Các bộ test xét nghiệm corona chủng mới bằng kỹ thuật elisa vừa được các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản sản xuất - Ảnh: THÚY ANH
Bên cạnh loại test kiểm tra realtime PCR - sản phẩm từ nghiên cứu của các nhà khoa học Học viện Quân y đang được sử dụng rộng rãi trong nước và xuất khẩu, nhóm nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương phối hợp với ĐH Nagasaki (Nhật) đã nghiên cứu thành công loại test nhanh bằng phương pháp elisa.
GS.TS Đặng Đức Anh - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - chia sẻ tháng 2 vừa qua, ngay khi các nhà khoa học của viện phân lập được virus corona chủng mới (nay gọi là SARS-CoV-2) thì ý tưởng sản xuất test kiểm tra COVID-19 cũng hình thành. Nhóm nghiên cứu gồm 15 cán bộ của viện phối hợp ĐH Nagasaki đã triển khai nghiên cứu ngay và tháng 4 này nghiên cứu đã "đơm hoa, kết trái".
"Hiện có 2 kỹ thuật sử dụng để phát hiện SARS-CoV-2, bao gồm kỹ thuật sinh học phân tử (realtime PCR) và thứ hai là xét nghiệm huyết thanh học sử dụng test nhanh. Ưu điểm của phương pháp test nhanh là thời gian có kết quả nhanh, nhưng nhược điểm là độ chính xác không cao. Vì thế chúng tôi đi tìm phương pháp vừa có kết quả nhanh và vừa có độ chính xác cao hơn.
Qua đánh giá ban đầu, chúng tôi nhận thấy bộ sinh phẩm elisa sử dụng xét nghiệm huyết thanh học dùng để phát hiện kháng thể ở người có thể đã nhiễm SARS-CoV-2 có độ nhạy, độ đặc hiệu tốt so với các test nhanh hiện có" - ông Đức Anh cho biết.
Một ưu điểm nữa của phương pháp này là có thể xét nghiệm nhiều mẫu bệnh phẩm cùng lúc. Quan trọng nhất trong kỹ thuật này là phát triển được "kháng nguyên".
"Chúng tôi và các nhà khoa học Nhật Bản trong nhóm đã chế tạo được kháng nguyên sử dụng trong bộ sinh phẩm này, cùng chứng âm, chứng dương để đối chứng đã được viện phát triển từ khi phân lập được virus" - ông Đức Anh thông tin thêm.
Hiện kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho Trung tâm Nghiên cứu vắcxin và sinh phẩm y tế (Polyvac) sản xuất thành phẩm, Polyvac cũng đã triển khai đăng ký lưu hành sản phẩm tại Bộ Y tế để có thể sử dụ\ng trong các nghiên cứu về huyết thanh học tại Việt Nam. Cụ thể là nghiên cứu về tỉ lệ người có kháng thể trong cộng đồng như thế nào, bao nhiêu người đã nhiễm virus này... từ đó có kế hoạch trong phòng chống dịch bệnh.
Sản phẩm của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và ĐH Nagasaki (ở thời điểm công bố kết quả) là nhóm thứ 5 trên thế giới phát triển được loại test này thành công, trong đó có 50% đóng góp của phía Việt Nam, 50% của phía Nhật Bản.
Có thể phát hiện kháng thể sau 2 tiếng
Nhóm nghiên cứu cho biết sau khi lấy mẫu bệnh phẩm và đưa vào các "giếng", kỹ thuật viên xét nghiệm sẽ đưa phiến nhựa vào các máy đọc kết quả, ở đây là máy elisa. Việt Nam đã sử dụng kỹ thuật này để xét nghiệm kháng thể một số bệnh như sốt xuất huyết, HIV, viêm não Nhật Bản. Hầu như tất cả các đơn vị y tế dự phòng từ tuyến huyện, nhiều bệnh viện cũng đã được trang bị máy elisa này từ trước, kỹ thuật cũng đã triển khai nhiều năm. "Sử dụng dàn máy elisa với bộ sinh phẩm này là phù hợp, không phải đầu tư thêm" - đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.
Trong khi các test nhanh hiện có phát hiện chính xác 60-70% các mẫu có kháng thể thì bộ test kit này đạt 95% về độ nhạy và độ đặc hiệu, đồng thời không bị phản ứng chéo với virus khác như đã gặp ở test nhanh.
Kỹ thuật elisa sử dụng bộ sinh phẩm này sẽ cho kết quả sau 2 giờ và thời điểm phát hiện tốt nhất là từ ngày thứ 8 kể từ khi người bệnh tiếp xúc với nguồn bệnh hoặc khởi bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận