An Khê Trường - nơi anh em Tây Sơn gặp gỡ đồng bào Ba Na - nay chỉ còn là một nền đất, người dân đã lập đền mới để thờ cúng kết hợp bảo vệ di tích quý giá này - Ảnh: B.D.
Tôi cố tìm xem dấu xưa lũy cũ còn không, nhưng hình như các nhà quy hoạch đô thị An Khê đã bỏ quên điều này. Đến người dân thôn An Lũy, xã Phú An Cư xưa cũng không còn mấy ai có thể chỉ dẫn chính xác vị trí của lũy An Khê.
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc
Cách trung tâm thị xã An Khê chừng 1km, "thủ đô" buổi đầu của vương triều Tây Sơn một ngày tháng 11 lặng lẽ trong mưa.
Nỗi buồn di tích
Tại phường Tây Sơn, dấu chỉ ít ỏi còn sót lại của nhà Tây Sơn là An Khê Đình và An Khê Trường. An Khê Trường là trường giao dịch, nơi giao tiếp của anh em nhà Tây Sơn với đồng bào Ba Na để tập hợp lực lượng, nơi nghĩa quân làm lễ khởi binh trước khi đưa quân xuống tiến đánh đồng bằng năm 1773.
Đây cũng là nơi có nhiều hạng mục kiến trúc nhưng bị lịch sử xóa sổ, mãi tới những năm 1920 để tưởng nhớ anh em nhà Tây Sơn, chính quyền sở tại và người dân mới khôi phục để kết hợp việc thờ cúng vua Quang Trung cùng các vị thần khác.
Cách đó không xa, An Khê Đình, nơi thờ Tây Sơn tam kiệt (ba anh em nhà Tây Sơn), được người dân lập nên nhưng cũng đang trong cảnh hiu hắt, vắng vẻ.
Toàn bộ công trình đều nằm tách biệt và bố trí rải rác, thiếu kết nối. Chúng tôi tìm đường đến các điểm di tích nổi tiếng được ghi chép trong các tài liệu về vương triều Tây Sơn, nhưng hầu như tất cả đều đã bị hoang hóa.
Khu Miếu Xà - tương truyền là nơi Nguyễn Nhạc chém rắn thần lấy máu tế cờ khởi nghĩa - hiện cũng cửa đóng then cài.
Miếu nằm trơ trọi bên đường, không có các hạng mục phụ xung quanh. Các điểm di tích khác như hồ Ông Nhạc, gò Chợ, lũy An Bảo... chỗ cỏ mọc um tùm, nơi người dân lấy đất làm nhà...
Nỗ lực giữ di sản
Theo nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Chămpa Trần Kỳ Phương, nhà Tây Sơn đã để lại nhiều công trình kiến trúc trải dài trên hai tỉnh Gia Lai và Bình Định.
Tại An Khê, dù số lượng công trình đến nay còn sót lại không nhiều nhưng chứa đựng những giá trị vô cùng lớn, bởi đây là nơi khởi xuất phong trào Tây Sơn.
Tây Sơn thượng đạo tại Gia Lai gồm 16 di tích chia thành sáu cụm, nằm rải rác tại các huyện thị gồm: K’Bang, Kon Chro, Đắk Pơ và An Khê.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, cũng cho rằng An Khê không chỉ đặc biệt về địa thế mà còn liên quan đến di sản, lịch sử.
Mới đây, các nhà khảo cổ học dày công khai quật và ghi nhận đây là vùng sớm nhất của Việt Nam có sự tụ cư của con người với hệ thống các di tích sơ kỳ đá cũ có niên đại 700.000 - 800.000 năm.
Khu di tích Tây Sơn thượng đạo ở đầu những năm 70 của thế kỷ 18 là căn cứ khởi nghĩa, mở đầu chương sử huy hoàng của thời đại Tây Sơn, đồng thời mở ra chương sử mới của lịch sử đất nước.
Nhưng thực tế việc mất dần di tích đang làm đau xót người dân và giới chuyên môn. GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nói ông "bàng hoàng" khi chứng kiến sự biến đổi của An Khê.
Theo một báo cáo hiện trạng của UBND thị xã An Khê, một giai đoạn, việc thiếu đơn vị "cầm trịch" và việc chưa được quan tâm đầu tư đúng mực đã làm nhiều di tích xuống cấp, nhiều khu dân cư mọc lên ngay trên nền di tích đã "nuốt" hẳn các hạng mục cổ xưa khiến di tích biến dạng, thậm chí có điểm di tích đến nay đã mất hẳn dấu tích như gò Chợ, vườn Cam, lũy An Khê...
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - bí thư Thị ủy An Khê - cho biết nguồn lực đầu tư cho Tây Sơn thượng đạo rất hạn chế. Năm 2007, UBND tỉnh Gia Lai cấp kinh phí xây dựng bảo tàng nằm trong khu vực di tích và đó là công trình có quy mô duy nhất được đầu tư đến nay.
"Hằng năm, chúng tôi cố gắng cân đối ngân sách để tôn tạo các hạng mục nhỏ, phục dựng các nghi thức quan trọng, thăm nom hương khói tại các gian điện thờ... nhưng việc này chỉ dừng lại ở mục đích cầm cự. Một số người dân thấy mọi thứ hiu hắt nên đã tự nguyện thăm nom, làm lễ cúng hằng năm" - bà Lịch nói.
Hội thảo Tây Sơn thượng đạo mở hướng "du lịch di sản"
Không thể để di sản ngày càng mai một, UBND tỉnh Gia Lai đã định hướng phát triển "du lịch di sản" cho thị xã An Khê.
Hội thảo Tây Sơn thượng đạo trong khởi nghĩa Tây Sơn được Gia Lai tổ chức sáng nay (24-11) nhằm nhận diện giá trị di sản, tìm ra các phương án bảo tồn và phát huy giá trị quý giá mà thị xã đang có.
Hội thảo cũng sẽ chứng minh và ghi nhận sự đóng góp của đồng bào Ba Na tại chỗ và người dân vùng An Khê, sự đoàn kết Kinh - Thượng trong thời đại Tây Sơn, từ đó đề nghị Nhà nước công nhận Tây Sơn thượng đạo là di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận