Vô tình như một cách chơi chữ, nó cũng thật sự là nơi đông đúc khách thập phương. Còn ở đây, sau nhiều năm chìm trong quên lãng, một góc thiền lặng phía tây đang hồi sinh từng ngày.
Phóng to |
Hồ Bến Châu, xã Bình Khê |
Để lên am Ngọa Vân và chùa Hồ Thiên, ngoài lối đi qua Thông Đàn hoặc lối đi qua dốc Voi, còn một lối đi nữa là đi đò qua hồ Bến Châu. Từ chợ Bình Khê, đi vào tới khu vực đập Bến Châu, chúng tôi hỏi đường lên đập tìm vào nhà anh San chị Luận chuyên chở khách đi thuyền. Hồ Bến Châu khá rộng, nhưng với chiếc thuyền gắn máy, một chiều đi chỉ mất chừng 10 phút. Xe máy cũng được gửi lại đây.
Nước hồ xanh và trong vắt. Nhưng sau mới biết do việc khai thác than làm lượng than bùn cùng hóa chất lắng xuống hồ quá nhiều, rong rêu không thể mọc và tôm cá cũng chẳng loài nào sống nổi.
Trên mặt hồ giữa các đảo có một dãy cột bêtông, dự định để bắc cầu nối các hòn đảo lại với nhau. Cột có lẽ đã được xây một thời gian nhưng cầu vẫn chưa xong. Bờ bên kia hồ, một đàn trâu lớn thả rông đang nhẩn nha nằm nghỉ ngay sát mép nước.
Phóng to |
Tháp Đoan Nghiêm am Ngọa Vân |
Phóng to |
Lối đi Thùm Thùm ngược dòng suối |
Rời thuyền, chúng tôi bắt đầu hành trình đi bộ theo lối Thùm Thùm. Đoạn đầu đi qua một dãy vườn vải, sau đó ngược dòng suối. Con suối trong hướng dẫn nằm tít dưới sâu, lòng suối cạn, thỉnh thoảng có những đoạn nước dồn thành vũng lớn. Đi đến khi gặp những tảng đá nhỏ xếp ngay ngắn thành con đường cắt ngang suối, vậy là đã tới được miếu Cậu.
Đi tiếp theo hướng những mũi tên sơn đỏ do bà con trong vùng vẽ chỉ lối lên chùa, đến gần trưa mọi người mới dừng lại nghỉ. Trời nắng gắt, nhưng gió nhẹ và không khí trong lành làm mọi mệt nhọc đều tan biến.
Nghỉ trưa xong, hành trình tiếp tục với những đoạn dốc lên xuống và những đoạn suối uốn lượn lùi lại. Một trảng cỏ rộng trải ra trước mắt. Mùa khô, mọi thứ đều cằn cỗi. Qua đoạn này là tới khu vườn vải, ngã ba đường đi tới am Ngọa Vân hoặc lên chùa Hồ Thiên.
Đường lên chùa là dốc núi khó đi. Những đoạn dốc đứng đường đất, gần như không có bậc để đặt chân. Chỉ đến những đoạn dốc đá mới có bậc được xếp tạm.
Phóng to |
Phóng to |
Con đường lên chùa qua những ngọn đồi mới trồng thông, lấm tấm như tấm thảm rộng |
Phóng to |
Bệ đá cổ chùa Hồ Thiên |
Cảnh cũ, chùa cũ và cây cỏ cũ. Gặp lại thầy Trí Thông, bác An thì đã về Đông Triều. Thầy Thái An cũng không còn ở đây. Nhà chùa đang cho xây thêm một gian nhà khách, cũng gần xong. Cả Ngọa Vân và Hồ Thiên đều đang có những thay đổi. Những thay đổi làm nơi này bớt hoang vắng, nhưng cũng đang mất dần sự yên tĩnh trước đó.
Mâu thuẫn vẫn là mâu thuẫn. Cái sang trọng và thanh tịnh dường như là hai khái niệm khó có thể đi cùng với nhau.
Có thể nhận thấy điểm tương đồng giữa Hồ Thiên và Ngọa Vân là cùng một thế núi vòng cung, mà như mọi người vẫn nói: thế núi ngai vua. Cùng nằm ở nơi xa khuất, không dễ dàng gì tới được. Và sự khác biệt cũng cảm nhận được: Ngọa Vân giờ đông đúc hơn (các sư thầy, đội khảo sát Thông Đàn, cùng những người làm), còn Hồ Thiên vắng vẻ hơn dù về quy mô Hồ Thiên lớn hơn Ngọa Vân nhiều.
Phóng to |
Tháp Phật Hoàng am Ngọa Vân |
Phóng to |
Phật tử lên chùa, đồ mang theo còn có can xăng nhỏ giúp nhà chùa chạy máy phát khi mùa nước cạn |
Đường vào vẫn còn khó khăn, nhưng so với thời gian các thầy chỉ có chuối rừng muối, lá vả luộc, cũng như rau củ rừng giờ đã khác xa lắm rồi. Đều đặn vẫn có phật tử gánh đồ theo những dốc đá mà người bình thường đi thấy bở hơi tai để mang lên cho chùa.
Cuộc sống tu hành đã bớt đi một phần lo toan, tuy nhiên vẫn chưa phải hết. Có lẽ phải có được cái tâm bình lặng trước mọi sự biến đổi như thầy Trí Thông mới có thể giữ trọn đạo tu.
Hiện nơi đây vẫn còn đủ yên tĩnh. Trăng đầu tháng nửa vầng đủ soi rõ cảnh vật, gió đêm mới chỉ se se lạnh, và vị ngòn ngọt từ nước giếng chùa. Tiếng chuông gió khẽ đưa từ mái hiên, tiếng côn trùng rả rích bốn bề. Đó thật sự là sự lôi cuốn của tĩnh lặng chứ không phải của sự ồn ào. Ngoài xa dưới kia, ánh đèn đường 18 vẫn sáng lung linh suốt đêm, ở đó cuộc sống vẫn đang diễn ra không ngừng nghỉ.
Phóng to |
Nắng sớm bên chân tháp chùa Hồ Thiên |
Đi xa hơn một chút, vắng vẻ hơn một chút, thời gian dư ra thêm một chút, người ta có thể nghĩ nhiều hơn và quên đi nhiều hơn. Quên con đường vào lắt léo, quên dốc Đô Kiệu dựng đứng, quên bãi Thông Đàn nền cũ ngổn ngang, quên cả am chùa tĩnh mịch, rồi quên cả gió, núi và trăng... Người ta cố đi thật xa là để nhận ra chân lý hay là để trốn tránh bụi trần?
Vẫn là Hồ Thiên và Ngọa Vân với những nền móng, chùa tháp cũ sót lại. Vẫn còn xa tới khi đường vào tây Yên Tử được hoàn thành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận