Bánh xèo má đổ lúc gia đình quây quần bên nhau - Ảnh: Tác giả cung cấp
Lập tức ở nhà chuẩn bị ngâm gạo xay bột, con Hai và thằng Ba hái rổ lá lốt và rau sống ngoài vườn, ra chợ mua thêm cải bẹ xanh. Cha tui cắt mụt măng xong về thì tranh thủ làm thịt con gà, bằm nhuyễn xào để làm nhân bánh "cho sắp nhỏ ăn đã một bữa nghen, Tết mà!".
Nói xong, ba tôi xuống bếp với tay lên mái tranh rút dao phay đi một vòng bụi tre Tàu thăm mấy mụt măng mà ba để ý mấy bữa trước.
Mụt măng tre Tàu -Ảnh tác giả cung cấp
Chừng nửa tiếng ba quay về, trên tay xách một xâu ba mụt măng được xỏ ngang thân bằng sợi dây lạt rồi đưa má tôi sai chị Hai lột vỏ rửa sạch đem luộc.
Măng chín vớt ra lấy dao bào cọng hơi nhuyễn một chút. Trời vừa xế là cả gia đình tôi ngồi xúm xít trên tấm đệm kết bằng mấy bao đựng diêm rải ruộng trải dưới nền nhà, gần kế bên má là bếp lửa đun củi trên bắc cái chảo gang.
Bột đổ bánh xèo đã khuấy với nước có trộn hành xắt
Má tôi mồ hôi nhễ nhại vì lo đổ bánh xèo. Má cầm trên tay một đoạn cuống tàu lá chuối dài độ hai gang tay, một đầu đập hơi dập nhúng vào chén dầu phộng rồi thoa đều trong lòng cái chảo. Sau đó, má múc một vá bột pha hơi loãng có trộn thêm chút nghệ bột. Lá hành xắt khúc chừng một phân để khi chín bánh có màu vàng trông ngon và đẹp mắt.
Má nhẹ tay cho vá bột đã tính trước đổ được cái bánh đầy đặn không thừa không thiếu chỗ nào vào cái chén để sẵn, lần lượt chan chén bột vào chảo, cứ mỗi lần như vậy tôi nghe tiếng cái "xèo" rồi má nhanh tay dùng nùi giẻ nắm hai quai chảo nghiêng đảo một vòng cho bột lan tròn ra.
Má nhón tay lấy măng đã luộc bào mỏng cùng thịt gà băm nhuyễn đã xào bỏ vào giữa bánh làm nhân. Má vội lấy cái nắp vung úp lên chảo chừng 3-4 phút là bánh chín.
Tranh thủ lúc này, má dùng sạn xúc bánh xèo để lên mâm nhôm hoặc có khi là tàu lá chuối đã lau sạch phấn. Việc đổ bánh cứ lặp đi lặp lại cho đến khi hết bột xem như mới hoàn thành.
Chuẩn bị cho bữa bánh xèo được tươm tất thì rau sống và bánh được bày lên một lượt trên tấm đệm. Mọi người tùy theo ý thích có thể lấy lá cải bẹ xanh hay lá lốt cuốn bánh xèo, như cuốn bánh tráng với rau sống, một cuốn to hơn ngón chân cái rồi chấm nước mắm cay cay.
Đổ bánh xèo
Ai cũng thích thú ngon miệng nhờ một phần nhân được làm từ măng tre Tàu và thịt gà băm nhuyễn ngon thiệt là ngon. Phần nữa là đong đầy sự tảo tần thương khó của ba má.
Bánh xèo nếu không phải mùa Tết còn được thương nhớ vào khoảng tháng năm âm lịch. Khi trời đang nắng bỗng chợt đổ cơn mưa nhỏ ào qua chừng mươi, mười lăm phút, nhà tôi thường nói đó là trời mưa nấm mối.
Bởi sau cơn mưa này một vài ngày, nấm mối bắt đầu mọc. Nấm mối rất lạ vì nó mọc thành đám có khi to như cái sàng gạo. Nấm thường chen chúc nhau nơi đất sạch sẽ, chỗ có mối làm tổ vì nơi đó đất đùn thành ụ gọi là gò mối. Tại mỗi ổ nấm mối, nhà tôi thu hoạch có khi cả rổ to, vài ba ký là thường.
Nghe người lớn kể lại ổ nấm mối mọc từng chùm, từng đám to như vậy không phải ai cũng thấy được mà chỉ có người có duyên mới thấy. Vì vậy, người ta khuyên khi nhổ nấm phải trân trọng, cẩn thận nhổ nấm bằng tay hay dùng cật tre cắt ngang gốc chứ không nên dùng dao sắt xéo hay cắt gốc.
Nấm mối
Khi phát hiện ổ nấm mối, người ta âm thầm nhổ, tuyệt đối giữ bí mật, không nói cho ai biết kể cả người nhà. Có như thế thì mùa sau, đúng vào thời tiết này, đến chỗ cũ mới tiếp tục có nấm mà nhổ. Nếu thu hoạch nấm mối cách cẩu thả như cắt bằng dao và kể huyênh hoang thì chắc rằng năm sau nấm mối "giận" không mọc nơi này nữa dù là chỉ vài tai.
Nấm sẽ di chuyển sang nơi khác. Nấm mối có vị ngọt, cắn ăn hơi dai, thường được người dân quê tôi mang về xào làm nhân đổ bánh xèo. Đúng là ngon "tuyệt cú mèo".
Ngày Tết sắp cận kề làm tôi nhớ day dứt khôn nguôi món bánh xèo đậm đà hương vị miền quê mà má tôi thường đổ cho khi gia đình quây quần sum họp. Tết năm nay nhà tôi cũng đủ đầy anh chị em, con cháu. Chúng tôi cũng sẽ cùng nhau đổ bánh xèo.
Trước là thưởng thức món dân dã, mộc mạc mà đậm đà hương vị miền quê, sau không quên dâng lên bàn thờ gia tiên cúng ba má tôi món ăn mà khi họ còn sống từng rất thích. Hương linh ba má nhớ về để cùng chia sẻ món ăn đầy hương vị ngày Tết với con cháu nha ba má!
Cuộc thi "Món Tết quê nhà"
Cuộc thi là nơi chia sẻ những bí quyết về các món ăn truyền thống ngày Tết, cũng là cơ hội cho những người con xa quê được dịp chia sẻ những cảm xúc về ngày Tết, những câu chuyện đón Tết, ký ức sum họp ấm áp, mâm Tết xa quê của bạn...
Bạn đọc có thể viết về những câu chuyện thú vị quanh mâm cơm Tết, những món ăn tình thân sum họp gia đình, những món ăn "bắt buộc" phải có trong mâm cơm ngày Tết của từng vùng miền, những món ăn đặc trưng... cũng như tâm tư về ngày Tết quê mình qua ẩm thực.
Các bài dự thi sẽ được Tuổi Trẻ lựa chọn để đăng, chấm nhuận bút, xét giải và trao thưởng. Thời gian nhận tác phẩm từ ngày 20-10 đến hết ngày 15-12-2022. Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào ngày 25-12-2022, tác giả và tác phẩm đoạt giải cuộc thi sẽ được công bố trên giai phẩm Tuổi Trẻ Xuân Quý Mão 2023.
Bài dự thi tối đa 1.500 chữ, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa gửi về email [email protected].
Ban tổ chức cảm ơn các bạn đọc đã gửi bài từ 24 đến 26-10: Đức Anh, thuy luong, yen pham, lưu thị bình, Mai Nguyen Van, Tuan Dao Minh, Nguyễn Thị Thu, Phú Hữu Huỳnh, Đức Thọ Phạm, Vu ta tu, Le Quoc Ky...
BAN TỔ CHỨC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận