Lúc nhỏ chúng tôi thường hay hỏi cắc cớ sao mùng 5 tháng 5 mà gọi là Tết Đoan ngọ, Tết nửa năm mà không phải là mùng 6 tháng 6.
Đổ bánh xèo ăn Tết nửa năm
Mẹ cắt nghĩa đơn giản rằng từ hồi nào giờ ông bà mình thường cúng mâm cơm, hoa quả vào ngày này, con cháu truyền nối tục lệ rồi làm theo. Đây cũng là thời điểm giữa năm, dịp để con cháu ở xa quây quần về nhà cùng ăn bữa cơm.
Làm món gì cũng được, nhưng người dân miền Tây hay rủ nhau đổ bánh xèo, anh chị em hai ba nhà xúm xít cùng làm cùng ăn mới vui.
Năm nào cũng vậy, còn hai ba ngày tới mùng 5 tháng 5, mẹ gặp đứa nào cũng hỏi "mùng 5 đổ bánh xèo hông bây?".
Bây giờ anh chị em tôi có đứa đi làm xa nhà thì mẹ chuyển qua gọi điện thoại "trưng cầu ý kiến". Sau khi tất thảy hô "ăn" thì sáng hôm sau mẹ có nhiều năng lượng hơn để xách giỏ đi chợ.
Hồi mười mấy năm về trước, làm bánh xèo khá vất vả, phải ngâm gạo từ đêm hôm trước để sáng hôm sau thức dậy sớm xay bột bằng cối đá.
Rồi cách đây vài năm đem gạo ra chợ, mướn xay bằng máy, đỡ được một công đoạn. Hiện tại mần bánh xèo khỏe re, nhờ bột chế biến sẵn, có công thức in trên bao bì, mua bột về pha nước, thêm nước cốt dừa theo tỉ lệ phù hợp là được.
Người miền Tây mần bánh hay để thêm nước cốt dừa cho béo, có những loại bánh phải để thật nhiều nước cốt dừa hoặc dừa nạo, vị bánh béo ngậy mới ngon, nhưng ăn không ngán.
Riêng đối với bột đổ bánh xèo để nhiều nước cốt dừa bánh bị bở, không đạt độ giòn, cho nên để dừa sao cho vừa phải.
Nhân bánh xèo đơn giản nhất là xào củ sắn, giá, thêm một ít củ cải đỏ cho bắt mắt, nêm muối, đường, bột ngọt vừa phải. Cùng với đó là một trong các loại thịt heo, thịt vịt, tôm thịt.
Nhà nào "sang" hơn một chút thì lấy măng tươi hoặc củ hủ dừa xắt sợi mỏng, rồi kết hợp với tôm thịt làm nhân.
Bột bánh xèo mua về pha loãng, thêm hành lá xắt nhuyễn cho thơm. Công đoạn đổ bánh xèo mới thật quan trọng, tay nghề khéo mới cho ra lò cái bánh tròn đều, ở giữa chín vàng, ngoài vành giòn rụm.
Bánh chín để ra đĩa, đặt thêm nhân đã chuẩn bị sẵn vào giữa gấp lại. Thường mỗi đĩa bánh để sẵn hai cái vừa khẩu phần ăn cho một người.
Có đọt bằng lăng ăn bánh xèo mới ngon
Món bánh xèo công phu là thế, nhưng nếu thiếu rau và nước mắm thì coi như không phải ăn bánh xèo. Nước mắm tỏi ớt pha thật loãng với độ chua ngọt hòa quyện kèm một ít dưa chua củ cải.
Rau ăn kèm với bánh xèo cũng rất đa dạng kiểu "cây nhà lá vườn". Tùy theo vùng đất, phong vị của mỗi nơi mà rau ăn kèm bánh xèo cũng có chút biến tấu.
Một số loại rau cơ bản rất dễ mua ngoài chợ như: xà lách, cải xanh, diếp cá, rau thơm, dưa leo. Ngoài ra ở miền Tây nổi tiếng có rau rừng núi Cấm (An Giang), với khoảng vài chục loại lá rừng ăn kèm với bánh xèo như một món đặc sản.
Ở miền Tây còn có sẵn đọt lá sung, lá bứa, đinh lăng cũng được xếp vào hàng rau bánh xèo, ăn ngon không kém rau rừng.
Lại không thể không kể đến đọt bằng lăng đồng, tức lá non của cây bằng lăng mọc khơi ngoài bờ ruộng ven các con rạch sâu trong nội đồng.
Đọt bằng lăng hái vào không nên rửa qua nước, bởi lá bằng lăng dính nước sẽ bị "nhớt" giống với lớp mỡ dính trên mặt lá.
Cho nên khi hái đọt bằng lăng phải chọn những cây mọc giữa đồng rồi chọn lá non, lành lặn, loại bỏ những lá bị đốm cháy, lá sâu là ăn được ngay.
Đọt bằng lăng vị chát nhẹ, nhưng khi nhai kỹ có chút vị ngọt thanh vương lại nơi đầu lưỡi, độ ngon kể cũng không hề thua kém rau rừng bao nhiêu.
Giờ đây bánh xèo có bán ở nhiều hàng quán trong thành phố cho những tín đồ mê món bánh này "xách xe" đi ăn bất cứ giờ nào trong ngày.
Dịp mùng 5 tháng 5, người đi làm bận rộn không có thời gian bày biện thì đặt hàng sẵn hai cái 50.000 - 60.000 đồng đem về cúng ông bà rồi cả nhà cùng ăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận