Ông Trương Vĩnh Hưng đang được tận tình chữa trị ở Bệnh viện Quân y 175, TP.HCM - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Ông được người đi đường chở vào Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) một ngày đầu tháng 1-2019 trong tình trạng kiệt sức, không nói được, hơi thở rất yếu. Thông tin duy nhất có được từ người đưa ông vào viện: mọi người thấy ông nằm ở công viên Gia Định.
Phận nghèo và bệnh nan y
Ông không có tiền bạc, tư trang gì, giấy tờ tùy thân cũng không. Sau một tuần điều trị, ông cho biết mình tên Trương Vĩnh Hưng (81 tuổi, quê Hải Phòng), vào TP.HCM từ năm 40 tuổi, không có người thân thích nào.
Hiện tại ông cụ đã khỏe hơn, đã đi đứng được một đoạn ngắn. Bác sĩ Trương Thanh Tùng, người trực tiếp điều trị cho ông Hưng, chia sẻ: "Khi vào viện ông rất yếu. Ông bị xơ phổi, giãn phế quản, nhiễm trùng phổi nặng và suy tim rất nặng. Bệnh suy tim cần phải điều trị lâu dài".
Không nhà cửa, bị tật ở chân, ông làm đủ nghề mưu sinh, một thời gian ông bơm vá xe ở vỉa hè, nhưng rồi tuổi tác lớn dần, bệnh tật hành hạ, ông chuyển sang bán vé số kiếm sống. Ông nhớ mình đang đi bán vé số bỗng dưng bị choáng nhưng vẫn cố đi bán tiếp, đến công viên Gia Định, hơi thở mỗi lúc lại nặng thêm.
"Tôi ngồi, rồi nằm, xong ngất lịm lúc nào không hay. Khi tỉnh lại thì thấy mình ở trong bệnh viện", ông Hưng kể.
Toàn bộ vé số, tiền trong túi không còn. Các y bác sĩ lo chăm sóc ông mà không nhắc đến tiền điều trị. "Ở đây trường hợp tương tự cũng nhiều. Có người chi phí điều trị gần 200 triệu đồng nhưng cho đến khi ra viện vẫn không có tiền đóng", bác sĩ Tùng nói.
Ở Bệnh viện Quân y 175 đang có một bệnh nhân rất đặc biệt. Bà tên Hen Soc (52 tuổi), đến từ một bản làng xa xôi thuộc huyện Kaev Seima, tỉnh Mondulkiri, Campuchia. Sau bốn năm chống chọi với những cơn ho ra máu, tài sản vơi dần nhưng bệnh tình chẳng tiến triển. Có người chỉ dẫn, bà sang Việt Nam, 7 tháng điều trị qua nhiều bệnh viện, bệnh tình thuyên giảm nhưng vẫn chưa dứt.
Bác sĩ Nguyễn Hải Công, người trực tiếp điều trị cho bà Hen Soc, cho biết: "Chúng tôi phát hiện khối u ở phổi, hiện đã tiến hành sinh thiết".
Ông Somerac Hiep (53 tuổi), chồng bà Hen Soc, đang lo lắng nếu chẳng may kết quả tin xấu đến. Thu nhập chính của gia đình từ rẫy rừng, nhưng phần lớn diện tích đã bán dần, vợ chồng ông chẳng còn biết bám vào đâu nữa. Ông kể: "Y bác sĩ ở bệnh viện vẫn động viên vợ chồng tôi, có người nói khi nào quá sức sẽ kêu gọi mọi người giúp đỡ vợ chồng tôi".
Những tấm lòng chia sẻ
Đến Bệnh viện Quân y 175, nghe kể chuyện tấm lòng y bác sĩ và những chia sẻ của bệnh viện dành cho bệnh nhân nghèo (kể cả những người dân nghèo nước ngoài).
Mùng 1 tết năm ngoái, một bệnh nhân đi thẳng vào khoa cấp cứu, không giấy tờ tùy thân, bệnh nặng, cần phải lọc máu. Bác sĩ chữa trị, rồi góp tiền lì xì tết, chia sẻ bánh mứt cho người bệnh đón xuân.
Năm nay, cũng có một danh sách dài những bệnh nhân khó khăn đang điều trị nội trú, đang được hỗ trợ từ nguồn quỹ của bệnh viện và sự giúp đỡ từ nhà hảo tâm, y bác sĩ lại phải tính toán kêu gọi sự giúp đỡ cho các trường hợp này.
Thạc sĩ Lê Minh Hiển - trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết có 3 hoạt động chính tết này: gian bếp phát cơm miễn phí cho thân nhân bệnh nhân vẫn hoạt động trong 9 ngày tết với 1.200 - 1.400 suất/ngày; phối hợp với Quỹ học bổng Vừ A Dính đến thăm và tặng quà cho 200 bệnh nhân nghèo; phối hợp với một bệnh viện trong địa bàn TP.HCM cùng một nhà hảo tâm đến thăm và tặng quà cho 100 bệnh nhân với trị giá 800.000 đồng/suất.
Thông tin từ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nhiều chương trình vui xuân đón tết cho bệnh nhân và thân nhân cũng đang gấp rút thực hiện. Tiêu biểu là các chương trình sau: đến thăm và tặng quà cho 150 bệnh nhân nặng, không thể về quê ăn tết, với mỗi phần quà trị giá 1.000.000 đồng và hiện vật.
Chương trình Ước mơ của Thúy tổ chức chương trình văn nghệ "Xuân yêu thương" tại sân bệnh viện và tặng quà cho gần 200 bệnh nhi điều trị tại bệnh viện, tết không về nhà.
Đặc biệt, bệnh viện sẽ tổ chức chuyến xe từ thiện cho bệnh nhân nghèo về quê ăn tết.
Những câu chuyện ân tình tại bệnh viện rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Khi nguồn quỹ dành cho bệnh nhân nghèo nhiều hơn thì cũng là lúc y bác sĩ vơi đi nhiều nỗi lo và an tâm hơn trong cuộc chiến giữ lại mạng sống cho những con người lay lất giữa cuộc đời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận