Hôm qua em tôi đưa chùm chìa khóa nhà để đi đánh thêm. “Chị ra góc ngã tư đối diện trường Không Gian, chỗ đó có thằng cu làm chìa tốt lắm”. Tôi cầm chùm chìa khóa đi ra, chợt giật mình. Minh họa: SALEM Sao giờ mình ưa gọi nhau như vầy quá há? Thằng cu chìa khóa, anh xe ôm, bà bán rau, chị bán thịt, ông sửa xe, nhỏ bán chè, cô bún bò... Từ hồi nào tên riêng của nhiều người biến mất trong không gian đô thị tới vậy? Giật mình thêm chút nữa: hàng xóm tôi vỏn vẹn độ chục nhà, nhưng ngoài bốn ngôi nhà gần nhất ra tôi chẳng biết tên ai thêm nữa. Mà biết thì cũng biết không đầy đủ: mỗi nhà biết tên một người hay ra vào, chào nhau, nói dăm ba câu chuyện phiếm. Có nhà biết mỗi tên chị vợ nhưng không biết tên chồng con, dù vẫn ra vô gật đầu chào. Ở quê, ai ở xa tới chỉ cần hỏi dạ thưa nhà ông Bảy ở đâu, tức thì được trả lời: Ở đây có ba ông Bảy lận, ông Bảy cao ốm hay ông Bảy mập, hay ông Bảy tóc bạc? Nếu cũng chưa biết ông Bảy ốm hay mập hay tóc bạc thì được chỉ tiếp: Ông Bảy ốm làm nhà nước, ông Bảy mập làm lò hột vịt, ông Bảy tóc bạc có con Việt kiều, ở không. Vẫn chưa ra sẽ tiếp tục chỉ tới nhà cả ba ông Bảy rồi tự ngó coi muốn kiếm ông Bảy nào. Mà ông Bảy tóc bạc đi thăm con gái ở Sài Gòn chưa có dìa. Khách vẫn ú ớ hỏi muốn kiếm ông Bảy có vợ là bà Ba làm ở trên thành phố, thì: “À, ông Bảy mập. Nhà ổng quẹo vô trong kia có cây bông giấy trước cửa kìa, mà giờ này ổng chưa dìa đâu. Tới chừng bảy tám giờ vợ chồng ổng mới có ở nhà lận”. Rồi khách nếu ở xa quá sẽ được chỉ luôn cái quán cóc ngồi uống ly cà phê bắp chờ, hoặc cứ ngồi bên hè đó, hổng sao đâu, cho mát chớ nắng quá chịu gì nổi. Còn ở trung tâm thành phố, cái chỗ này, khách tới hỏi nhà thì chớ có hỏi tên chủ, vì ai mà biết. Lâu lâu thấy có một người chạy xe rà rà vô, không nói không rằng chỉ dòm tận mặt từng số nhà rồi chạy đi, dòm xa xa không khác kẻ trộm đang thăm dò địa bàn là mấy. Lâu lâu có việc gì, hàng xóm ố á: bà nhà số 6 mới mất mà mình hông hay, ông nhà số 9 bữa qua bị cướp dí vô tới tận nhà ghê quá. Mà nguyên cả khu chỉ có chục cái nhà, ai cũng ở hàng chục năm rồi nhưng vẫn là những con số thay tên. Nói chuyện số nhà thế nào cũng có người phản bác: ôi giờ ai cũng có điện thoại rồi, có gì bấm hỏi ba mươi giây ra liền, ai hơi đâu nhớ tên hàng xóm hay mấy người bán hàng làm gì. Ừa thì đúng vậy, nhưng điện thoại cũng có lúc hết pin trong khi mình không nhớ số chớ. Mà cái tên là thứ đầu tiên để một người cảm nhận sự tồn tại của bản thân mình trong đời sống này, là hiểu biết đầu tiên khi người ta muốn biết về nhau, là chiếc cầu nối đầu tiên được bắc qua thế giới riêng tư của hai bản thể. Hằng ngày, bao quanh chúng ta là đám đông nhạt nhòa không rõ mặt, vùn vụt lướt qua nhau. Vội vã đến nỗi ngay cả cái việc lớn lao nhất là sống, lắm khi ta cũng chỉ lướt qua cho kịp thời gian chớ đâu có chịu sống cho ra hồn. Nên khi gọi ai đó bằng tên, hoặc khi ai đó nhớ tên mình, như đã có một cây cỏ nhỏ mọc lên trên đám đất hoang của trí nhớ. Có những cái tên trở thành cổ thụ che mát cả một đoạn đời, có những cái tên là ly nước mát đỡ khát dọc đường, có những cái tên là đôi giày êm vững đồng hành trong mỗi bước đi, có những cái tên như đóa hoa làm tươi rạng không gian sống... Cũng có những cái tên tự nó nhạt nhòa rồi biến mất. Nhưng nếu như cây cầu mỏng manh đó, ngọn cỏ nhỏ xíu đó mình cũng dứt khoát không cho nó mọc lên vì sự tính toán thực dụng thì hỏi sao xung quanh ta toàn là hoang mạc. Rồi ai cũng than trách giờ sao người mình sống với nhau lạnh lùng quá. Lừa lọc quá, ích kỷ quá, trục lợi lắm, trừ người thân mình ra thôi hổng dám tin ai đâu! Ai cũng tiếc nhớ cái hồi, hoặc mơ ước những nơi mà người ta tin cậy nhau hơn bây giờ, hơn ở đây; sống cởi mở hơn bây giờ, ở đây. Thì sao không bằng những điều nhỏ nhỏ trong tầm tay, mình vun trồng ngay mơ ước đó ở đây, bây giờ? Nên tôi sẽ lại bắt đầu một ngày sống an nhiên bằng việc hỏi tên những người mình gặp. Thay cho những anh xe ôm, chị bán rau, em bán thịt... vô danh. Anh cu chìa khóa đó, tên em là Huy. Tags: Khoảnh khắc cuộc sống
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Công bố Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với nhiều nội dung mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.
Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM phải 'đá tiền đạo' khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình THẢO LÊ 23/12/2024 Ví như một đội bóng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi xác định TP.HCM phải nằm trong đội hình chính và có vai trò đá tiền đạo.
Chi tiết các bảng lương viên chức năm 2025 THÀNH CHUNG 23/12/2024 Tuổi Trẻ Online giới thiệu với bạn đọc thông tin chi tiết toàn bộ bảng lương viên chức dự kiến được áp dụng từ năm 2025.
Tình báo Mossad tiết lộ toàn cảnh kế hoạch tinh vi kích nổ máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah THANH HIỀN 23/12/2024 Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên lực lượng Hezbollah đã đồng loạt phát nổ tại Lebanon vào tháng 9 vừa qua. Vì sao?