Đinh Thuêm trò chuyện với nhân viên trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG
Cậu bé 10 tuổi được gọi tên ở nhà là Khay, tên thật là Đinh Thuêm. Gần hai tháng trước, cậu bé được cơ quan chức năng đưa đến trung tâm chăm sóc trẻ này, sau một vụ án gây rúng động ở Gia Lai.
Cậu bé chính là người đã dùng súng tự chế bắn vào nhà của chị gái khiến 3 người trong một gia đình bị thương tại xã Đăk Kơ Ning, huyện Kông Chro.
10 tuổi, cậu bé đã trải qua một biến cố lớn của đời mình. Phạm lỗi, ở cái tuổi còn quá nhỏ và cậu được đưa đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai (Sở LĐTB-XH) nuôi nấng và giáo dục để trở thành một người tốt, có ích cho xã hội.
Ngày đến gặp cậu bé đặc biệt này, chúng tôi nghĩ sẽ được nói chuyện nhiều hơn với em, nhưng rất tiếc, em bé ấy chưa bao giờ được đi học và không biết tiếng phổ thông.
Trong căn phòng bé, giường tầng chăn gối được gấp gọn gàng. Cậu bé nằm im re. Ai nói gì, cậu bé cứ phóng ánh mắt nhìn, miệng muốn nói gì đó nhưng không mở lời. Những người bạn mới của Khay đa phần có chung hoàn cảnh. Người thân chẳng còn hoặc không thể nuôi nổi…
Khay vẫn đang giận dỗi với các bạn cùng phòng, nên sáng ấy, cậu nằm lỳ. Cậu nhịn đói cả buổi sáng, không chịu nói chuyện dù cô Hoàng Thị Kim Thi (nhân viên trung tâm, người trực tiếp chăm nuôi tại căn nhà) luôn an ủi cậu. Cô Thi xoa lưng, xoa đầu, ra hiệu đánh răng, ra hiệu đi ăn cơm. Nhưng đáp lại là sự im lặng, ánh mắt nhìn bướng bỉnh.
Em Khay trong phòng ở tại trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG
Hơn một tháng trước, ngôi nhà chung của 13 đứa trẻ này, có thêm Khay. Thành viên mới gầy còm, đen nhẻm, lầm lỳ và không biết nói tiếng phổ thông. Ngày cậu bé đến đây, những người chăm sóc trẻ tại đây đã kịp kê một tủ quần áo.
Và trên giường của cậu bé có một bộ chăn ấm, những bộ áo quần mới, đôi dép kê ngay ngắn dưới gầm giường. Cậu đã bắt đầu học đánh răng, gấp chăn màn mỗi sáng thức dậy và biết tắm rửa. Sự thay đổi khí hậu ở vùng Kông Chro và Pleiku khiến cậu có vài ngày bị sốt. Các cô giáo ở đây đã thay phiên nhau trực và giúp em khoẻ lại…
Vì là Khay chưa biết tiếng phổ thông, chỉ rặt ri nói tiếng Ba Na nên căn nhà này được Trung tâm bảo trợ bố trí anh Đinh Văn Bí, trưởng phòng Công tác xã hội và phát triển cộng đồng của trung tâm, thường xuyên túc trực để nói chuyện với Khay. "Ngày em Khay đến đây rất ngại người lạ. Mình là người Ba Na, mình nói chuyện và chỉ cho em từng ly từng tí một".
"Cháu Khay trước đây sống ở quê, không được đi học nên bản tính thích tự do. Vào đây, cháu sống trong môi trường có nội quy nên cảm thấy rất gò bó. Hỏi gì Khay cũng lắc đầu vì là lần đầu tiên tiếp xúc với môi trường mới. Nhiều lần gặng hỏi, cháu bảo nhớ nhà, không muốn ở đây. Có mấy lần chạy ra khỏi trung tâm nhưng được các thầy cô tại đây đưa trở lại".
Còn cô Kim Thi cho biết cháu Khay khi về trung tâm không biết đánh răng, ăn cơm không biết dùng đũa mà chỉ dùng tay. Nay chỉ trong mấy tuần hướng dẫn, em dần dần thích nghi với nơi ở mới. Em ăn nhiều lắm, rất hiếm khi bỏ bữa. Mỗi bữa ăn tới 3- 4 bát cơm.
Hỏi chuyện, em bảo thích ăn cơm nơi này. "Mỗi buổi sáng, các bạn cùng phòng đi học thì em lại ở nhà. Căn nhà hơn 10 cháu nhưng các em được đưa đến đây từ nhỏ từ nhiều năm trước nên rất rành tiếng phổ thông. Vậy nên, Khay vào đây rào cản ngôn ngữ khiến em cảm thấy cô đơn phần vì chưa hoà nhập, phần vì bạn đồng trang lứa bận rộn với việc học nên em hơi buồn. Em cũng nhớ quê hương".
Cán bộ trung tâm cho biết hoàn cảnh gia đình Khay rất khó khăn: cha mất, mẹ đi lấy chồng. Trước khi gây ra vụ án, em sống với gia đình chị gái. Nhưng cuộc sống khó khăn nên nhà chị gái cũng bữa đói bữa no lại có con nhỏ, nên khó lòng chăm sóc cho Khay đầy đủ.
Dường như ai cũng thông cảm cho đứa trẻ. Ở đây chỉ có những yêu thương để lấp những khoảng trống mà cậu thiếu thốn.
"Chúng tôi không nhắc đến chuyện cũ của em. Thỉnh thoảng em có nhắc đến người mẹ, nhưng mẹ em đã đi lấy chồng mới, cũng chính vì cuộc sống khó khăn nên không còn quan tâm đến em nữa. Một mình em lang thang khắp chốn để trộm vặt ăn qua ngày. Giờ đây, khi em ở trung tâm này có cơm ngon, có bạn bè để chơi", anh Đinh Văn Bí nói và cho biết.
Một cái tết có bánh chưng, kẹo bánh, có những người bạn mới. Và có lẽ, cái tết này sẽ làm em gắn bó với trung tâm hơn.
Những tranh vẽ của cậu bé Khay - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG
Cô Tạ Thị Anh Đào, giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai, cho biết: "Khay rất nhanh, em vẽ rất giỏi khiến ai trong trung tâm cũng bất ngờ về khả năng này. Dù chưa được cầm bút, chưa được tô vẽ bao giờ nhưng khi được các thầy cô ở đây hướng dẫn em đã vẽ rất khéo tay. Tất cả các cháu đến đây đều có những hoàn cảnh đáng thương.
Các em được những người thầy, người cô chăm chút từng tí một. Đã có rất nhiều em đã trưởng thành từ ngôi nhà chung này. Với Khay, tôi nghĩ em sẽ có một cuộc sống mới bắt đầu từ cái tết này".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận