Tesla phóng đại con số quãng đường?
Theo Reuters, công ty của Elon Musk đã gian lận các thuật toán ước tính quãng đường đi được khi sạc đầy, do đó hiển thị thông tin không chính xác cho tài xế.
Khi pin của Tesla giảm xuống dưới 50%, hệ thống mới đưa con số đúng về quãng đường còn lại mà xe có thể đi được để tránh khả năng xe hết pin khi bỏ qua trạm sạc.
Ngoài ra, xe Tesla còn được trang bị "bộ đệm an toàn", cho phép xe chạy thêm khoảng 24km sau khi hệ thống báo hết pin.
Reuters dẫn lời chủ xe Alexandre Ponsin cho biết Tesla Model 3 được quảng cáo có thể đi được 500km khi sạc đầy. Song anh thường chỉ đi được một nửa con số đó, thậm chí ít hơn khi trời lạnh. Anh đã đặt lịch hẹn kiểm tra, nhưng hãng lại báo rằng "chẩn đoán từ xa" không phát hiện ra vấn đề gì. Do đó cuộc hẹn bị hủy bỏ.
Một chủ xe khác nói với Business Insider lái xe Tesla vào mùa đông, cứ khoảng 1 tiếng anh phải dừng lại sạc.
Cả Tesla và Elon Musk đều không đưa ra bình luận trước thông tin trên. Nhưng nguồn tin nội bộ của Reuters cho biết: "Elon muốn trưng những con số về phạm vi hoạt động tốt khi được sạc đầy. Khi mua ô tô ngoài showroom, người ta muốn nhìn thấy những chiếc xe đi được 560-640km".
Không rõ hãng còn sử dụng các thuật toán giúp tăng ước tính phạm vi hay không. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia thử xe và cơ quan quản lý từng đưa ra cảnh báo.
Chẳng hạn, hồi đầu năm, cơ quan quản lý Hàn Quốc đã phạt Tesla 2,1 triệu USD vì xe chỉ đi được một nửa quãng đường ước tính khi di chuyển vào mùa đông.
Công ty chuyên phân tích xe điện Recurrent ở Mỹ cho biết đồng hồ đo quãng đường trên xe Tesla giữ nguyên các phép tính bất kể các tác động.
Cụ thể hơn, đồng hồ đo hầu như luôn báo đi được quãng đường "thực tế" tương đương hơn 90% ước tính EPA (Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ) bất kể nhiệt độ bên ngoài.
Tài xế sử dụng ước tính thông qua hệ thống định vị sẽ có được con số chính xác hơn, nhưng vẫn có xu hướng "phóng đại so với thực tế".
Hợp tác với Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ, Recurrent cũng đã thử nghiệm đồng hồ đo trên Ford Mustang Mach-E, Chevrolet Bolt, Hyundai Kona, và nhận thấy kết quả chính xác hơn.
Trang chuyên về đánh giá thử nghiệm ô tô nổi tiếng của Mỹ Edmunds cũng đưa ra báo cáo tương tự.
Ngoài ra, chính EPA cũng từng yêu cầu Tesla phải hạ ước tính quãng đường khoảng 3%.
"Đội dập lửa"
Nhưng tai ương của Tesla chưa dừng lại ở đó. Reuters còn cho biết nhiều chủ xe đã nhận thấy sự chênh lệch giữa lời quảng cáo và quãng đường đi được trong thực tế. Số lượng người phàn nàn nhiều đến mức Tesla lập ra hẳn một nhóm bí mật, được gọi là Nhóm Chuyển hướng (Diversion Team), chuyên làm nhiệm vụ ngăn chặn các khiếu nại về phạm vi hoạt động cũng như những lời hẹn kiểm tra.
Cứ mỗi cuộc hẹn hủy giúp Tesla tiết kiệm được 1.000 USD. Một số người thậm chí đã đánh đàn xylophone (mộc cầm) ăn mừng việc hủy bỏ các cuộc hẹn dịch vụ, còn đồng nghiệp đứng trên bàn vỗ tay tán thưởng.
Hằng tuần, nhóm này "đóng băng" chừng 750 trường hợp thắc mắc, theo nhiều cách. Họ chẩn đoán từ xa, gọi lại cho khách hàng, nói rằng ước tính chỉ là lý thuyết, luôn có sai số với thực tế, hay pin xuống cấp theo thời gian, rồi hướng dẫn khách cách lái xe ít hao pin hơn.
Còn nếu phát hiện ra vấn đề không liên quan đến phạm vi lái xe, họ sẽ không thông báo cho khách hàng.
Thậm chí, Tesla còn cập nhật ứng dụng điện thoại để bất kỳ khách hàng nào phàn nàn về phạm vi hoạt động đều không thể đặt lịch hẹn dịch vụ được. Thay vào đó, khách phải chờ nhân viên Tesla liên lạc lại, mà thời gian thường mất ít nhất vài ngày.
Nhưng ít nhất những khách rơi vào các trường hợp trên còn được giải tỏa phần nào. Nguồn tin của Reuters cho biết do tồn đọng quá nhiều, thậm chí nhiều khách hàng nhận được thông báo "không có vấn đề gì" đơn giản vì nhân viên còn chẳng chạy phần mềm chẩn đoán từ xa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận