Thông tin về tình hình lao động, việc làm năm tháng đầu năm 2023 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố có đến hơn nửa triệu lao động bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương.
Tình trạng lao động bị mất việc, giãn việc chủ yếu tập trung tại một số tỉnh, thành phố lớn có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất.
Như vậy ngay thời điểm tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp sa thải người làm khắp nơi, nhưng các trường đại học vẫn công bố tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao ngất ngưởng.
Ngày 13-6 tới đây, khi thông tư mới quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực thì số liệu về việc làm sinh viên sau tốt nghiệp càng thêm quan trọng đối với các trường đại học.
Đây là căn cứ để giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường; phản ánh chất lượng đào tạo và cũng là cơ sở để doanh nghiệp đặt hàng đào tạo theo nhu cầu, căn cứ để giao nhiệm vụ.
Do vậy khi mùa tuyển sinh cận kề, các trường đại học lại đua nhau công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm 90-100%. Nhìn chung tất cả đều là những con số cao và rất cao, đủ để người ta nhìn vào và thắc mắc: số liệu như vậy có xem là gạt phụ huynh và sinh viên không?
Trong khi thông tin về cách khảo sát đã được các trường tiến hành cụ thể như thế nào thì không được cho biết mà chỉ công bố kết quả cuối cùng. Thực tế, số mẫu khảo sát của các trường không đủ lớn nên không đủ bao quát số sinh viên đã tốt nghiệp và tỉ lệ phản hồi luôn rất thấp, chỉ trên một lượng mẫu nhỏ nhưng rồi kết luận 100%.
Kết quả thống kê của các trường tùy thuộc vào số sinh viên tham gia khảo sát, cách thức thống kê và quan điểm về "có việc làm" của trường. Do vậy, các trường muốn ra tỉ lệ bao nhiêu cũng được.
Sinh viên ra trường có việc làm cần dựa trên những thống kê "đối chứng" khác như có làm đúng ngành nghề được đào tạo hay không. Còn con số của các trường công bố hiện nay chỉ dừng ở mức khảo sát… cho có để đối phó nên không có giá trị thống kê.
Ai cũng có thể hiểu đòi hỏi 100% sinh viên ra trường có việc làm là điều không tưởng vì mỗi người có một khả năng, nguyện vọng, nhu cầu và hoàn cảnh khác nhau nên bằng tốt nghiệp đại học không phải bảo bối để chỉ cần có bằng là có việc. Vì thế, các chuyên gia, doanh nghiệp đều nói thẳng thông tin tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp hiện nay đều khó tin.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định nếu tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thấp sẽ không được tăng chỉ tiêu, do đó nếu không có sự kiểm chứng thì quy định này trở nên vô nghĩa.
Điều đáng nói, dù các đại học công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm cao ngất ngưởng nhưng đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có giải pháp để kiểm chứng lại kết quả khảo sát. Hơn nữa, tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp cũng là một chỉ số quan trọng tác động lên chỉ số việc làm chung của cả nước, thước đo quan trọng của nền kinh tế.
Do đó xã hội cần được biết thông tin trung thực, chính xác để từ đó định hướng nghề nghiệp, chọn nơi gửi gắm tương lai chứ không cần con số "đẹp như mơ" thiếu trung thực.
Thăm dò ý kiến
Vừa qua, nhiều trường đại học công bố tỉ lệ có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp cao ngất ngưởng, có trường tỉ lệ này lên đến 100% tất cả các ngành. Có ý kiến cho rằng, cần có đơn vị độc lập thực hiện việc này một cách khoa học hơn. Theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận