Ông Nên dẫn hai người bán vé số là ông Thức và ông Loan vào phiên chợ - Ảnh: B.D.
Phiên chợ Tết này được gom góp từ nhiều tấm lòng. Tất cả các mặt hàng đều được niêm yết giá nhưng người mua không phải trả tiền.
Phiên chợ được dựng lên ngay khoảnh sân rộng tại Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, mở cửa từ 14h chiều 5-2 (tức chiều 24 tháng chạp). Bà con xếp hàng trật tự trước cổng vào chợ, trên tay cầm những "tem phiếu" được ghi các mệnh giá và chờ tới lượt vào chợ.
Từng người khách - là bà con có gia cảnh khó khăn ở Quảng Nam - được đưa qua barie trước cổng chợ, được phát khẩu trang miễn phí, rửa tay sát khuẩn trước khi vào chợ. Chưa đầy 60 phút, các quầy với 60 mặt hàng trị giá 500 triệu đồng đã cạn hàng hóa.
Các quầy hàng thiết yếu như cá khô, nước mắm, dầu ăn... được bố trí sát cạnh nhau luôn đầy kín người "mua" hàng. "Tiền" là các xấp giấy nhỏ, có đóng dấu của chợ phiên, mỗi tờ in các mệnh giá để mua món hàng giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng... Với mỗi người, có tổng số 350.000 đồng để mua hàng trong phiên chợ này như thấy lòng ấm áp hơn trước ngày Tết đến.
Ông Nguyễn Thức và Đinh Loan, đôi bạn mù lòa hàng chục năm qua cùng bán vé số ở phố cổ này, được ông Ngô Nên - người giữ xe ở Hội An - dẫn vào chợ chọn hàng. Lần tay trong chiếc túi để "kiểm hàng", ông Loan thốt lên: "Chu cha, chừng ni Tết xài dư sức rồi. Có nước mắm, mứt bánh, dầu ăn, lại có cả quần áo nữa".
Ông Thức thắc mắc tại sao chỉ có tổng cộng 300.000 - 350.000 đồng mà mua được nhiều hàng vậy? Thật ra, nhiều bà con thấy hai ông mù lòa nên họ vừa "bán" vừa nhét vào giỏ để tặng thêm.
Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn nói sau một năm đầy khó khăn 2020, Hội An vẫn mở được một phiên chợ đầy nghĩa tình này là một sự san sẻ quý báu. Ông Nguyễn Trí Minh - chủ nhóm thiện nguyện Tươi Sáng - cho biết dù ngành du lịch ở phố cổ thất bát do dịch bệnh, các thành viên đã vận động quyên góp để mở chợ phiên này.
"Chúng tôi phát tổng cộng 1.000 suất mua hàng cho bà con, những người bán vé số, xe ôm, xích lô, hàng rong. Chúng tôi chỉ mong làm sao không ai vì nghèo mà không có Tết" - ông Minh nói.
Những quầy hàng nghĩa tình
Trong chợ phiên này còn có cả gian hàng tranh màu trang trí Tết, có quầy cắt tóc miễn phí, các gánh chè không thu tiền... tất cả đều rộn niềm vui. Không chỉ người mua khó khăn, nhiều quầy hàng được mở ra mà người "bán" cũng rất hoàn cảnh.
Anh Trần Thành Trung ở gian hàng cát sạch, giấy màu cho biết anh làm nghề lái xe cho một doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng, vợ anh làm lễ tân. Cả năm nay hai vợ chồng mất việc, không có thu nhập nhưng khi biết có chợ Tết 0 đồng, anh vẫn dành khoản dành dụm của hai vợ chồng hơn 2 triệu đồng để đi mua cát, mua giấy màu rồi xin gian hàng trong chợ bày ra để mời bà con tới lấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận