02/07/2018 21:15 GMT+7

'Tây' tràn ra vỉa hè xem bóng đá ở xứ ta

NGỌC ĐÔNG - NHẬT ĐĂNG
NGỌC ĐÔNG - NHẬT ĐĂNG

TTO - Khu vực phố Tây Bùi Viện (Q.1, TP.HCM) vốn đã là địa điểm không bao giờ ngủ ở Sài Gòn, mùa World Cup này lại càng ồn ã hơn với các hoạt động dõi theo trái bóng ở xứ Nga.


Tây tràn ra vỉa hè xem bóng đá ở xứ ta - Ảnh 1.

Các nữ cổ động viên theo dõi trận Anh - Bỉ rạng sáng ngày 29-6 - Ảnh: NGỌC ĐÔNG

Xem World Cup 2018 ở phố đi bộ Bùi Viện - Video: NGỌC ĐÔNG - NHẬT ĐĂNG

Hơn 1h ngày 29-6, xen lẫn vào tiếng nhạc xầm xình quen thuộc từ các quán bar trên đường Bùi Viện là âm thanh của những trận cầu 2018 phát ra từ hàng chục màn hình lớn nhỏ được lắp hai bên đường.

Rộn ràng lúc nửa đêm

Hầu như quán nào cũng có khách nước ngoài xem bóng đá, một số cao hứng còn nhún nhảy theo những điệu nhạc mà cổ động viên hò reo trên khán đài. Có quán còn xếp bàn ghế tràn ra đường để phục vụ khách đến uống chai bia và cổ vũ cho đội bóng mà mình yêu thích.

Tây tràn ra vỉa hè xem bóng đá ở xứ ta - Ảnh 3.

Du khách chăm chú theo dõi World Cup tại phố đi bộ Bùi Viện (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: NHẬT ĐĂNG

Quán bar ngay góc đường Bùi Viện và Đề Thám là nơi tập trung nhiều cổ động viên đội tuyển Anh trong trận gặp Bỉ. Các vị khách trẻ có, trung niên có, chăm chú theo dõi trái bóng lăn trên màn hình, hào hứng nhảy theo điệu Waka Waka phát giữa giờ giải lao, rồi vỡ òa đầy tiếc nuối khi Bỉ ghi bàn vào phút thứ 50, lúc khác lại xuýt xoa ôm đầu khi Marcus Rashford bỏ lỡ cơ hội ghi bàn ở phút 66.

"Cũng không sao, tuyển Anh vẫn đi tiếp mà", nữ du khách Claudia Ross cười gượng chia sẻ sau khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên lúc gần 3h, và Anh thua Bỉ với tỉ số 0-1. Trước đó, cô nàng 19 tuổi đến từ Anh còn khá lạc quan về kết cục của trận cầu.

Claudia là một trong số nhiều bóng hồng có mặt tại khu phố Tây để xem bóng đá. Cô chia sẻ mình cùng hai người bạn được nhân viên khách sạn mà mình đang trú giới thiệu con phố nhộn nhịp này.

Tây tràn ra vỉa hè xem bóng đá ở xứ ta - Ảnh 4.

Du khách xem World Cup trên đường Bùi Viện (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: NHẬT ĐĂNG

Nữ cổ động viên này cho hay cô rất thích không khí nơi đây và rất lấy làm thú vị khi thấy nhiều màn hình lớn treo dọc đường cho khách xem bóng đá. "Mọi người cùng ra đường xem bóng đá như thế này vui hơn là xem ở nhà một mình chứ. Ở Anh chúng tôi cũng thường tụ tập bạn bè cùng uống bia rồi xem bóng đá như thế này", Claudia nói.

Trong khi đó, anh chàng Billy Smithson, 21 tuổi, đi cùng hai người bạn mặc áo đồng phục của đội tuyển Anh đến xem và cổ vũ cho đội bóng của đất nước mình. Billy cho biết anh chỉ mới đến Sài Gòn ngày đầu tiên, trong lúc đi dạo quanh khu mình ở, thấy không khí đông vui nên ghé vào. Sau hiệp 1, anh chàng cho biết mình vẫn hào hứng cổ vũ cho đội nhà.

"Tôi rất thích không khí sôi động nơi đây, tôi có cảm giác ai cũng mê bóng đá cả. Thật tuyệt vời", Billy cười nói.

Nhân viên quán bar này cho biết quán mình phát tất cả các trận đấu của mùa World Cup năm nay và hầu như lúc nào cũng trong tình trạng đông khách đến xem bóng đá. Nhiều quán xá ở khu vực này cũng trang bị nhiều màn hình để cùng lúc chiếu các trận đấu diễn ra cùng giờ.

Người Nhật xem đá banh

Tây tràn ra vỉa hè xem bóng đá ở xứ ta - Ảnh 5.

Một du khách "nằm dài" theo dõi trận đấu lúc rạng sáng - Ảnh: NGỌC ĐÔNG

Không ồn ã như những người bạn phương Tây, người Nhật Bản tại TP. HCM đến với trận đấu cuối cùng của đội tuyển Nhật tại bảng H ngày 28-6 khá trầm lặng. Họ chia thành những nhóm bạn nhỏ trong khu "Tokyo thu nhỏ" trên đường Lê Thánh Tôn, Thái Văn Lung… (quận 1), ngồi nhâm nhi từng ly bia và xem bóng đá. Cứ như một trận đấu cuối tuần vậy.

21h, âm thanh từ trận đấu bắt đầu vang lên trong con hẻm 8A Thái Văn Lung, nơi có rất nhiều khách sạn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh đậm chất Nhật. Một vài người tụ tập trên những băng ghế đá ngay đầu hẻm, cùng xem đội Nhật thi đấu qua màn hình TV treo lộ thiên trong không khí ấm cúng kiểu "hàng xóm láng giềng".

Thấp thoáng trong những con hẻm nhỏ bên trong, một số nhà hàng cũng chiếu bóng đá phục vụ thực khách. Nhiều vị khách còn mặc quần áo công sở, vừa thưởng thức món ăn, vừa bàn luận bóng đá, chăm chú theo dõi màn hình TV.

Tây tràn ra vỉa hè xem bóng đá ở xứ ta - Ảnh 6.

Một quán bar tại khu vực phố đi bộ Bùi Viện (Q1, TP.HCM) xếp bàn ghế tràn ra đường cho khách xem World Cup - Ảnh: NGỌC ĐÔNG

Phút thứ 32 của trận đấu, cả khu hẻm như vỡ òa mừng rỡ với màn cứu nguy xuất sắc của thủ môn Kawashima trước đợt tấn công của các cầu thủ đội Ba Lan. Mấy cô nhân viên người Việt ở các hàng quán không chiếu bóng đá cũng tò mò chạy sang chung vui.

Một anh chàng tóc búi nghệ sĩ trông dáng vẻ giống người Nhật cũng chạy sang hàng xóm, thở phào nhẹ nhõm khi xem lại pha quay chậm cú cản phá của thủ môn đội Nhật, nở nụ cười tươi rồi quay lại tiếp tục với công việc của mình.

Trong khi đó, tại một nhà hàng ở góc đường Thi Sách và Lê Thánh Tôn vốn trước đó không chiếu World Cup, anh quản lý người Nhật tên Ryo Kawashima cũng quyết định trang bị luôn hai màn hình TV để chiếu trận Nhật - Ba Lan và sẽ giữ luôn phục vụ hết mùa World Cup.

Tây tràn ra vỉa hè xem bóng đá ở xứ ta - Ảnh 7.

Ảnh: NHẬT ĐĂNG

Anh cho biết mình cũng là một người hâm mộ bóng đá nhưng tiếc là do bận nên từ đầu mùa đến nay chỉ xem được hai trận của Nhật.

Khi tiếng còi mãn cuộc trận đấu vang lên kèm theo tấm vé vào vòng tiếp theo cho đội Nhật, nhóm thực khách người Nhật trong quán vỗ tay nhẹ nhàng, cười nói chừng mực như thể đó chỉ là một pha bóng hay, hoặc một chương trình TV nào đó. Trong khi đó, hai vị khách phương Tây giơ ngón tay cái ra hiệu "làm tốt lắm!", anh quản lý tươi cười đáp lễ.

Tây tràn ra vỉa hè xem bóng đá ở xứ ta - Ảnh 8.

Một quán bar trên đường Bùi Viện (Q1, TP.HCM) chiếu cùng lúc 2 trận Anh - Bỉ và Panama - Tunisia rạng sáng ngày 29-6 - Ảnh: NGỌC ĐÔNG

Theo cách lý giải của anh Hiroshi, một thực khách, thì tại Nhật Bản bóng đá không phải môn thể thao quan trọng nhất. Thay vào đó, người Nhật thường phấn khích hơn với các môn khác, điển hình là bóng chày.

Còn anh Yamada, người đang có chuyến công tác Việt Nam đúng dịp World Cup, nói: "Chúng tôi vui vì xem đây là một chiến thắng, và đội tuyển Nhật Bản lọt vào vòng đấu tiếp theo... Cảm xúc của tôi lúc này là cân bằng. Vui vì đi tiếp, nhưng không mấy phấn khích do đã thua trận. Chúng tôi không muốn lọt vào vòng trong theo kiểu như vậy, nhưng dù sao cũng đáng chúc mừng".

Bóng đá có thể không phải môn thể thao số một tại Nhật, nhưng World Cup cũng kết nối bạn bè người Nhật tại TP. HCM. Như cách nói của Hiroshi, anh và nhóm bạn xem trận Nhật Bản – Ba Lan vì đội tuyển quốc gia thi đấu, và đúng là họ dù không đam mê song vẫn thấy trận này rất quan trọng.

Tây tràn ra vỉa hè xem bóng đá ở xứ ta - Ảnh 9.

Quán bar trên đường Bùi Viện đông nghẹt fan bóng đá - Ảnh: NGỌC ĐÔNG

Khi được hỏi về kỳ vọng vô địch World Cup, Hiroshi trả lời: "Vô địch ư? Tôi không biết. Có thể chúng tôi sẽ đánh bại hàng loạt đội nữa thì sao? Hoặc có thể sẽ thua ngay trận tới ấy chứ".

Ở VN đi đâu cũng xem được World Cup

Trong khi nhiều du khách xem Bùi Viện là điểm đến lý tưởng để tận hưởng không gian sống động của những trận cầu cùng bạn bè, một số người nước ngoài đã sinh sống ở Việt Nam nhiều năm chọn xem ở nhà hoặc những nơi ít ồn ã hơn.

Anh Pierre Siquet, người Bỉ, cho biết mình không thường thức khuya xem các trận đấu trễ nhưng vẫn luôn cập nhật kết quả vào sáng hôm sau. Nhận xét về chiến thắng của Bỉ trước Anh ngày 29-6, anh Pierre nói "tôi rất hạnh phúc khi tỉnh dậy lúc nửa đêm và biết rằng Bỉ đã thắng 1-0. Nếu Bỉ vào chung kết, tôi nhất định sẽ xem".

Anh cho biết nhiều người Bỉ ở TP.HCM cũng thường tụ tập ở các nhà hàng, quán bia Bỉ để xem World Cup cùng nhau.

Trong khi đó, anh Ray Kuschert, người Úc, nhìn nhận cách người Việt xem World Cup cùng nhau là một nét văn hóa rất khác biệt đối với người phương Tây.

"Chúng tôi thường xem ở nhà hoặc tại các quán bar. Chúng tôi thường rất ít khi ngồi quán café hay nhà hàng để xem TV, và những nơi đó cũng rất tốn tiền. Ở Việt Nam, tôi rất thích cảm giác đi đâu cũng xem được World Cup. Khả năng xã hội hóa rất khác biệt và tốt hơn rất nhiều so với các nước phương Tây", anh Ray chia sẻ.

9X vẽ tranh cầu thủ World Cup đầy thần thái

TTO - Cảm hứng để Bùi Anh An (Huế) vẽ bức tranh chân dung cầu thủ là do họ gây ấn tượng mạnh cho anh, không kể ngoại hình hay thắng thua.



NGỌC ĐÔNG - NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Worlc Cup 2018 TP HCM