Testosterone: Bạn hay thù?

TRƯỜNG HUY 23/10/2019 22:10 GMT+7

TTCT - Với đàn ông, testosterone làm tăng ham muốn tình dục và xây dựng cơ bắp. Chính vì vậy, một trong những điều cơ bản để nữ giới tăng thành tích thi đấu thể thao là làm tăng lượng testosterone trong máu. Những nữ VĐV cơ bắp, thành tích vượt trội thì lượng testosterone trong máu đều cao hơn người bình thường.

Đầu năm nay, làng điền kinh thế giới ồn ào chuyện Caster Semenya của Nam Phi quá cách biệt với đối thủ trên đường chạy 800m. Nhiều người khẳng định cô là đàn ông chứ không phải phụ nữ! 

 

 Caster Semenya (áo xanh, bên phải) trên đường chạy (Ảnh; Runner World)

Phe cáo buộc không đưa ra được bằng chứng thuyết phục, nhưng sau đó Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) vẫn buộc cô phải đo lượng testosterone trong máu.

Năm 2011, IAAF đưa ra giới hạn testosterone cho VĐV nữ là 10 nanomol mỗi lít (nmol/l), cao gấp sáu lần lượng testosterone của một phụ nữ bình thường. Đến năm 2014, VĐV chạy nước rút Ấn Độ Dutee Chand kháng cáo quy định này lên Tòa trọng tài thể thao (CAS).

Luật của IAAF bị đình chỉ bốn năm. Nhưng đến năm 2018, IAAF đưa ra những bằng chứng cho thấy lượng testosterone cao ảnh hưởng lớn đến kết quả trên đường chạy từ 400m đến 1.000m. Vì thế, IAAF quyết định lật lại vấn đề và hạ giới hạn testosterone xuống 5nmol/l. Các nữ VĐV phải duy trì chỉ số này trong sáu tháng trước khi tranh tài.

Ở VN thì sao? Râm ran kiểu truyền miệng nhiều người cho rằng nữ giới chơi các môn thể thao nặng thì dễ bị “nam hóa”. Hậu trường làng thể thao có vô vàn chuyện các nữ VĐV bị nam tính hóa, rồi chuyện yêu đương đồng tính... Nhiều nữ VĐV khẳng định với chúng tôi rằng chuyện đó có, nhưng đáng tiếc nó luôn bị xem là đề tài nhạy cảm, thậm chí là cấm kỵ, còn ngành thể thao hầu như chả ai quan tâm.

Ngọc Tâm, cựu VĐV điền kinh và giờ là một thạc sĩ, thẳng thắn cho biết: “Thời tôi còn là VĐV và cả hiện nay, chuyện testosterone ảnh hưởng thế nào đến tâm sinh lý nữ VĐV gần như không ai quan tâm. Sau này khi đã giải nghệ, rồi đi học thì tôi biết đó là một vấn đề rất lớn ảnh hưởng đến nữ VĐV.

Mà khi không có kiến thức, không được đề cập thẳng thắn thì chị em không cẩn thận khi dùng thuốc. Những biến chuyển với cơ thể như dáng đi đứng, cơ bắp phát triển, nói năng như phái mạnh... cũng là do testosterone cao hơn bình thường.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng môi trường sống, nhất là những môn thể thao tập thể cần sự tập trung trong thời gian dài, cũng ảnh hưởng không ít đến sự thay đổi của phụ nữ khi theo nghiệp thể thao đỉnh cao. Đáng tiếc là những vấn đề đó chưa bao giờ được nhìn nhận thẳng thắn và nghiên cứu đầy đủ nhằm giảm thiểu khó khăn, áp lực lên VĐV nữ”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận