
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - Ảnh: REUTERS
Dù Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định việc Ukraine vắng mặt trong cuộc hội đàm không có nghĩa là nước này sẽ không có tiếng nói trong các cuộc đàm phán chấm dứt chiến sự sắp tới, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau đó đã có phát biểu chỉ trích Ukraine "bắt đầu cuộc chiến" và gây áp lực lên tính chính danh của ông Zelensky.
Gây áp lực lên tính chính danh của ông Zelensky
Sau cuộc hội đàm cấp cao tại Saudi Arabia hôm 18-2, Mỹ và Nga đã nhất trí sẽ lên một kế hoạch cho việc chấm dứt chiến sự Ukraine.
Đại diện của Ukraine và châu Âu rõ ràng đã không được mời tham gia cuộc hội đàm trên, dù Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một ngày sau (ngày 19-2) dự kiến có chuyến thăm đến Riyadh.
Tối 18-2, tại dinh thự Mar-a-Lago, ông Trump bất ngờ tung nhiều chỉ trích nhắm vào ông Zelensky và Ukraine. Tổng thống Mỹ cho rằng Ukraine nên tổ chức bầu cử vì tỉ lệ ủng hộ của ông Zelensky ở Ukraine chỉ là 4% (trong khi có khảo sát gần đây cho thấy tỉ lệ này là 52%) và Ukraine "có 3 năm để kết thúc chiến sự" nhưng đã không làm vậy.
Tổng thống Ukraine cùng ngày 18-2 cáo buộc sự chần chừ của Mỹ và một số quốc gia châu Âu cho tư cách thành viên của Kiev để phù hợp với mong muốn của Nga.
Kể từ khi chính quyền ông Trump lên tiếng về các vấn đề Ukraine, có thể thấy Washington đưa ra các quan điểm về điều kiện chấm dứt chiến sự Ukraine phù hợp với mong muốn của Matxcơva.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho rằng mục tiêu Kiev giành lại toàn bộ lãnh thổ, hoặc trở thành một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) là không thực tế.
Vì vậy, việc ông Trump yêu cầu Ukraine tổ chức bầu cử trước khi đạt được một thỏa thuận hòa bình cũng lại "trùng hợp" với quan điểm của Nga.
Matxcơva từng nêu nghi ngại về tính chính danh cho một thỏa thuận ký với ông Zelensky, khi ông này đáng lẽ đã kết thúc nhiệm kỳ tổng thống Ukraine vào ngày 20-5-2024, nhưng Ukraine đã không tổ chức bầu cử vì chiến sự.
Sau phát biểu của ông Trump, báo Telegraph đã cho chạy dòng tít: "Zelensky could fall as price of peace" (tạm dịch: Chính quyền Zelensky có thể sụp như là cái giá phải trả để đổi lấy hòa bình).
Tờ báo Anh đặt ra lo ngại trong trường hợp Ukraine phải tổ chức bầu cử vì sức ép của ông Trump, Nga có thể đưa một ứng cử viên thân Nga lên nắm quyền tại Kiev.
Dễ dàng hơn cho thỏa thuận đất hiếm
Một điều khác đáng quan tâm sau hội đàm Mỹ - Nga tại Saudi Arabia là việc ngoại trưởng của hai bên đã có thống nhất về "các cơ hội kinh tế và đầu tư" sẽ xuất hiện sau khi chiến sự Ukraine kết thúc.
Trong sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt đối với các khoáng sản quan trọng, có ý kiến cho rằng ông Trump muốn đảm bảo Mỹ có quyền tiếp cận nguồn dự trữ khoáng sản khổng lồ của Ukraine, ngay cả khi điều đó có nghĩa là cắt đứt quan hệ với những đồng minh quan trọng tại châu Âu.
Hồi tuần trước, Mỹ được cho là đã đề xuất được cấp quyền khai thác 50% khoáng sản đất hiếm của Ukraine như khoản chi trả cho hàng tỉ USD tiền viện trợ vũ khí và hỗ trợ mà Washington đã cung cấp cho Kiev, nhưng ông Zelensky đã từ chối.
Tuy nhiên, vấn đề là ít nhất 40% lượng khoáng sản của Ukraine hiện đang nằm dưới sự chiếm giữ của Nga ở các vùng Donetsk và Luhansk ở phía đông. Có nguồn đưa ra con số này cao tới 70%.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là trước bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào về Ukraine, liệu ông Trump với tư duy của một doanh nhân có sẵn sàng chấp nhận một đề xuất khác từ Tổng thống Nga Vladimir Putin hay không.
Vì Nga mới là bên đang kiểm soát những vùng đất rộng lớn giàu khoáng sản ở miền đông Ukraine, nên có khả năng ông Putin sẵn sàng đề nghị với ông Trump một thỏa thuận khoáng sản quan trọng, đổi lấy các điều khoản kết thúc chiến sự có lợi cho Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận