20/01/2021 08:20 GMT+7

Teeter Totter Wall: Vinh danh bập bênh ở biên giới Mỹ - Mexico

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Vượt qua hơn 70 đề cử, bộ sưu tập ba chiếc bập bênh màu hồng được tạo ra trong khuôn khổ dự án nghệ thuật có tên "Teeter Totter Wall" (Tường bập bênh) tại biên giới Mỹ - Mexico đã vừa được trao giải thưởng danh giá "Thiết kế của năm 2020".

Teeter Totter Wall: Vinh danh bập bênh ở biên giới Mỹ - Mexico - Ảnh 1.

Những đứa trẻ trong các gia đình người Mỹ và Mexico cùng tỏ ra thích thú khi được vui chơi bên những chiếc bập bênh màu hồng tại biên giới giữa hai nước - Ảnh: AFP

Những người tạo ra chúng là ông Ronald Rael, giáo sư kiến trúc tại ĐH California, Berkeley, và bà Virginia San Fratello, phó giáo sư thiết kế tại ĐH San José State.

Họ hi vọng những chiếc bập bênh sẽ gợi mở những khát khao và ước vọng xây dựng nhiều hơn "những cây cầu" kết nối, thay vì cố gắng chia rẽ, giữa các cộng đồng cũng như dân tộc.

"Điểm tựa giữa hai đất nước"

Ông Ronald Rael và bà San Fratello đã nảy ra ý tưởng làm những chiếc bập bênh như vậy từ một thập niên trước, sau Đạo luật hàng rào an toàn năm 2006 vốn cho phép khởi động chương trình xây tường biên giới quy mô lớn của Mỹ.

Teeter Totter Wall: Vinh danh bập bênh ở biên giới Mỹ - Mexico - Ảnh 2.

Dự án nghệ thuật có tên "Teeter Totter Wall" (Tường bập bênh)

Họ mong những chiếc bập bênh của mình sẽ giúp mọi người đánh giá lại hiệu quả thực tiễn của những biên giới trên thực tế và cổ vũ cho đối thoại hơn là chia rẽ.

Bà San Fratello nói: "Tôi nghĩ qua các sự kiện gần đây, có một điều đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn là chúng ta không cần xây những bức tường, chúng ta cần xây những cây cầu".

"Tường không ngăn cản được mọi người xâm nhập Đồi Capitol của chúng ta" - ông Rael nói. "Tường cũng không ngăn được virus lây lan. Chúng ta phải nghĩ về cách chúng ta có thể kết nối với nhau, đoàn kết với nhau mà không làm tổn thương nhau" - ông chia sẻ tiếp.

Các hình ảnh, video ghi lại những khoảnh khắc người dân ở hai bên biên giới vui đùa cùng nhau bên những chiếc bập bênh đã từng lan truyền như bão trên nhiều nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là Instagram, vào tháng 7-2019.

Giáo sư Rael tự hào nói rằng họ đã tạo ra "một trục bản lề theo đúng nghĩa đen" giữa hai đất nước. Hai nhà thiết kế cũng đã được gợi cảm hứng từ các bức hí họa chính trị và muốn nói về vấn đề biên giới "một cách rất thẳng thắn nhưng pha chút hài hước".

Teeter Totter Wall: Vinh danh bập bênh ở biên giới Mỹ - Mexico - Ảnh 3.

Dự án nghệ thuật có tên "Teeter Totter Wall" (Tường bập bênh)

Người nhập cư kỳ vọng ông Biden

Bức tường biên giới rồi sẽ là một phần di sản chính trị của Tổng thống Donald Trump khi ông mãn nhiệm, song tác giả của những chiếc bập bênh màu hồng cho rằng chính các vị tổng thống tiền nhiệm như George W. Bush và Barack Obama đều cũng đã xây dựng những hàng rào lớn và trục xuất hàng ngàn người nhập cư bất hợp pháp.

Theo giáo sư Rael, mặc dù ông Trump vẫn luôn nói ông sẽ xây dựng bức tường biên giới giữa Mexico và Mỹ, nhưng trên thực tế khi ông bắt đầu triển khai thì đã có 2/3 bức tường được xây xong.

Theo số liệu của Cục Hải quan và biên phòng Hoa Kỳ (CBP), trong nhiệm kỳ của ông Trump, hơn 450 dặm (724km) tường đã được dựng lên, tuy nhiên nhiều phần trong đó là phần xây mới thay cho phần rào chắn đã có từ trước. CBP cho biết chỉ có 80 dặm là phần chưa từng có trước đó.

Teeter Totter Wall: Vinh danh bập bênh ở biên giới Mỹ - Mexico - Ảnh 4.

Dự án nghệ thuật có tên "Teeter Totter Wall" (Tường bập bênh)

Với nhiều di dân Trung Mỹ, việc Tổng thống đắc cử Joe Biden lên nắm quyền nhiệm kỳ mới được họ coi như tia hi vọng lóe lên. Họ kỳ vọng một chính sách hành xử với người nhập cư mềm mỏng hơn, sau nhiều năm bị xua đuổi vì chính sách chống nhập cư gay gắt của ông Trump.

Theo Hãng tin AFP, ngày 15-1 khoảng 9.000 người Honduras đã lại khởi động hành trình "giấc mơ Mỹ" của họ bằng đường bộ thông qua các nước Guatemala và Mexico. Sau khi đụng độ với cảnh sát Guatemala, hàng ngàn người bắt đầu trở lại Honduras, số khác vẫn quyết chí trụ lại tìm đường tới Mỹ.

Trong diễn biến liên quan, theo báo Washington Post, Tổng thống đắc cử Joe Biden dự kiến đệ trình chính sách cải tổ toàn diện với các luật di trú của nước Mỹ ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức.

Trong đó, đáng chú ý có lộ trình 8 năm để các di dân không có tình trạng cư trú hợp pháp có cơ hội nhập tịch, cũng như mở rộng việc tiếp nhận người tị nạn và triển khai ứng dụng công nghệ tuần tra biên giới.

Teeter Totter Wall: Vinh danh bập bênh ở biên giới Mỹ - Mexico - Ảnh 5.

Dự án nghệ thuật có tên "Teeter Totter Wall" (Tường bập bênh)

Trò chơi trẻ thơ

Xưởng kiến trúc Rael San Fratello của hai tác giả thiết kế những chiếc bập bênh đã nghiên cứu về khu vực biên giới ngăn cách giữa Mexico và Mỹ từ năm 2009. Họ dựng ba chiếc bập bênh màu hồng, tận dụng ngay chính phần khe giữa các chấn song trên bức tường biên giới làm trục bản lề của bập bênh.

Tham gia dự án, một nhà thiết kế làm việc từ Juárez ở Mexico và một người nữa làm ở El Paso, Mỹ. Chỉ trong chưa tới 28 phút ngày 28-7-2019, các cư dân ở El Paso của Mỹ và các cư dân trong cộng đồng Anapra của Mexico đoàn kết với nhau qua một trò chơi quen thuộc của trẻ thơ.

Tòa phúc thẩm Mỹ bác kế hoạch chuyển ngân sách Bộ Quốc phòng xây tường biên giới của ông Trump Tòa phúc thẩm Mỹ bác kế hoạch chuyển ngân sách Bộ Quốc phòng xây tường biên giới của ông Trump

TTO - Tòa phúc thẩm liên bang Mỹ tuyên Tổng thống Donald Trump đã sai khi chuyển khoản ngân sách 2,5 tỉ USD của Lầu Năm Góc sang dùng cho việc xây một phần bức tường ở biên giới Mỹ-Mexico.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên