Và sau những ngày ác mộng, họ có một cái Tết dù thiếu thốn hơn trước nhưng lại đầy ắp niềm vui và đầm ấm bên người thân nơi quê nhà.
Làm bánh Tết ân nhân
Sau ngày người Kinh, người Thái ở bản dưới cúng "ông Công ông Táo" là ngày dân bản Huổi Dương (xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, Sơn La) bảo nhau dọn dẹp nhà cửa. Bản Huổi Dương nằm lưng chừng núi, đường bê tông ngoằn ngoèo ôm lấy lưng núi với hai bên là nhà dân túa ra như xương rắn. Nhà Sộng Vạ Ly ở cuối bản. Dọn vườn xong, Ly xuống khe lấy lá dong để làm bánh giầy.
Tết của người Mông trong vùng không thể thiếu bánh giầy - thứ bánh được giã nhuyễn xôi nóng trong cối gỗ. Bánh để dâng lên tổ tiên, cho trai gái mang về biếu họ hàng trong dịp đám cưới, cúng mừng cơm mới. Vạ Ly năm nay không có tiền để mổ heo, mổ bò như nhà khác.
Tết của Ly chỉ có gà, xôi nếp và bánh giầy làm quà đãi khách quý và bộ đội biên phòng. Chỉ mấy tháng trước, dân bản Huổi Dương thấy ông Sộng Vạ Chơ (bố của Ly) thẫn thờ đến trạm kiểm soát biên phòng nhờ giúp việc gì đó. Ông Chơ không nói với ai, anh em cũng không nói, chỉ biết con trai ông, Sộng Vạ Ly, đi đâu không về.
Dân bản bảo thằng Ly bị bắt cóc. Lũ con gái thầm thì với nhau thằng Ly "đánh" máy tính nhanh như con gõ kiến mổ sâu trong rừng. Nghe nói Ly làm "công ty" (làm công nhân) nhưng bị bán đi nước ngoài.
Ngày ấy, Ly tìm trên điện thoại thấy có người bạn giới thiệu cho ông chú có cửa hàng máy tính ở TP.HCM cần người làm. Ly thạo máy tính, thạo mạng, "ông chú" trả lương 800 đô la mỗi tháng, bằng hai năm làm sắn của nhà Ly.
Ly đồng ý, xách túi quần áo bắt xe đi ngay. Ông Chơ chẳng gọi điện được cho con, hơn một tháng sau, ông chết điếng khi nhận được tin nhắn của con trai: "Con bị bán đi Campuchia rồi, bố cho con tiền để về".
Người ta bảo phải mua con ông từ Việt Nam sang để làm việc, con ông muốn về thì ông phải trả đủ 150 triệu đồng tiền "chuộc". Ông Chơ chạy ngược chạy xuôi, hết tìm người mua đất nương lại hỏi vay anh em bằng trâu bò: "Tao mượn tao đem bán cho thằng Ly về. Rồi nó về nó nuôi trâu, nuôi heo để trả".
Ngày biết tin ở bản Nà Lừa (xã Mường Và) có người được bộ đội biên phòng cứu về cũng là ngày ông Chơ không nhận được tin nhắn của con trai nữa. "Công ty" cũ đã bán Vạ Ly cho một "công ty" khác. Ông Chơ chỉ còn biết đến đồn biên phòng nhờ cứu con về. Nghe chuyện người dưới bản Nà Lừa bị dọa chặt ngón tay, chích điện và cắt tai, ông bố tội nghiệp chỉ biết gạt nước mắt nhìn lên dãy núi sau nhà cầu cho Vạ Ly được về.
Suốt hai tháng trời sau đó là chuỗi ngày mất ăn mất ngủ của ông Chơ và trinh sát Đồn biên phòng Nậm Lạnh (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La). Nick name của Vạ Ly bị kiểm soát. Người nào đó ở sòng bạc bên Campuchia giả làm Ly nhắn tin cho ông Chơ. Cứ nửa đêm gà gáy mới có tin nhắn. Ông Chơ đưa máy điện thoại để bộ đội biên phòng tìm cách hướng dẫn cho con ông về.
Cứ vài hôm ông lại lên đồn biên phòng hỏi: "Thằng Vạ Ly có nhắn tin không?". Câu trả lời là những cái lắc đầu, ông bố thẫn thờ ra về. Trong vùng, lần lượt có người được đón về, chỉ Vạ Ly bặt tin. Ông Chơ định cãi lời biên phòng, bán hết nhà cửa để đưa tiền cho "người ta". Nhưng may cho ông là ông chẳng biết chuyển khoản, chỉ biết đợi trong tuyệt vọng.
Sau ba lần bị bán đi, bộ đội biên phòng đưa được Ly về. Lúc ấy, Ly đã bị bán cho một sòng bạc của người Trung Quốc gần biên giới Campuchia - Thái Lan. Nếu không giải cứu kịp, có thể cậu thanh niên này bị bán tiếp cho các sòng bạc ở vùng Tam giác vàng. Ngày Vạ Ly được về, bản Huổi Dương mừng như ngày cơm mới.
Trở về từ địa ngục
Lường Thanh Đạt khoác ba lô về ăn Tết cũng là lúc cây ban đầu bản nở trắng một vạt đồi. Đạt là người đầu tiên được bộ đội biên phòng giải cứu khỏi casino bên Campuchia về nước. Cậu là người được đưa về sớm nhất nhưng lại chịu những đòn tra tấn hãi hùng nhất trong số hơn 10 người ở Sơn La được đưa về từ các sòng bạc bên Campuchia.
Cậu theo bố đi Bắc Ninh làm phụ hồ kiếm chút tiền đỡ đần gia đình. Gần Tết Đạt mới về nhà. "Có mấy cân thịt trâu rồi - ông Lường Văn Hóa, bố của Đạt, khoe - Cứu được thằng Đạt về là may lắm rồi! Gia đình không mong gì hơn, Tết năm nay cả nhà ở bên nhau. Anh em bạn bè mỗi người giúp một ít, nhà có cái Tết vui!".
Nhà Đạt nghèo nhất bản Nà Lừa, năm miệng ăn chỉ có hai sào ruộng và mảnh nương cỏn con. Bố Đạt, ông Lường Văn Hóa, quanh năm xách cái bay mòn vẹt đi làm thợ phụ. Cơ nghiệp lớn nhất của cả gia đình là đàn heo hơn 40 con đã bị dịch chết cả. Gần Tết, nguồn thu chủ yếu là mấy đồng tiền công và hơn chục con gà bay như diều hâu bên lán coi nương.
"Của đi thay người - ông Hóa bặm môi - Tôi không mất đứa con trai là phúc đức lắm rồi. Chúng nó (người của sòng bạc bên Campuchia) bắt tôi phải trả 160 triệu đồng trong vòng hai ngày, nếu không thì nhận xác con về. Lúc thì chúng gửi cho cái ảnh bàn tay bị cắt một ngón, lúc là ảnh cái tai bị cắt..." - ông Hóa run run nhắc lại những ngày con trai ông bị hành hạ ở Campuchia.
Hồi tháng 6-2022, Lường Văn Đạt được bạn bè trên mạng giới thiệu cho một công việc vừa nhàn vừa có thu nhập cao ở TP.HCM, và Đạt xin bố cho đi ngay. Nào ngờ người ta đưa Đạt lên xe rồi chở thẳng sang Campuchia.
Cậu thanh niên chưa bao giờ ra khỏi đất Sơn La bỗng nhiên bị đẩy vào một tòa cao ốc gần cửa khẩu Mộc Bài cùng với gần 40 người khác. Công việc chính là dùng mạng xã hội chat với người khác để dụ người ta chơi tài xỉu.
"Họ bảo mỗi tháng mà khách chuyển tiền vào tài khoản công ty 150 triệu đồng thì tôi sẽ được trả 800 đô la, còn không thì bị bỏ đói, bị đánh rồi bán cho công ty khác" - Đạt nói và cho biết tháng đầu tiên nhóm của Đạt làm đủ chỉ tiêu, Đạt được ứng tiền, lén mua điện thoại để nhắn tin về nhà.
Vài hôm sau, tên quản lý người Trung Quốc không nói không rằng lôi Đạt vào một căn phòng. Hắn nghiến răng vụt chiếc đèn pin như cái dùi cui điện vào mạng sườn Đạt, bắt Đạt lột quần áo rồi chích điện khiến cậu đau đớn giãy đành đạch như con cá nằm trên thớt.
"Nó nói muốn về thì phải trả tiền chuộc. Ngày nào nó cũng nhốt em 2 tiếng. Gọi điện cho bố em, bắt bố ghe tiếng điện phóng "tành tạch" từ roi điện, cho nghe em hét vì đau..." - Đạt chỉ vào những vết sẹo chằng chịt vì bị chích điện hai bên mạng sườn.
"Mỗi ngày bọn nó nhắn 60 tin. Nó đòi 160 triệu đồng, nếu không thì chỉ được nhận ảnh con. Nó gửi ảnh cắt ngón tay, ảnh cắt tai về dọa... Không có các chú bộ đội thì chắc tôi đã mất con rồi" - ông Hóa tiếp lời con kể lại.
Năm nay nhà ông Hóa ăn Tết nghèo hơn mọi năm, nhưng ai cũng vui. "Vụ này tôi còn hơn 10 tấn sắn khô, không bán tiêu Tết mà để dành nuôi heo. Sang năm, bố con tôi sẽ "gây" lại đàn heo làm vốn liếng cho thằng Đạt. Ở quê chăn nuôi, làm giàu, không phải đi làm xa nữa" - ông Lường Văn Hóa dự tính tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận