Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, việc phát triển hạ tầng giao thông liên kết vùng vẫn là điều quan trọng nhất. Ông mong muốn có tuyến metro kết nối với TP.HCM và các tỉnh thành.
Ông Ngọc cho biết hiện nay vùng Đông Nam Bộ có một lợi thế rất lớn là đầu tàu kinh tế các vùng lân cận, hợp tác của các tỉnh thành phải thể hiện qua tầm nhìn, khai thác tiềm năng, thế mạnh của cả vùng.
Khi vùng phát triển thì mỗi địa phương trong đó cũng sẽ phát triển theo. Ông Ngọc nhấn mạnh và đặc biệt lưu ý việc phát triển hạ tầng giao thông liên kết vùng vẫn là điều quan trọng nhất.
Nhìn trên bản đồ có thấy sự phát triển các tỉnh miền Đông là gắn kết với tỉnh Long An. Việc mở rộng hợp tác với Long An sẽ tạo ra một khu vực khép kín, xoay quanh trục là TP.HCM là đầu tàu kinh tế.
Các dự án lớn như đường vành đai 3, vành đai 4 đều kết nối miền Đông với Long An. Vì vậy, cần nghiên cứu để có thêm chương trình hợp tác với Long An, kết nối miền Đông với Long An để tạo động lực, khai thác tiềm năng lợi thế mạnh hơn nữa trong quá trình phát triển chung.
Liên quan về những dự án cao tốc kết nối liên vùng, ông Ngọc cho rằng để quyết định nên làm các tuyến đường cao tốc này không, kết nối chỗ nào, mở rộng bao nhiêu… thì các tỉnh thành phải ngồi lại với nhau để bàn bạc cụ thể, không nên đề xuất chung chung.
Ông Ngọc cho biết thêm ngoài hệ thống giao thông trọng điểm kết nối vùng mà các tỉnh thành đang làm như vành đai 3, vành đai 4 và các trục kết nối cao tốc giữa TP.HCM đi các địa phương trong vùng cũng đã được định vị.
Về lâu dài giữa tỉnh này với tỉnh kia chắc chắn phải có cao tốc, đường sắt nội đô, sau này các tỉnh xung quanh TP.HCM (Đồng Nai - Bình Dương) sẽ là trục lõi về đô thị của miền Đông, lan tỏa ra các thành phố vệ tinh của Long An, Tây Ninh, Bình Phước… thì các tuyến đường sắt đô thị metro là rất quan trọng.
"Nếu metro được hình thành sẽ giải quyết được việc người sống ở tỉnh này nhưng làm việc mỗi ngày ở tỉnh khác là chuyện bình thường. Người dân Tây Ninh muốn đi làm ở TP.HCM cũng nhanh chóng, như người Nhật họ đi làm mỗi ngày 200 - 300km rất bình thường. Tất cả những điều này không những để việc đi lại của người dân được thuận tiện hơn mà còn giải quyết bài toán nguồn nhân lực xoay quanh vòng cho cả vùng", ông Ngọc phân tích.
Cao tốc Mộc Bài (Tây Ninh) sắp hoàn thiện báo cáo tiền khả thi
Cùng quan điểm với ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường khẳng định việc phát triển giao thông liên vùng là nội dung ưu tiên làm của TP.HCM.
Hiện nay, TP.HCM đang tập trung hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Chính phủ để quyết định chủ trương đầu tư của cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu 1 - Chơn Thành. Dự kiến hoàn thiện trong quý 2-2024.
Riêng về cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (kết nối với Tây Ninh), hiện hội đồng thẩm định quốc gia đã lấy ý kiến các thành viên, theo dự kiến trong tháng 3 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về phát triển các tuyến đường sắt, hiện nay TP.HCM cũng thông qua kế hoạch và phương án đầu tư, kéo dài đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đến Bình Dương, Đồng Nai. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan về các tuyến đường sắt được Chính phủ giao bộ chuẩn bị đầu tư khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận