18/01/2016 09:56 GMT+7

​Tên lửa SpaceX không thể hạ cánh trên mặt biển

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Rạng sáng nay 18-1, tên lửa không người lái Falcon 9 của hãng SpaceX (Mỹ) hạ cánh bất thành trên mặt biển dù đã đưa thành công một vệ tinh lên quỹ đạo trái đất.

Tên lửa Falcon 9 đưa thành công vệ tinh lên quỹ đạo - Ảnh: Reuters
Tên lửa Falcon 9 đưa thành công vệ tinh lên quỹ đạo - Ảnh: Reuters

Theo AFP, tên lửa Falcon 9 cất cánh từ căn cứ không quân Vandenberg ở California, đưa vệ tinh Jason-3 trị giá 180 triệu USD lên quỹ đạo. Đây là vệ tinh do Mỹ và Pháp đồng phát triển, có nhiệm vụ nghiên cứu tình trạng mực nước biển trái đất tăng.

Tuy nhiên Falcon 9 đã không thể hạ cánh thành công trên một con tàu di chuyển ở Thái Bình Dương. Quả tên lửa đã chạm xuống được bề mặt con tàu theo chiều thẳng đứng một cách nhẹ nhàng, nhưng đáng tiếc là một chân của nó không bật ra đúng vị trí.

Do đó tên lửa Falcon đã 9 đổ xuống. Sóng biển cũng có thể là nguyên nhân khiến cú hạ cánh thất bại. Đây là lần thứ ba SpaceX đưa tên lửa Falcon 9 hạ cánh trên mặt biển nhưng không thành công. Hai lần trước tên lửa đều bị nổ.

Trước đó, SpaceX từng hạ cánh thành công tên lửa Falcon 9 trên mặt đất ở Cape Canaveral, Florida hồi tháng 12-2015. Tên lửa này sau đó được tái sử dụng. Dù hạ cánh trên mặt biển khó hơn, SpaceX vẫn muốn hoàn thiện kỹ thuật này.

Người sáng lập SpaceX Elon Musk giải thích các tên lửa quay trở về trái đất từ những sứ mệnh không gian xa xôi, di chuyển với tốc độ cao cần phải hạ cánh trên mặt biển để đảm bảo sự an toàn.

“Rõ ràng là hạ cánh trên mặt đất dễ hơn trên mặt biển. Cũng giống như máy bay hạ cánh trên mặt đất và trên tàu sân bay vậy, vị trí hạ cánh nhỏ hơn, không cố định” - ông Musk cho biết.

Hiện SpaceX vẫn đang nỗ lực hoàn thiện công nghệ hạ cánh tên lửa sau khi phóng lên quỹ đạo để tiết kiệm chi phí của ngành công nghiệp không gian. Trước đây, các tầng đầu tiên của tên lửa sau khi phóng đều bị rơi xuống biển và không thể tái sử dụng.

Có thể hạ cánh tên lửa và tái sử dụng sẽ giúp các công ty thương mại không gian tiết kiệm hàng chục triệu USD với mỗi phần phóng tên lửa.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên