31/07/2014 07:34 GMT+7

Tây Phi lo phát sốt với dịch Ebola

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Đợt bùng phát dịch Ebola nghiêm trọng nhất trong lịch sử đang gây xáo trộn cả khu vực tây châu Phi, làm chết hàng chục bác sĩ và nhân viên y tế, buộc nhiều quốc gia siết chặt kiểm soát hàng không.

JLkiQLiz.jpgPhóng to
Đội ngũ của Tổ chức Thầy thuốc không biên giới chuẩn bị mang thức ăn cho các bệnh nhân bị cách ly tại trung tâm điều trị ở Kailahun (Sierra Leone) - Ảnh: Reuters

Đợt dịch Ebola hiện tại được đánh giá là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay với mức lây lan lớn và gây nguy cơ xuyên quốc gia. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), virút Ebola đã làm chết 672 người ở Guinea, Liberia và Sierra Leone kể từ khi bắt đầu bùng phát vào tháng 2-2014.

Sierra Leone là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất với khoảng 525 trường hợp nhiễm. Tỉ lệ tử vong của dịch hiện nay là khoảng 60% mặc dù Ebola có thể giết chết lên đến 90% những người bị nhiễm.

Không chừa bác sĩ

Hôm qua, Hãng tin Reuters dẫn lời lãnh đạo y tế Sierra Leone cho biết vị bác sĩ đứng đầu cuộc chống đợt bùng phát dịch Ebola ở nước này vừa thiệt mạng hôm 29-7. “Đây là mất mát không thể bù đắp cho Sierra Leone bởi ông là chuyên gia duy nhất của đất nước về các chứng sốt xuất huyết do virút” - Reuters dẫn lời lãnh đạo y tế Brima Kargbo. Bác sĩ Sheik Umar Khan, 39 tuổi, được Bộ Y tế đánh giá là một “anh hùng dân tộc” và được chuyển đến một khu điều trị ở phía bắc Sierra Leone. Ông tử vong chưa đầy một tuần sau khi được chẩn đoán nhiễm bệnh.

Cái chết của bác sĩ Khan, người đã điều trị hơn 100 bệnh nhân, cùng với hàng chục nhân viên y tế địa phương và việc hai nhân viên y tế Mỹ ở Liberia bị lây nhiễm cho thấy mối nguy hiểm mà các nhân viên y tế phải đối mặt khi nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ở Tây Phi.

Thực tế, họ là những đối tượng chịu nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Hai bác sĩ người Mỹ là Kent Brantly và Nancy Writebol cũng đang được điều trị. Các quan chức y tế Mỹ cho biết gia đình của bác sĩ Brantly vừa từ Tây Phi trở về Mỹ và chưa có dấu hiệu nhiễm bệnh.

Nguy cơ lớn của bệnh là khi các bệnh nhân xuất hiện triệu chứng được đưa vào viện và tiếp xúc trực tiếp với các nhân viên y tế, y tá mà không có sự bảo vệ nào, bởi họ chưa xác định được bệnh nhân mắc bệnh gì. Trong khi đó, sự thiếu hụt nguồn lực và thiếu hiểu biết về căn bệnh, nhất là tại những khu vực chưa từng xuất hiện bệnh, cũng là trở ngại lớn trong việc kiểm soát dịch.

Siết chặt cửa ngõ hàng không

Ở Nigeria, chính phủ mới đây đã tuyên bố đình chỉ tất cả các chuyến bay của hãng hàng không khu vực châu Phi ASky Airlines đến nước này do đã bay qua các vùng có người nhiễm virút Ebola. ASky Airlines là hãng hàng không quan trọng ở Đông, Tây và Trung Phi, mỗi tuần thực hiện 80 chuyến bay đến Lagos và Abuja. Tuần trước, một hành khách trên chuyến bay của hãng này đến Lagos đã tử vong do nhiễm virút Ebola. Theo Hãng NBC News, người thiệt mạng là một người Mỹ khoảng 40 tuổi. Bệnh viện nơi bệnh nhân này tử vong đã bị cách ly.

Tại Liberia, theo yêu cầu của bộ trưởng y tế nước này, Cơ quan hàng không Liberia cũng áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn đại dịch, như kiểm soát chặt chẽ những người ra vào sân bay và các nhân viên làm việc trong sân bay được trang bị găng tay, nước sát trùng và các phương tiện bảo hộ để ngăn ngừa lây bệnh khi tiếp xúc với hành khách và hành lý tại sân bay. Nước này cũng đã siết chặt kiểm soát biên giới, đóng phần lớn cửa khẩu và cấm tụ tập nơi công cộng.

Trong khi đó, Anh cũng đã ra cảnh báo cho các bác sĩ và nhân viên y tế trong nước đề phòng virút Ebola có thể đáp xuống Anh trong bối cảnh dịch bệnh ở Tây Phi đang “ngoài tầm kiểm soát”.

Bệnh dễ nhiễm, dễ lây

Bệnh do virút Ebola (Ebola virus disease - EVD) hay còn gọi là sốt xuất huyết Ebola, đặt theo tên dòng sông ở châu Phi nơi những trường hợp đầu tiên được ghi nhận năm 1976. Căn bệnh tấn công đột ngột thông qua tiếp xúc với những động vật nhiễm bệnh như tinh tinh, khỉ, dơi, linh dương, nhím... và có tỉ lệ tử vong lên đến 90%. Ở người, bệnh lây trực tiếp thông qua máu, dịch cơ thể, chất bài tiết, thậm chí giường, gối và những bề mặt mà người bệnh tiếp xúc.

Các dấu hiệu ban đầu của bệnh là sốt đột ngột, đau cơ, đau đầu và đau họng, tiếp đó là nôn mửa, tiêu chảy. Thận và gan sẽ là hai đối tượng tiếp theo bị tấn công và xuất hiện triệu chứng xuất huyết nội và ngoại. Bệnh nhân sẽ trở thành nguồn lây bệnh một khi xuất hiện các triệu chứng, thường khoảng 2-21 ngày sau khi tiếp xúc với virút.

Hiện chưa có các điều trị hoặc văcxin phòng ngừa EVD. Bệnh có thể được kiểm soát ở người, từng có thời gian tạm lắng rất dài từ năm 2005-2006, nhưng nguồn bệnh vẫn tồn tại trong động vật.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên