Tỉnh Tây Ninh vừa có thông báo kêu gọi đầu tư xã hội hóa giáo dục tại tỉnh này. Trong đó có việc sáp nhập Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh vào một trường đại học có đủ năng lực để thành lập phân hiệu đại học tại tỉnh này.
Theo dự thảo kêu gọi đầu tư xã hội hóa thành lập phân hiệu đại học tại Tây Ninh, Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh sẽ được sáp nhập vào một đại học có đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm để thành lập phân hiệu đại học.
Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh có diện tích hơn 76.000m2 tại thành phố Tây Ninh. Các tiêu chí thành lập phân hiệu đại học bao gồm: chuyển giao nguyên trạng bao gồm các mã ngành đào tạo, sinh viên, học viên.
Chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ quản lý, viên chức, người lao động và người học của Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh sang trường đại học.
Đảm bảo mọi hoạt động của hai trường không bị gián đoạn, xáo trộn.
Phân hiệu đại học đa dạng hình thức đào tạo; phương thức đào tạo theo hướng liên thông giữa các trình độ đào tạo.
Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ vào thực tiễn, đào tạo trình độ đại học, hướng đến đào tạo trình độ sau đại học.
Các lĩnh vực đào tạo ưu tiên bao gồm: sư phạm và y tế. Phân hiệu đại học phát triển cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với thế mạnh hiện có của Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh và từng bước mở rộng đào tạo các ngành thế mạnh của trường đại học.
Nhà đầu tư cam kết triển khai và đưa phân hiệu trường đại học vào hoạt động trong vòng 12 tháng kể từ ngày hoàn thành pháp lý sáp nhập Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh.
Nếu nhà đầu tư chậm triển khai và đưa vào hoạt động so với tiến độ thì Nhà nước thu hồi và không bồi thường chi phí đã đầu tư cho nhà đầu tư.
Theo báo cáo ba công khai năm học 2022-2023 của Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh, quy mô đào tạo năm học này là 602 sinh viên.
Tổng số giảng viên cơ hữu 60. Hầu hết các tòa nhà của trường được xây dựng trong các năm từ 2002-2004.
Nhiều trường cao đẳng sư phạm đã được sáp nhập
Thời gian qua, nhiều trường cao đẳng sư phạm thuộc UBND các tỉnh, thành đã được sáp nhập vào các trường đại học.
Trong đó Trường cao đẳng Sư phạm Hà Tây được sáp nhập vào Trường đại học Thủ đô Hà Nội, Trường cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận được sáp nhập vào phân hiệu Trường đại học Nông lâm TP.HCM tại Ninh Thuận.
UBND tỉnh Long An, Gia Lai đã đồng ý chủ trương chuyển giao trường cao đẳng sư phạm cho Trường đại học Sư phạm TP.HCM thành lập phân hiệu đại học.
Trường cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk dự kiến sáp nhập vào Trường đại học Tây Nguyên.
Theo dự thảo quy hoạch mạng lưới đại học, cao đẳng sư phạm của Bộ Giáo dục vào Đào tạo, đối với các trường cao đẳng sư phạm sẽ tổ chức, sắp xếp lại theo các phương án như sáp nhập vào một số trường đại học sư phạm hoặc một trường đại học có đào tạo giáo viên trong vùng hoặc sáp nhập vào một trường đại học tại địa phương.
Đến năm 2030 không còn đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm và các trường cao đẳng đa ngành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận