16/02/2024 11:50 GMT+7

Tết đi săn rêu xóm Rớ

Tôi có dịp đến xóm Rớ nhiều lần vào mùa rêu và lần nào cũng có cảm xúc khác lạ. Nhất là vào những buổi sáng khi ánh bình minh vừa ló dạng, làng rêu xóm Rớ đẹp đến sững sờ.

Tết đi săn rêu xóm Rớ- Ảnh 1.

"Nhóm bạn thân Phú Yên" ở bờ kè Xóm Rớ.

Xóm Rớ thuộc phường Phú Đông, Tuy Hòa, Phú Yên. Nghe mọi người trong vùng kể lại có một người gốc Quảng vào Phú Yên lập nghiệp, đã đem cái nghề cầm rớ và khai sinh ra cái tên làng.

Thay vì ngồi trên ghe lênh đênh sông nước, ngư dân nơi cửa sông đổ ra biển này làm nghề rớ để mưu sinh. Họ dựng giàn tre cố định rớ ở giữa sông để đánh bắt tôm cá… Những chiếc rớ buông mình dưới nước: rớ chìm, rớ nổi tạo thành một vòng lưới tròn giữ cá tôm. Đây có lẽ là cách đánh bắt cá lạ nhất mà tôi được biết.

Nhưng Tết chúng tôi đến xóm Rớ không phải để xem cách đánh bắt cá độc đáo này, mà đi… săn rêu.

Cả một năm chìm trong khói bụi và những công việc tưởng chừng không bao giờ đủ thời gian làm hết được, bỗng một sớm mai mình được đứng trước bao la biển trời mây nước và mênh mông là rêu: rêu chảy tràn trên gờ đá, rêu ẩn sâu hộc đá, rêu sà xuống biển, rêu ẩn hiện uyển chuyển dưới làn nước xanh thẳm… Nơi đây đúng là thế giới của rêu, thiên đường rêu đá.

Do làng thường xuyên bị bão lũ đe dọa, người dân xóm Rớ đã cho xây dựng một bờ kè từ những khối bê tông có hình dạng đặc biệt nhằm tiêu hao năng lượng sóng, giảm thiểu tác động của triều cường và bão biển để đảm bảo an toàn cho người dân. Và không ai nghĩ mình đã tạo ra một cảnh đẹp đến mê hoặc lòng người đến như vậy.

Hằng năm, đúng hẹn lại lên, cứ vào khoảng từ tháng một đến hết tháng tư dương lịch, sau một thời gian nằm trong nước, những ô vuông bê tông chắn sóng dần dần bị phủ bởi rêu xanh rờn. Vào lúc bình minh hay hoàng hôn buông xuống, khi nước thủy triều rút cũng là lúc xóm Rớ được choàng lên mình chiếc áo màu xanh rêu.

Một góc bờ kè xóm Rớ.

Một góc bờ kè xóm Rớ.

Tôi có dịp đến xóm Rớ nhiều lần vào mùa rêu và lần nào cũng có cảm xúc khác lạ. Nhất là vào những buổi sáng khi ánh bình minh vừa ló dạng, làng rêu xóm Rớ đẹp đến sững sờ. Trong khung cảnh yên bình, lắng tai nghe tiếng gió vi vu, sóng biển rì rào, thoảng đâu đây cái mùi rong rêu lẫn trong mùi lá ải, rêu úa cứ làm ta ngây ngất say say.

Nhìn từ xa xa, những khối đá có ba trụ, đặt thế nào cũng luôn có ba chân vững chắc, có nơi giống như những chiếc cối giã gạo úp ngược, có nơi những khối đá có hộc vuông vức xếp đều nhau như những chiếc bánh in khổng lồ màu xanh được đem phơi trong nắng sớm. Còn cái nơi tiếp giáp với bãi đá tự nhiên, những tảng đá to nhỏ khác nhau trông giống đàn cá voi màu xanh rêu đang nô đùa cùng sóng biển.

Sau một thời gian, dưới cái nắng oi ả của miền Trung, rêu khô dần tạo thành chất mùn cho đất. Phải đến năm sau rêu mới gặp nước đợi mùa xanh lên. Đối mặt với rêu, trong tận cùng cảm xúc, lần đầu tiên tôi biết hờn giận những trận nắng vô tư.

Men theo những mắt đá, ngày ngày rêu cần mẫn vẽ dáng mình lên đá và tô màu cho đá thắm xanh. Những hộc đá màu xanh mướt ấy xếp đều đặn nằm bên sóng nước luôn làm tốt nhiệm vụ của mình: giữ cuộc sống yên lành cho người dân xóm Rớ.

Đứng giữa thảm rêu xanh, giữa mênh mông là rêu, tôi như thấy bàn tay người xây kè lấn biển, đó là những con người bình thường vô tình đã tạo ra những vẻ đẹp khác thường mà chính họ cũng không ngờ được.

Trong cái nền xanh bất tận tràn đầy sức sống của rêu đá, tôi cứ ngỡ mình đang ở độ tuổi đôi mươi khi mùa xuân đang tới. Vẻ đẹp hài hòa, gắn kết của rêu và đá luôn làm tôi ao ước mỗi lần gặp đá tôi cứ mong mình là rêu.

Nhìn ngắm những phiến đá rêu có chỗ cao khuất thân người, kỳ bí như chứa đựng nhiều câu chuyện cổ tích, chợt nghĩ biết đâu đó, khuất sau những hộp đá rêu xanh, ẩn hiện những nàng tiên áo xanh đang thêu dệt mùa xuân hạnh phúc?

Còn tôi, tôi đi tìm mùa xuân của riêng mình: không rực rỡ sắc vàng hoa cúc, không sắc sảo kiêu sa với những đóa hồng… chỉ giản đơn màu xanh miên man của rêu làm dịu mát những tâm hồn cằn cỗi...

Triền mây nước rêu xanh mướt mắt

Giữa biển trời trông thật bình yên

Một vùng cảnh sắc thiên nhiên

Cho ta cảm giác phiêu trên tiên bồng.

(Thơ Trần Đình Phước)

Cuộc thi "Khoảnh khắc Tết của tôi"

Cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè.

Mỗi bài viết tối đa 1.000 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, chùm ảnh hoặc video.

Bài dự thi chia sẻ lại những điểm dừng chân lý tưởng, vùng đất độc đáo. Qua câu chuyện bạn kể, bạn sẽ giúp nhiều người có cơ hội được biết đến những vùng đất mới, những địa điểm không nên bỏ lỡ khi du xuân.

Đó có thể là bài viết ghi lại những khoảnh khắc bạn bè, người thân sum họp, ăn Tết và vui chơi cùng nhau.

Đó là những ghi chép, kể lại về những trải nghiệm cá nhân từ chuyến đi, chuyến công tác xa nhà trong những ngày Tết mà bạn từng trải qua.

Bài thi ảnh làm nổi bật vẻ đẹp của danh thắng, địa điểm hay vùng đất mà bạn đã tới. Đây là dịp để kể lại những sắc màu rực rỡ và khung cảnh đẹp của Việt Nam hoặc các quốc gia mà bạn đến.

Từ 25-1 đến hết 24-2, bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ [email protected].

Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng).

Chương trình có sự đồng hành của HDBank.

Tết đi săn rêu xóm Rớ- Ảnh 4.

Khoảnh khắc Tết của tôi: Về Bảy Núi đi anh!Khoảnh khắc Tết của tôi: Về Bảy Núi đi anh!

Sau khi xem Đất rừng phương Nam, nhiều bạn bè ở TP.HCM và các tỉnh lân cận đã hỏi tôi về rừng tràm Trà Sư - nơi được chọn là bối cảnh phục dựng khu chợ nổi trong phim.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên