi xa cũng về nhà sum vầy bên gia đình.
Thường từ mùng một, cứ 4 gia đình lại chung nhau mổ một chú lợn. Nhà nhà gói bánh, sửa soạn chuẩn bị mâm cơm dâng cúng tổ tiên những món ăn mà gia đình tự tay chế biến, trong đó không thể thiếu bánh chưng, xôi gà, lợn và rượu.
Sau khi chuẩn bị mâm ngũ quả, đĩa trầu cau, cơm, rượu được mọi người trong gia đình thực hiện tươm tất để dâng lễ cúng tổ tiên thông báo hôm nay là ngày trọng đại, gia đình làm mâm cơm để mừng ngày đất nước độc lập. Mọi người trong gia đình bày biện, sắp xếp cẩn thận mâm cơm và sửa sang quần áo để đón khách đến chơi nhà và cùng nhau sum vầy bên mâm cơm, nhâm nhi chén rượu mừng ngày độc lập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận