16/01/2017 11:43 GMT+7

Tết đến mong niềm vui, đủ đầy cho mọi người

PHẠM VŨ thực hiện
PHẠM VŨ thực hiện

TTO - Những ngày giáp tết, báo chí, mạng xã hội, trong tin nhắn của những người thân quen đầy ắp dòng chia sẻ, rủ mời, giới thiệu những địa chỉ, kế hoạch thực hiện các chương trình thiện nguyện.

Người dân ở ấp Tà Dơ, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, Tây Ninh vui mừng nhận quà do Câu lạc bộ Nắng ấm yêu thương của những bạn trẻ ở TP.HCM gửi tặng - Ảnh: V.Tiên
Người dân ở ấp Tà Dơ, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, Tây Ninh vui mừng nhận quà do Câu lạc bộ Nắng ấm yêu thương của những bạn trẻ ở TP.HCM gửi tặng - Ảnh: V.Tiên

Những động lực vẽ nên bức tranh đa sắc ấy của mùa tết đã được khảo sát, phân tích dưới góc độ chuyên môn trong công trình nghiên cứu “Nhận thức và nhu cầu về các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng trong dịp Tết Nguyên đán” vừa hoàn thành cuối tháng 12-2016 do TS Nguyễn Ngọc Thơ, trưởng phòng quản lý khoa học - dự án thuộc Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM và đồng nghiệp thực hiện.

Lòng người đang tết

* Điều gì thúc đẩy việc thực hiện nghiên cứu này và tại sao đề tài lại chọn thời điểm chính xác là dịp Tết Nguyên đán, trong khi các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng của tập thể hay cá nhân đều phụ thuộc nhiều hơn vào các sự kiện, ví dụ như thiên tai?

- TS Nguyễn Ngọc Thơ: Truyền thống chia sẻ, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách hình thành tự nhiên trong đời sống và đã trở thành một giá trị, di sản quý báu của người Việt. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, truyền thông, mạng xã hội, các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ này càng lúc càng sôi động, đa sắc hơn. Mong muốn hiệu quả, giá trị này được nâng cao lên là lý do chúng tôi thực hiện nghiên cứu.

Chọn thời điểm Tết Nguyên đán vì đây là thời khắc mà mọi người thường có những cảm xúc đặc biệt: sự giao hòa, cộng cảm giữa con người với thiên nhiên, quê hương, gia đình, xã hội.

Khi “trời sắp tết hay lòng mình đang tết” nghĩa là con người đang có những cái nhìn khai phóng hơn, bao dung hơn, suy nghĩ nhiều hơn, sâu hơn về hạnh phúc, những giá trị đời người.

Lúc này, những hoạt động chia sẻ, hỗ trợ, thiện nguyện xuất phát chính từ sự thôi thúc trong lòng mỗi người thực hiện, tham gia, mong muốn chia sẻ niềm vui, sự đủ đầy, may mắn đến với người khác.

* Nhận xét đầu tiên của ông về kết quả khảo sát thu được?

- Kết quả lạc quan đến ngạc nhiên khiến tất cả chúng tôi đều rất vui. Tới 93,3% số người được hỏi trả lời rằng họ sẵn sàng làm việc tốt, tham gia các hoạt động thiện nguyện trong dịp Tết Nguyên đán.

92% cho rằng bản thân họ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, may mắn khi được tham gia những hoạt động đó, có người còn cho rằng đó là bổn phận phải làm.

99,3% cho rằng việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ cộng đồng là trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế... Những người còn lại cũng không phản đối, mà họ cho biết chỉ chưa sẵn sàng tham gia vì thiếu thời gian.

Trong khi có nhiều lời ta thán về sự lạnh lùng, vô cảm đang xâm chiếm con người, văn hóa, đạo đức xuống cấp... thì những con số trên và nội hàm của nó khiến chính tôi thấy tết đã đến trên bảng thống kê.

Bạn trẻ Cần Thơ gói bánh tét cùng chiến sĩ Trung đoàn bộ binh 1, Sư đoàn 330, Quân khu 9 - Ảnh: Bửu Đấu

 

* Phải chăng những con số đẹp như vậy là do chúng ta đã lựa chọn mẫu để thực hiện khảo sát?

- Có phần là như vậy. Mẫu khảo sát của chúng tôi là 300 phụ nữ độ tuổi 20-45, là những nhân viên văn phòng, nhân viên kinh doanh, giảng viên, sinh viên ở TP.HCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Cần Thơ.

Sở dĩ chúng tôi chọn phụ nữ vì sự gắn bó của họ với các việc chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên đán sâu đậm và nhiều trách nhiệm hơn; chọn phân khúc trí thức từ sinh viên trở lên là vì những người này có tầm ảnh hưởng hơn với xung quanh, hành động của họ dễ lan rộng.

Đợt nghiên cứu sau chúng tôi sẽ mở rộng mẫu ra các thành phần khác, đa dạng hơn.

Trải nghiệm là nền tảng của giá trị

* Theo ông, vì sao gần đây nhiều người thích tự đứng ra tổ chức các nhóm thiện nguyện thay cho việc thông qua một tổ chức chuyên nghiệp như trước kia?

- Một phần là do lòng tin bị giảm sút qua những sự kiện đã được đưa lên báo như là “con dê đi lạc”, “bao gạo ẩm mốc”, “hộp sữa hết hạn sử dụng”... xuất phát từ chính những tổ chức được giao nhiệm vụ phân bổ hàng hóa hỗ trợ này. Phần khác là do tính tích cực rất hấp dẫn của việc trực tiếp thực hiện đối với người tham gia.

Việc được tự chọn người nhận, tự tay trao những món tiền, món quà của mình cho người tham gia cảm giác được san sẻ, tương tác, thu nhận được nhiều cảm nhận, trải nghiệm, hiểu biết cá nhân hơn, từ đó họ có động lực để tiếp tục gắn bó bền vững với hoạt động thiện nguyện hơn.

Không chỉ là cá nhân, nhiều người còn rủ bạn bè, người thân cùng tham gia, nhiều người đưa con theo từ khi còn nhỏ như một cách giáo dục trực quan, giúp con hình thành ý thức chia sẻ, biết đồng cảm, học thêm những bài học ngoài sách giáo khoa... Trải nghiệm sẽ là cái nền vững chắc của giá trị.

Nhiều tổ chức xã hội chuyên nghiệp đã được hình thành ngay từ những hoạt động cá nhân này như chương trình Cơm có thịt, Áo ấm biên cương hay cả những chương trình can thiệp chuyên sâu như Hiểu về trái tim, Operation Smile, Thiện Nhân & những người bạn...

Cuối cùng, không thể không nhìn nhận sự tác động và lan tỏa rất lớn, rất nhanh của mạng xã hội trong câu chuyện này.

Các bạn sinh viên trong đêm nhạc gây quỹ “Lời hát từ trái tim” - Ảnh: THƯƠNG HOÀNG
Các bạn sinh viên tham gia chương trình tình nguyện “Mùa Xuân nơi biên giới” tại Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM gây quỹ từ thiện - Ảnh: THƯƠNG HOÀNG

 

* Tuy nhiên những tổ chức chuyên nghiệp lại có nhiều lợi thế hơn về mạng lưới, tiềm lực, thông tin, phối hợp, hình thức hoạt động...

- Tất cả những điều đó đều đúng, vì vậy đều cần có điều chỉnh tương thích. Tôi đề nghị: các tổ chức chuyên nghiệp ngoài việc kêu gọi các cá nhân đóng góp cho hoạt động của mình, đảm bảo hết sức minh bạch và hiệu quả cho hoạt động đó thì nên có thêm hình thức thứ hai: tổ chức cho những người đóng góp cùng tham gia để được trải nghiệm, cảm nhận và gắn bó.

Ngoài ra, các tổ chức này cùng với địa phương, báo chí, nhất là những nơi hoạt động xã hội hiệu quả như báo Tuổi Trẻ, nên giúp các nhóm cá nhân bằng cách cung cấp và cập nhật đầy đủ thông tin như lập thành một bản đồ những nơi cần hỗ trợ.

Trên đó chúng ta sẽ thông tin về tình trạng và nhu cầu ở từng địa điểm, cập nhật các chương trình giúp đỡ... để giúp các nhóm theo dõi biết cách điều phối hợp lý hơn trong khả năng của mình.

Về phía các nhóm tự phát: trước khi lên kế hoạch thực hiện cần tìm hiểu và cập nhật tình hình địa phương, nhu cầu của đối tượng mình muốn trợ giúp. Tham khảo và học hỏi cách làm việc của các tổ chức chuyên nghiệp, liên hệ đăng ký và chấp nhận sự giám sát của chính quyền địa phương.

Về phía địa phương: cung cấp đầy đủ thông tin, chọn những cán bộ mẫn cảm và hiểu biết để làm việc với các nhóm, tổ chức xã hội, hết sức tạo điều kiện để hai bên được tương tác với nhau, việc cho và nhận đạt được hiệu quả tốt nhất của nó.

Trẻ em vùng lũ Phú Yên nhận quà đón tết Đinh Dậu từ chương trình Xuân Kết Nối-Xuân Yêu Thương 2017 do hơn 200 bạn trẻ đến từ TP.HCM về địa phương trao tặng - Ảnh: TRIỆU DỦ

 

Mục đích cuối cùng đều giống nhau

Lựa chọn giữa việc trao cần câu và trao con cá đã có câu trả lời như chân lý rồi. Con cá vẫn cần lúc ngặt nghèo và cần câu cần thiết sau đó.

Tôi cho rằng dù tổ chức chuyên nghiệp hay cá nhân tham gia thiện nguyện, mục đích cuối cùng đều giống nhau, đó là thông qua sự tương tác mà kết nối xã hội, mang đến cho người dân ở các vùng khó khăn những cái nhìn mới, kiến thức mới, quan hệ xã hội mới, phương cách mưu sinh mới, sau cùng mới là trợ giúp nguồn lực.

Ở phương diện này, các nhóm cá nhân có lợi thế hơn tổ chức xã hội vì họ là một tập hợp đa dạng hơn, có nhiều vai trò, chuyên môn khác nhau.

PHẠM VŨ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên