04/07/2024 05:45 GMT+7

Tay ngang sửa sắc đẹp gây tai biến: Giải pháp nào làm đẹp an toàn?

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của người dân, nhưng bằng cách nào để không bị tai biến, tiền mất tật mang?

Nữ bệnh nhân bị biến chứng suýt mù mắt do tiêm filler được chữa trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Nữ bệnh nhân bị biến chứng suýt mù mắt do tiêm filler được chữa trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Trước khi đưa bất kỳ chất nào vào cơ thể, người dân cần biết rõ đó là chất gì. Hãy chụp lại hình ảnh filler, botox, túi ngực... và kiểm tra đầy đủ các thông tin trên các sản phẩm này. Đảm bảo các sản phẩm này phải còn hạn sử dụng, đáp ứng các tiêu chuẩn sử dụng.
BS TỐNG HẢI

Chỉ trong tháng 6 và cả mấy ngày gần đây TP.HCM liên tiếp ghi nhận rất nhiều ca bị sự cố y khoa tại các phòng khám thẩm mỹ tư nhân, trong đó có ca tử vong. Bên cạnh đó, không ít sai phạm được xử lý khi các cơ sở spa lấn sân sang thẩm mỹ.

Làm sao để những tai biến thẩm mỹ không còn xảy ra "như cơm bữa"? Nhu cầu làm đẹp là nhu cầu chính đáng của người dân, cách nào để đi làm thẩm mỹ được đẹp và an toàn?

Ai là người được thực hiện can thiệp thẩm mỹ?

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, trên địa bàn TP hiện nay có hơn 7.000 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ, nhưng chỉ có 598 cơ sở là do Bộ Y tế và Sở Y tế cấp phép hoạt động (chiếm chưa đến 15% trong tổng số cơ sở hiện có). 

Còn lại hơn 85% cơ sở là do UBND quận huyện và TP Thủ Đức cấp giấy chứng nhận (chỉ cần xin giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - hộ kinh doanh hoặc công ty). Theo quy định, các cơ sở này hành nghề mà không cần cơ quan chuyên môn thẩm định và cấp phép.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Tống Hải - chủ nhiệm khoa vi phẫu và tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia (Hà Nội) - chia sẻ để tránh những tai biến thẩm mỹ không đáng có, điều quan trọng nhất là người dân phải biết được: Ai là người được phép can thiệp thẩm mỹ?

Giống như việc kê đơn, chỉ định điều trị bằng các phương pháp khác nhau, bác sĩ chuyên môn mới được phép thực hiện và phải đảm bảo đã được cấp chứng chỉ hành nghề. Đối với can thiệp thẩm mỹ cũng vậy, phải là nhân viên y tế được đào tạo mới có thể thực hiện can thiệp thẩm mỹ. 

Bất kỳ dịch vụ làm đẹp nào có xâm lấn, từ tiêm filler, botox... hay các đại phẫu như nâng ngực, hút mỡ... đều phải được nhân viên y tế, bác sĩ có chuyên môn và có chứng chỉ hành nghề thực hiện.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Thanh Vân - phó chủ tịch thường trực Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM - cho biết tiêm filler, botox là những thẩm mỹ có xâm lấn, chỉ có các bác sĩ được đào tạo bài bản, có cấp chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ nội khoa mới thực hiện được, không hề đơn giản.

Thế nhưng hiện nay, việc đào tạo "tay ngang" tiêm filler, botox rất tràn lan và bát nháo. Ngoài các "tay ngang" không có bằng cấp được đào tạo "chui" núp bóng các tiệm massage, spa, gội đầu..., thậm chí nhiều bác sĩ đa khoa đến tận các spa để dạy "chui" tiêm filler, botox. Chính việc này dẫn đến nhiều người sau khi tiêm xong bị hoại tử mông, mũi, mù mắt... và có thể gây ra sốc chết người. 

"Đây là điều không thể chấp nhận được, coi rẻ sinh mạng của người dân", TS Thanh Vân nói.

Cách làm đẹp an toàn

Một spa làm chui dịch vụ tiêm filler cằm cho khách hàng - Ảnh: T.T

Một spa làm chui dịch vụ tiêm filler cằm cho khách hàng - Ảnh: T.T

Bác sĩ Tống Hải cho hay để làm đẹp an toàn, người dân cần chú ý những thông tin về bác sĩ, nhân viên y tế có được phép hành nghề hay không, người dân có thể kiểm tra trên website qlhanhnghekcb của Bộ Y tế. 

Bên cạnh đó, trên biển hiệu của các cơ sở đều phải có giấy phép hoạt động được cấp phép, nếu cơ sở nào không có thông tin này, người dân cần cân nhắc khi lựa chọn.

Tiếp đến là cần hiểu về cơ sở thẩm mỹ sẽ thực hiện can thiệp làm đẹp. Nhiều người nghĩ rằng với tiêm filler chỉ là gây tê nên không cần phải có cơ sở thiết bị "cầu kỳ". Tuy nhiên, thực tế gây tê cũng có thể gây những tác dụng phụ, sốc phản vệ và nếu không được can thiệp kịp thời vẫn có thể dẫn đến tử vong. 

Bởi vậy, khi đến cơ sở thẩm mỹ hãy chú ý quan sát cơ sở có đầy đủ trang thiết bị và cấp cứu hay không. Ít nhất hãy đảm bảo rằng nếu có tình huống nguy kịch xảy ra, bạn sẽ được đưa đến cơ sở cấp cứu nhanh nhất.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trọng Khoa - quyền quản lý và điều hành Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - khuyến cáo khi có nhu cầu làm đẹp cần lựa chọn cơ sở được cấp phép, bởi những cơ sở được phép sẽ được đảm bảo từ người hành nghề, cơ sở trang thiết bị đảm bảo... Nếu thực hiện ở cơ sở "chui", không được cấp phép là đang đặt cược với tính mạng của mình.

"Việc tăng cường nhận thức của người dân rất quan trọng. Trước khi quyết định can thiệp thẩm mỹ, cần bám sát vào ba yếu tố đó là: Cơ sở can thiệp có được cấp phép hay không? Người can thiệp có giấy phép hành nghề hay không? Và thuốc, vật liệu sử dụng làm đẹp có được Bộ Y tế cấp phép hay không? 

Chỉ khi có đầy đủ ba thông tin này mới quyết định có làm đẹp tại cơ sở đó hay không", ông Khoa khuyến cáo.

Xử lý từ địa phương không dễ

Các trường hợp tiêm filler, botox "chui" là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý hình sự để có sức răn đe, nếu xử phạt nhẹ sẽ không ngăn chặn được thực trạng này.
TS Thanh Vân

Tại TP.HCM, quận 10 là một trong những địa điểm rất nóng về hoạt động trái phép của các cơ sở thẩm mỹ. Bác sĩ Lê Hồng Tây - trưởng Phòng y tế quận 10 - cho biết năm 2023 quận 10 đã xử phạt quyết liệt nên sáu tháng đầu năm 2024 đã giảm 50% số lượng người dân phản ánh qua app "Y tế trực tuyến". Tuy nhiên đâu đó vẫn còn âm ỉ, diễn biến phức tạp thẩm mỹ không phép.

Do vậy, từ đầu tháng 7-2024, quận này đã tổ chức chiến dịch cao điểm 45 ngày kiểm tra và xử phạt thẩm mỹ trái phép. Trong quá trình kiểm tra, cơ sở nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo phường tại quận Gò Vấp cho biết đối với các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn phường thường xuyên phối hợp với phòng y tế để kiểm tra. Hiện nay với bất kỳ ngành nghề hay loại hình kinh doanh nào phường không có thẩm quyền cấp đăng ký kinh doanh.

Khó khăn hiện nay là công tác kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ phường bắt buộc phải phối hợp với cơ quan chuyên môn khác khi có yêu cầu. Trường hợp cơ sở mới phát sinh, nếu không có hồ sơ pháp lý phường vẫn có thể xử phạt được. Tuy nhiên khó khăn là phải kỹ, xác định được đúng ngành nghề hoạt động ở dạng nào.

Nhiều cơ sở dịch vụ thẩm mỹ ở Đà Nẵng hoạt động trái phép

Những năm gần đây, lực lượng chức năng Đà Nẵng liên tục phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ không phép trên địa bàn thành phố.

Đáng chú ý, những cơ sở thẩm mỹ "chui" này không chỉ thực hiện những biện pháp can thiệp vào cơ thể người (như cắt mí, nâng ngực, nâng mũi, tiêm filler, tiêm botox, căng da mặt...) không được cấp phép mà có những cơ sở sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề, không có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ (như lao công, học sinh mới tốt nghiệp THPT...) thực hiện những dịch vụ can thiệp này.

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo do UBND TP Đà Nẵng tổ chức mới đây, bà Trần Thanh Thủy - giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng - cho biết hiện nay dịch vụ thẩm mỹ không thuộc diện cấp phép có số lượng hoạt động khá nhiều, đây là hình thức cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động có điều kiện.

Cũng theo giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, trên địa bàn có rất nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ chưa được cấp phép, hoạt động "chui" gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Tăng cường quản lý từ địa phương

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa: "Đầu tiên phải khẳng định rằng chỉ những cơ sở được cấp phép hoạt động là bệnh viện, phòng khám mới được thực hiện can thiệp thẩm mỹ, có can thiệp vào da và bộ phận cơ thể.

Vấn đề thứ hai là quản lý. Hằng năm, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế liên tục có văn bản chỉ đạo các sở y tế địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở các cơ sở khám chữa bệnh. Giám sát làm đúng các phạm vi cho phép và thực hiện nghiêm chuyên môn, đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Khi xảy ra những vụ việc tai biến, chúng tôi cũng có văn bản kiểm tra giám sát. Đồng thời, tổ chức các đoàn trực tiếp đi kiểm tra để đưa ra những giải pháp hạn chế những sự việc như vậy".

Ông Khoa cũng nhận định việc quản lý, kiểm soát các cơ sở can thiệp thẩm mỹ không hề đơn giản. Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng gia tăng.

Vấn đề đặt ra là nhiều cơ sở thực hiện thẩm mỹ nhưng không thành lập phòng khám, bệnh viện... mà "đội lốt" là những cơ sở làm đẹp, chăm sóc da. Những hành động can thiệp làm đẹp là hoạt động "chui".

"Vì vậy, sở y tế các tỉnh, thành cũng gặp khó khăn trong quản lý. Tôi cho rằng việc quản lý những cơ sở này phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền xã phường, tổ dân phố... Bởi đây là lực lượng trực tiếp tại địa bàn, có thể phát hiện sớm những hoạt động của các cơ sở spa, chăm sóc da hoạt động có sai phạm", ông Khoa nhấn mạnh.

Tay ngang sửa sắc đẹp, tai biến tràn lan: Sáng học Tay ngang sửa sắc đẹp, tai biến tràn lan: Sáng học 'lý thuyết', chiều tiêm luôn cho người

Làng quê ngày càng có thêm nhiều người "bắt trend" lên thành phố học thẩm mỹ. Học 3 tháng đã có nghề "hái ra tiền". Các chiêu "móc túi" người ít tiền, thích giá rẻ được tiết lộ…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên