Sum vầy ngày Tết ở miền quê - Ảnh: VINH HIỂN
Tôi đến Việt Nam với mục đích chính là học tiếng Việt 2 tuần trước Tết Nguyên đán năm 2012, ở chung với một gia đình Việt Nam. Anh Dũng là anh Hai của bạn tôi ở Úc, vợ là chị Cúc, còn được gọi là "Cô Một" vì là con gái thứ 11 của một gia đình đông con không kém gì ông xã.
Tôi không màng đến chuyện anh Dũng với chị Cúc không rành tiếng Anh vì cứ nghĩ muốn mau học được ngôn ngữ thì phải ở một môi trường 100% Việt Nam.
Vợ chồng anh Dũng ra sức giới thiệu mùi vị Tết của người Việt Nam. Có hôm họ đưa tôi lên quận 1, xem cảnh ở đường hoa, xem cô gái Việt làm dáng kiểu đẹp kỳ lạ của họ. Chuyến đi là bài học thực tế về cụm từ mới: kẹt cứng.
Còn ở nhà, trong cái sân trước nhỏ nhỏ có cây hoa màu vàng, chị Cúc cố giải thích, với từ vựng đơn giản của một cô giáo mẫu giáo, rằng ngày xuân miền Nam chưng hoa mai, còn miền Bắc lại chuộng hoa đào.
Sáng mùng một, lũ lượt bà con, hàng xóm đến thăm chúc mừng năm mới. Anh Dũng với chị Cúc chắc bận bịu tiếp khách nên mời tôi nghỉ trong phòng.
Song, biết chuyện có người nước ngoài sống trong nhà, khá nhiều người vẫn muốn gặp tôi, cứ thập thò qua lại cửa phòng. Thấy tôi cũng thân thiện, không có "cắn" ai nên mọi người hết sức vui vẻ, chúc tôi năm mới, hớn hở nghe tôi chúc lại bằng tiếng Việt rồi thử ngồi xuống nói chuyện. Tôi đoán chắc chị Cúc đã nói trước với họ, ai cũng nói từ từ để tôi nghe kịp.
Còn tôi thì vừa có cảm giác là khách đặc biệt, vừa thấy mình như đứa trẻ con. Kể ra thì rất vui.
Cái tôi nhớ nhất trong những ngày Tết năm đó là có rất nhiều họ hàng của vợ chồng anh Dũng đến thăm. Buổi trưa, buổi tối lần lượt các bữa ăn lớn với cô Tám, cô Chín, cô Mười. Ai đến thì cũng mời ăn củ kiệu dưa hành, tôm khô, mứt dừa, hạt dưa, rồi "phải ráng" nghĩ ra cách từ chối uống bia để khỏi gục ngã trước bữa ăn tiếp theo.
Nhưng chắc bữa ăn thách thức nhất là diễn ra mùng hai, khi cả gia đình anh Dũng quây quần ở nhà mẹ anh Dũng. Đám em anh Dũng thì đông, còn đám con cháu thì đông hơn nữa. Em bé có, thanh niên có. Con nít mặc quần áo mới mới thơm thơm. Rồi ăn, rồi lại củ kiệu dưa hành, rồi mứt dừa, hạt dưa...
Ăn xong thì đến phần quan trọng nhất, các cháu xếp hàng mừng tuổi mẹ anh Dũng và đợi bà lì xì, mấy đứa vừa hớn hở vừa ngại ngại. Tôi cũng xếp hàng, thử lẩm nhẩm mấy lời chúc chị Cúc mớm cho, nôn không thua gì mấy đứa nhỏ.
Cuộc tụ họp ở nhà mẹ anh Dũng cho tôi thêm một cảm nhận về từ Sum Vầy. Nhưng, cũng có người nước ngoài ăn Tết ở Việt Nam thì thấy sợ.
Tôi lại nhớ tới bài viết về Tết Ta của "Dâu Tây", người Canada rất giỏi tiếng Việt, tôi phải chờ đến khi học nguyên một năm tôi mới đọc được. Ý Dâu đại khái là, với một số người nước ngoài những ngày Tết đáng sợ thật vì nhiều thứ khó hiểu. Và đó là vì ý nghĩa của Tết nhiều phần phụ thuộc vào những điều người Việt NÓI VỚI NHAU. Muốn tham gia thì cũng phải nói.
Thì cũng đúng. Tết Ta khác với lễ hội của nhiều nước khác mà thường có trọng tâm là múa may, hát hò hay lễ nghi, mà một người đến từ xa cũng có thể lùi lại và thưởng thức, không cần chủ động nói hay đứng ở giữa.
Còn Tết của người Việt, thường khó hiểu với người nước ngoài không biết tiếng Việt thì rõ ràng sẽ bớt khó hiểu khi họ rành ngôn ngữ hơn.
Tôi thì không cần chờ đến đó để vượt qua cái khó hiểu ở Tết đâu. Thực ra mình chỉ cần để ý đến niềm vui thể hiện trên gương mặt của những em bé, hoặc thiện ý bộc lộ trên nét mặt người bên cạnh...
Dễ hiểu mà.
Dễ hiểu như nụ cười nở trên gương mặt của mẹ anh Dũng khi tôi bập bẹ những lời chúc mừng khó hiểu mà cũng dễ hiểu.
Sum vầy thời 4.0
Người Việt và người Hàn rất giống nhau trong việc sum vầy, đoàn tụ gia đình vào dịp Tết Nguyên đán. Thậm chí, người Hàn Quốc chúng tôi còn có phần nặng hơn cả người Việt, khi một năm có đến hai dịp gia đình phải quây quần bên nhau theo truyền thống, đó là bên cạnh Tết Nguyên đán còn có Tết Trung thu!
Tôi nhớ ở lần ăn Tết Việt thứ hai vào năm 2001 (Trước đó tôi đã ăn Tết Việt lần đầu vào năm 1994). Năm ấy tôi không thể về đón năm mới với người mẹ của mình ở Seongdang (TP Iksan, tỉnh Jeonbuk, Hàn Quốc) vì phải ở lại Việt Nam để bảo vệ luận án Tiến sĩ văn học Việt.
Tôi nhớ tại buổi bảo vệ, tôi có phát biểu rằng “mấy hôm nay mẹ tôi, một lão nông ở Seongdang cứ gọi điện cằn nhằn tôi suốt. Bà bảo Tiến sĩ là cái gì mà không chịu về ăn Tết với mẹ”! Nhắc lại một kỷ niệm như thế để thấy rằng, sum vầy bên nhau là một điều rất quan trọng với người Hàn chúng tôi trong hai dịp Tết Trung thu và Nguyên đán.
Trong hai dịp Tết sum vầy của người Hàn, mọi chuyện cũng na ná như VN mấy hôm nay, đó là đường sá kẹt cứng. Thường, tôi đi từ Busan về Seongdang hơn 300km chỉ khoảng 3 giờ đồng hồ chạy xe, nhưng vào hai dịp Tết thì phải mất ít nhất 7 giờ.
Trong dịp Tết năm nay, sau khi kết thúc chuyến công tác đưa sinh viên sang Hà Nội thực tập, ngày 25 tháng chạp tôi quay về Busan và cùng bà xã về thăm Tết hai bên nội ngoại.
Thật ra, mọi chuyện đang thay đổi rất nhiều, và tôi thấy Việt Nam cũng thay đổi y như Hàn Quốc. Đó là chuyện sum vầy chỉ còn quan trọng đối với những người thuộc thế hệ tôi, mẹ tôi; chứ lớp trẻ như con tôi thì bắt đầu nhạt phai.
Tết với thế hệ trẻ là đi du lịch, là vui chơi với bạn bè. Khi nhắc nhở chúng nó về chuyện phải về thăm bà nội, bà ngoại thì đều nghe “chúc Tết bà qua điện thoại được rồi”. Nghe thế, tôi cười buồn và bảo “đúng là Tết sum vầy thời 4.0”!
Câu chuyện nhạt phai truyền thống sum vầy ngày Tết đã được bàn luận rất nhiều ở Hàn Quốc. Những người lớn tuổi thì lo lắm, lo rằng con cháu chúng ta rồi sẽ sớm quên hết các giá trị truyền thống.
Nhưng lo và buồn thế thôi, chứ ai cũng biết rằng không thể cưỡng lại được sự thay đổi. Nhưng thôi, buồn làm gì về những thay đổi mà mình không thể cưỡng được. Sum vầy thời 4.0, trò chuyện thấy mặt đám nhỏ qua màn hình điện thoại cũng được mà...
GS BAE YANG SOO (Trưởng khoa tiếng Việt ĐH ngoại ngữ Busan)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận