25/02/2015 06:00 GMT+7

Sững sờ con số 6.200 người nhập viện vì đánh nhau dịp Tết

ĐẶNG TƯƠI - MẠNH KHANG
ĐẶNG TƯƠI - MẠNH KHANG

TTO - Dịp tết Ất Mùi 2015, hơn 6.200 trường hợp nhập viện vì ẩu đả, đánh nhau. Cộng đồng sững sờ vì con số thương vong hơn cả một chiến dịch thời chiến tranh.

Chị Lê Thị Lành buồn bã chăm sóc chồng là anh Lê Văn Ngọc Hùng (42 tuổi) tại khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - Ảnh: A Lộc

Bạn đọc Huy Lam phản hồi trên tuoitre.vn: "Một bộ phận thanh niên tính khí rất hung hăng, chỉ cần mâu thuẫn nhỏ là có thể đánh, đâm, chém nhau. Nguyên nhân do đâu? Do giáo dục đạo đức công dân có lỗ hỏng. Hằng ngày, hằng giờ các nhà đài trình chiếu phim bạo lực, không chọn lọc thì làm sao không ảnh hưởng đến tâm lý, nhân cách?”.

Bạn đọc Mạnh Đức chia sẻ: "Chúng ta đã bị nhiều áp lực khác nhau trong cuộc sống chăng, thay vì cười huề thì lại choảng nhau”.

Anh Lưu Nghiệp Huy (Q.6, TP.HCM) bức xúc: “Có thể thấy tình trạng đạo đức xã hội và tính khí con người bây giờ cực kì kém. Chính quyền phải tuyên truyền người dân không nên quá chén dẫn đến không kiềm chế được bản thân mình ”.

>> Anh Lưu Nghiệp Huy

Bạn Duy Khôi (ĐH KHXH&NV) thất vọng: “Con số thật đáng báo động. Nhiều người có lòng tốt can ngăn đánh nhau lại bị vạ lây. Có người đã không can ngăn mà còn đứng lại xem, cổ vũ, vô tình có thể tiếp lửa cho hai bên đánh nhau”.

>> Bạn Duy Khôi

Đó là một vấn nạn của xã hội

Theo nhà văn hoá - sử học Nguyễn Nhã, ngày tết là ngày mở đầu một vận hội mới cho cá nhân, gia đình, cộng đồng. Trong dịp này, người ta hay kiêng kỵ nhiều điều, chỉ mong cho chuyện gì cũng vui.

"Ngược lại, mừng năm mới, mừng vận hội mới mà dẫn tới bạo hành, đánh nhau là đi ngược lại truyền thống. Đó là một vấn nạn của xã hội!", TS Nhã nói.

TS. Nguyễn Nhã cho biết thêm: Ngày xưa, truyền thống kính trọng người già, người lớn tuổi được đề cao nên khi có chuyện mâu thuẫn xảy ra chỉ cần vài câu nhắc nhở, góp ý, khuyên răn thì mọi chuyện kết thúc êm thắm.

"Những người gây gổ, đánh nhau có lẽ chưa được giáo dục tốt. Việc giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội là rất quan trọng", TS nhận định.

>> TS Nguyễn Nhã

Thạc sĩ Võ Trường Linh (khoa Giáo dục mầm non, trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: “Mọi người đều bước qua môi trường giáo dục rồi mới bước vào đời. Ngay từ những ngày chập chững ở bậc mầm non, trẻ đã được dạy cách ứng xử hòa nhã với bạn bè xung quanh, kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô”.

Theo ThS. Linh, hình ảnh của giáo dục là hình ảnh người thầy. Đạo đức không chỉ nói trên sách vở mà người thầy phải lấy chính mình ra làm gương để các em noi theo.

Nguyên nhân của việc nhiều thanh niên hiện nay ẩu đả, đánh nhau không chỉ xuất phát từ môi trường giáo dục. Xã hội vẫn chưa coi trọng việc giáo dục đạo đức cho em học sinh.

"Bằng chứng là trong khi các phụ huynh đổ xô đưa con mình đến học thêm các môn Toán, Lý, Hóa,… thì hiếm có phụ huynh nào quan tâm dành thời gian để dạy các con về đạo đức, về cách ứng xử trong cuộc sống”, th.s Linh nói.

>> ThS. Võ Trường Linh

Cô Trương Kim Nguyệt Linh - Tổ trưởng tổ Ngữ Văn trường THPT Lấp Vò 3, Đồng Tháp - cho rằng ở chương trình cấp THCS có những bài học về quan hệ ứng xử hằng ngày trong môn Giáo dục công dân.

Lên cấp THPT, môn học này có phần nghiêng về luật pháp, tuy nhiên cũng có những nội dung liên quan đến tình yêu, tình cảm gia đình, lồng ghép kiến thức về kĩ năng sống.

Cô Linh phân tích: “Ở riêng nội dung môn Ngữ Văn, chương trình lớp 10 dạy các em về ca dao, sự tích của dân tộc. Như sử thi Đam San dù đề cập đến việc giao chiến nhưng chúng tôi luôn nhắc nhở các em về ý nghĩa của sử thi này đặt trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ kết hợp nhắc về kĩ năng giao tiếp với bạn bè, với xã hội, biết lắng nghe và xử lý tình huống trong cuộc sống”.

>> Cô Trương Kim Nguyệt Linh

Trong nhà trường, tất cả thầy cô đều hướng các em tới sự giáo dục chuẩn mực trong ứng xử, giao tiếp với bạn bè. Nhưng không thể phủ nhận các em bị một phần ảnh hưởng từ cuộc sống bên ngoài.

Cô Linh phân tích: “Thường những em có cá tính mạnh, dễ bạo lực chịu ảnh hưởng nhiều của quan sát xã hội, của môi trường xung quanh nơi các em sống. Các em hay phải chứng kiến cách hành xử như thế nào, nội dung phim ảnh các em tiếp nhận ra sao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức và hành động của các em sau này”.

>> Cô Trương Kim Nguyệt Linh

Hiểu mình để kiềm chế bản thân

Tiến sĩ Hoàng Thị Tuyết (ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: “Giáo dục phải chú ý giúp trẻ hiểu bản thân mình và quan tâm người khác, biết cân nhắc khi hành động. Hành vi gắn liền với tình cảm, cảm xúc”.

TS. Tuyết dẫn chứng trường hợp người đánh nhau có thể trước đó đạo đức họ không xấu chỉ là nhất thời họ có hành vi chưa phù hợp làm tổn hại đến người khác.

“Phải cho các em trải nghiệm và trải nghiệm trong nhiều hoàn cảnh, trường hợp khác nhau, hiểu mình như thế nào để biết cách kiềm chế bản thân” - TS. Tuyết nhấn mạnh.

>> TS. Hoàng Thị Tuyết

Ngày xưa, dân tộc ta có truyền thông “Đại nghĩa, chí nhân” (Đem đại nghĩa để thắng hung tàn - Lấy chí nhân mà thay cường bạo). Có đại nghĩa mà không có lòng nhân ái thì dễ thành bạo hành, làm điều ác.

TS. Nguyễn Nhã cho biết: “Người Nhật đặt chữ “tín” và “lễ” lên đầu nhưng ở Việt Nam chữ nhân được đặt lên trên hết. Ông bà ta luôn dạy con cháu trong gia đình có lòng bao dung, nhân ái, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, thương người như thể thương thân. Trong cuộc sống luôn đối xử hòa nhã, nương tựa lẫn nhau”.

>> TS Nguyễn Nhã

Nắm đấm không giải quyết được vấn đề

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - cho biết: “Tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; nêu rất rõ: phạt hành chính những hành vi gây rối trật tự công cộng, xâm phạm tài sản của người khác. Ngoài ra còn có các hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm hành chính”.

Trong bộ luật hình sự, điều 104 quy định tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác sẽ bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân”.

>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhắn nhủ: “Tôi cứ đọc đi đọc lại vì cứ tưởng mình nhầm. Đánh nhau trong ngày tết là tai họa. Đây là báo động đỏ về tình trạng bạo lực leo thang trong xã hội. Tôi rất ngạc nhiên, lẽ nào trong những ngày tết vốn dành để gặp mặt chúc nhau lời tốt đẹp lại thành ra dành cho nhau nắm đấm mà tệ hơn nữa là có cả những hung khí để mừng xuân. Pháp luật đã có quy định rõ ràng. Nắm đấm không thể giải quyết vấn đề mà còn khiến mọi việc phức tạp hơn”.

>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu

ĐẶNG TƯƠI - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên