Người vui, bò cũng khoái
Đây là một phương pháp trị liệu dựa trên các đặc tính chữa bệnh từ việc ôm ấp động vật vốn đã ra đời từ hàng chục năm nay. Điều khác biệt căn bản ở đây là sự thay đổi “nhà trị liệu”, từ các vật nuôi như heo, ngựa, chó, mèo, thậm chí cả vịt hay... cá sấu bằng những nàng bò cái hiền lành, thường chỉ lặng thinh giương đôi mắt lớn ngắm đời.
Thoạt đầu, “Koe Knuffelen” (tiếng Hà Lan, nghĩa đen là “ôm bò”) là một... trò tiêu khiển lành mạnh, xuất hiện ở nhiều tỉnh nông thôn của Hà Lan từ hơn mười năm trước. Nay, ôm bò đã phát triển thành một phương pháp tự chăm sóc mình, và cũng là một phần trong phong trào đưa người thành phố ở Hà Lan tới gần thiên nhiên và cuộc sống đồng quê hơn.
Từ Hà Lan, hiện đã có thêm một số trang trại ở Thụy Sĩ và Hoa Kỳ cũng tổ chức các buổi ôm bò nhằm tạo niềm vui, giảm căng thẳng cho các khách hàng tham gia hoạt động này.
Tại Hà Lan, những người tham gia hoạt động ôm bò thường bắt đầu bằng việc tham quan trang trại trước khi nghỉ ngơi, vuốt ve, ôm và tựa vô một cô bò cái từ 2-3 giờ liền, theo trang BBC Reel (9-10-2020).
Nhiệt độ cơ thể của bò ấm hơn, nhịp tim của bò chậm hơn của người, và tấm thân “bồ tượng” của bò có thể giúp việc ôm chúng trở thành một loại trải nghiệm hết sức dễ chịu. Kể cả chuyện... bò liếm cũng được tính là một phần của quá trình trị liệu.
Liệu pháp “động vật hỗ trợ” kiểu này làm tăng mức oxytocin trong não và làm giảm các phản ứng sinh lý liên quan tới căng thẳng, giúp con người đối phó với những thách thức như trầm cảm, lo lắng, tự kỷ và nghiện ngập. Oxytocin, loại hoócmôn được gọi là “hormone tình yêu” hay “hormone âu yếm”, hoặc “Chất hóa học của tình yêu” được tiết ra và chi phối bộ não của con người trong quá trình liên quan tới tình cảm (và tình dục).
Dường như hiệu ứng xoa dịu tinh thần nhờ ôm ấp thú cưng, hoặc “động vật hỗ trợ tình cảm” được nhấn mạnh hơn khi người ta ôm những động vật có vú lớn hơn chó hay mèo như heo, ngựa và nay là bò. Ngựa thường hay... đứng, còn bò lại hay nằm để thủng thỉnh nhai lại, nên ôm bò dĩ nhiên sẽ tiện hơn là ôm ngựa. Chưa kể có khi còn bị... ngựa đá nếu một hôm con ngựa hỗ trợ trị liệu lại giở chứng trước “khách hàng khó ưa”. Hơn nữa, bò cũng là một loài động vật có tập tính xã hội, thường thông minh hơn và tình cảm hơn nhiều so với mức ngộ nhận mà nhiều người xưa nay vẫn dành cho chúng.
Mặt khác, trải nghiệm được ôm ấp, vuốt ve thậm chí có thể khiến thú cưng, vật nuôi thích thú. Theo một nghiên cứu được công bố hồi năm 2007 trên tạp chí Khoa học hành vi động vật ứng dụng, một nhóm các nhà khoa học Pháp và Áo đã phát hiện rằng những con bò thư giãn tới mức nhịp tim của chúng giảm xuống, khi được vuốt ve ở những vùng cơ thể mà chúng thường nhắm tới khi liếm láp cho nhau.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi nhịp tim của 60 con bò cái trong các “phiên vuốt ve thí nghiệm” ở ba vùng cơ thể: phần trên của lưng, trên cổ và dưới cổ và dọc theo bên ngực. Một nhóm bò đối chứng cũng đã trải qua sự hiện diện của con người nhưng không được vuốt ve.
Cô Claudia Schmied, một nhà khoa học ở Viện Chăn nuôi và phúc lợi tại Đại học Thú y ở Vienna (Áo), và nhóm của cô đã quan sát thấy những con bò vươn cổ ra và cụp tai xuống - các dấu hiệu của sự thư giãn sâu khi được vuốt ve ở các phần của lưng trên và vùng cổ. Nhịp tim thấp hơn đã xác nhận những quan sát này.
Trong khi đó, vuốt ve một bên ngực bò và sự tiếp xúc đơn giản của con người lại chẳng hề giúp những con bò cái thư giãn. Thậm chí chúng còn tỏ ra hơi bị kích động với một người chỉ quanh quẩn bên cạnh chúng.
Như vậy, việc chăm sóc, chải lông, vuốt ve và ôm và trò chuyện rủ rỉ rù rì với những con bò cái hiền lành đúng là một trải nghiệm gắn kết người với bò, đạt được hiệu quả... đôi bên cùng có lợi.
Ôm bò cũng phải lắm... “công phu”
Mặc dù chẳng hề có... mảnh bằng nào về tâm lý trị liệu, “tài năng bẩm sinh” của Bella đã khiến cô nàng trở thành một nhà trị liệu xuất sắc. Cô ấy bình tĩnh và có khả năng đáp ứng trước nhiều loại tính cách khách hàng khác nhau, với sự kiên nhẫn để lắng nghe vô số vấn đề của khách mà không hề tỏ ra bực dọc, nóng nảy.
Bella, 3 tuổi, cùng Bonnie, 2 tuổi là hai nàng bò cái lai giống bò Angus, hiện là hai “nhà trị liệu” nổi tiếng của trang trại Ngựa Núi (Mountain Horse) ở vùng nông thôn Finger Lakes, nơi ngoại ô New York, bên Hoa Kỳ. Trên trang web của trại, Bella và Bonnie được giới thiệu là những nàng bò cái có "phong thái điềm đạm và ngọt ngào, hoàn hảo cho những khoảnh khắc thiền định trên đồng cỏ đẹp như tranh vẽ".
Trại Ngựa Núi rộng 13 hecta là một nơi triển khai hoạt động “âu yếm bò” tốt nhất ở Hoa Kỳ, theo báo The New York Times (12-7-2019).
Chủ trại Ngựa Núi là đôi vợ chồng Suzanne và Rudi Vullers, cùng 52 tuổi, đến từ thị trấn nông thôn Reuver bên Hà Lan. Trong một chuyến trở lại quê hương của họ hồi ba năm trước, vợ chồng nhà Vullers đã bắt gặp phong trào “Koe Knuffelen” (ôm bò), kết nối mọi người với cuộc sống đồng quê.
Khi trở lại Hoa Kỳ, họ đã chọn mua Bonnie và Bella hồi tháng 5-2018 vì tính cách hiền lành của chúng, và cũng vì hai nàng... không có sừng. “Rất nhiều con bò cái không phù hợp với hoạt động âu yếm bò, thậm chí chúng có thể... rượt đuổi bạn ra khỏi cánh đồng” - ông Vullers bật mí.
Ở trại Ngựa Núi, các buổi ôm bò kéo dài trong một giờ, có giá 75 USD cho mỗi cặp đôi trong giờ đăng ký. Trại chỉ mở giới hạn hai buổi một ngày với tối đa bốn người tham gia mỗi buổi.
Mỗi phiên ôm bò tại đây luôn có hai người của trại giám sát. Trong đó có một chuyên gia trị liệu, thường là bà Vullers - từ một kế toán đã trở thành nhà trị liệu cho ngựa. Bà có thể đọc tâm trạng của động vật, từ đó có thể đảm bảo sự tương tác tích cực, an toàn của hai nàng Bella, Bonnie với những người bạn mới của chúng. Người thứ hai phụ trách quản lý động vật, có nhiệm vụ theo dõi thường xuyên những... con ngựa của trại vốn được thả tự do trên đồng cỏ.
Những người quản lý luôn cẩn thận tôn trọng không gian của mỗi nàng bò, đảm bảo trải nghiệm của mỗi cặp khách có thể khác với những cặp khách khác, tùy theo mức độ thân thiện và tình cảm của Bella và Bonnie trong một ngày, một buổi nhất định.
Vào một ngày thứ bảy nọ, hồi tháng 7-2019, có một cặp đã đính hôn đến từ Thung lũng Silicon. Đó là Colin Clover, 51 tuổi, giám đốc tuyển dụng của Facebook, cùng Alexandria Rivas - cô vợ sắp cưới của anh, 32 tuổi, một nghệ sĩ. Họ dự phiên ôm bò vào buổi sáng.
Buổi chiều, tới phiên hai mẹ con bà Karen Hudson. Bà Hudson, 58 tuổi, là giám đốc một công ty xây dựng cùng Jessica Ercoli - con gái của bà, 27 tuổi, nhân viên tập sự.
“Lái xe 5 giờ đồng hồ để tới ôm một con bò hả?” - bà Hudson cằn nhằn con gái, lúc cô rủ mẹ tới dự phiên ôm bò vào chiều hôm đó.
Giả bộ cằn nhằn vậy thôi chứ với bà Hudson là một sự hoàn thành ước nguyện, với hồi ức về những kỷ niệm đẹp khi hồi nhỏ được tới thăm trang trại của bà mình.
Khi đưa hai mẹ con bà Hudson hào hứng bước vô sân, bà Vullers đã hướng dẫn cách tiếp cận, rồi tự mình trình diễn các phương pháp, tư thế âu yếm, vuốt ve bò để “có vẻ ít đe dọa hơn”, và đạt hiệu quả tương tác cao nhất có thể.
“Hãy bình tĩnh. Bạn càng thoải mái thì điều đó sẽ càng tốt cho bạn và bò. Hãy tôn trọng bò và thế giới của nó, những gì nó muốn làm và những gì nó muốn mang lại cho các bạn” - bà Vullers khuyên khách.
“Nơi đây không phải là sở thú nuôi thú cưng. Theo một nghĩa nào đó, những con bò này tuy là vật nuôi nhưng không phải là động vật sản xuất, cũng không phải được nuôi để lấy thịt hoặc lấy sữa - ông Vullers lưu ý - Giống như các hình thức trị liệu khác, chúng tôi hi vọng giúp khách hàng nuôi dưỡng lòng tin, sự đồng cảm và kết nối với những con bò với cả cảm xúc của chúng.”
Hẳn là sau buổi điều trị với các “nhà trị liệu” như Bella và Bonnie, không ít khách ở trại Ngựa Núi cùng những vị khách khác từng tham dự hoạt động ôm bò trên khắp thế giới sẽ không còn muốn ăn... thịt bò. Không chỉ vì bò đã có thể từng giúp họ giảm căng thẳng và yêu đời trở lại, mà còn vì họ đã từng học được cách kết nối với chúng, những bạn Ụm Bò không phải được sinh ra chỉ để bị lôi vô lò mổ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận