Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online ngày 7-12, trên các diễn đàn và mạng xã hội, hàng loạt chia sẻ từ khách hàng về việc thanh toán nhưng không nhận được hàng hóa đã thu hút sự chú ý.
Tiền đã thanh toán, hàng chờ cả tháng chưa giao
Chị Thiên Kiều, quận Phú Nhuận, TP.HCM, chia sẻ chị đã đặt mua một áo gió và một đôi giày thể thao trên Temu nhưng sau một tháng vẫn chưa nhận được hàng. Dù chị đã hủy đơn hàng, gần 1 triệu đồng vẫn bị "mắc kẹt" trong ví của Temu.
"Tôi thử thao tác hoàn tiền nhiều lần nhưng không thành công. Mua hàng buộc thanh toán trước, không giao được hàng, giờ muốn lấy lại tiền cũng khó khăn" - chị Kiều nói.
Tương tự, anh Bảo Quốc (TP.HCM) cho biết đơn hàng của anh đặt từ ngày 10-11 vẫn không có bất kỳ thông tin nào ngoài trạng thái "đang vận chuyển". Đáng nói hơn, giao diện ứng dụng Temu đã chuyển từ tiếng Việt sang tiếng Anh, khiến anh lo lắng về khả năng nhận lại hàng hoặc tiền.
Trong thời gian Temu hoạt động rầm rộ bán hàng vào Việt Nam, nhiều khách hàng đã "say sưa" với hàng quảng cáo rẻ, cam kết giao nhanh, hoàn tiền nếu bị lỗi.
Anh Nguyễn Quang - chủ một shop hoa tại quận Tân Bình, TP.HCM - cho hay đã mua hai lần các món hàng của Temu, bao gồm một máy chiếu (giá thị trường khoảng 1 triệu đồng), bộ dụng cụ DIY, khung căng phông chụp ảnh và một chiếc camera hành trình. Hàng hóa miễn phí được giao đúng mô tả. Tuy nhiên chất lượng sản phẩm không đồng đều.
Chẳng hạn, một camera hành trình tuy giống hình ảnh quảng cáo nhưng chất lượng chỉ ở mức cơ bản, phù hợp để trẻ em sử dụng hơn là người lớn.
Anh cũng kể lại rằng sau khi nhận được một món hàng bị vỡ, anh chỉ cần gửi hình ảnh sản phẩm qua ứng dụng và nhanh chóng nhận được phản hồi. Temu thông báo sẽ hoàn tiền vào thẻ tín dụng trong vòng 5-7 ngày mà không yêu cầu trả lại sản phẩm bị lỗi.
Tuy nhiên sau khi Temu tạm ngừng hoạt động bán hàng vào Việt Nam, tiền đã thanh toán và đơn hàng đã đặt có được giao hay không vẫn chưa được Temu thông báo.
Nhiều người tiêu dùng lo lắng rằng nếu Temu rút khỏi Việt Nam mà không hoàn tất nghĩa vụ pháp lý, khả năng mất trắng số tiền đã thanh toán là rất cao.
Temu liệu có quay trở lại Việt Nam?
Theo nghị định 85/2021, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới khi hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký và chịu sự quản lý của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, Temu phớt lờ quy định này nên khi sự cố xảy ra, người tiêu dùng gần như không có cách nào để khiếu nại hay được bảo vệ một cách hiệu quả.
Temu bất ngờ tạm dừng hoạt động khiến người dùng "chao đảo" vì tiền đã trao nhưng cháo chưa múc. Sự thiếu minh bạch của Temu không chỉ làm mất lòng tin của khách hàng mà còn là bài học cho các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới khác.
Dù từng thu hút một lượng lớn người dùng nhờ giá rẻ, Temu lại khiến khách hàng thất vọng bởi cách xử lý khiếu nại chậm trễ và không rõ ràng. Động thái ngừng hỗ trợ tiếng Việt và rút dần khỏi thị trường càng làm tăng thêm nghi ngại về việc họ sẽ không quay lại để giải quyết các vấn đề tồn đọng.
Về phía cơ quan quản lý, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay Temu đã nộp hồ sơ đăng ký hoạt động thương mại điện tử. Đến nay Temu đã nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung lần thứ hai và cơ quan chức năng vẫn đang trong quá trình xem xét nội dung hồ sơ theo quy định của nghị định số 52, sửa đổi bổ sung nghị định số 85 về thương mại điện tử.
Vì vậy trong thời gian hoàn thiện hồ sơ, Temu đã triển khai thực hiện một số yêu cầu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương). Temu phải tạm dừng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam, bao gồm việc không sử dụng ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt khi cung cấp dịch vụ trên website Temu.com và ứng dụng di động Temu.
Theo các chuyên gia, nếu Temu muốn quay trở lại thị trường Việt Nam, sàn này phải nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật, hoàn trả tiền cho khách hàng và giải quyết triệt để các khiếu nại để lấy lại uy tín.
Ngược lại, sự phớt lờ các quy định sẽ khiến Temu không chỉ đánh mất thị trường Việt Nam mà còn đối mặt với nguy cơ bị tẩy chay trên quy mô toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận