Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, ngày 10-9, xã Nậm Lúc (Bắc Hà, Lào Cai) xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản tại thôn Nậm Tông khiến nhiều người tử vong, mất tích.
Vượt núi vào nơi sạt lở tìm kiếm 15 người mất tích ở Nậm Lúc, Lào Cai - Video: VŨ TUẤN
Tay không vốc bùn lẫn máu
Theo thông tin chính thức tại hiện trường, đến 12h ngày 13-9, tức ngày thứ ba tìm kiếm cứu nạn, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 10 thi thể nạn nhân, vẫn còn 8 người bị mất tích. Hiện có 13 người bị thương đang điều trị.
Tại hiện trường tan hoang như bình địa, bùn, đá lẫn với cột nhà, đồ dùng của người dân lẫn lộn, hàng trăm chiến sĩ các lực lượng công an, quân đội tiếp tục xới bùn, dọn đất đá mong tìm được nạn nhân còn mất tích.
Người dân bản Cái Cao (thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc) cho hay người dân ở đây làm nhà bên khe suối rất sâu. Từ nền nhà thấp nhất tới mặt nước cao hơn một con sào. Thế nhưng cả con khe sâu hút đầu sào ấy đã thành một bãi bùn đất.
Thượng tá Nguyễn Đức Cường - phó trưởng Công an huyện Bắc Hà (Lào Cai) - cho hay khó khăn lớn nhất trong công tác tìm kiếm là địa hình phức tạp. Khối lượng đất đá quá lớn nhưng lực lượng cứu hộ phải dùng sức người để tìm kiếm vì hiện vẫn chưa mang được máy móc vào hiện trường do các điểm sạt lở chia cắt và đường đi toàn khe, dốc.
Hàng trăm người khoanh vùng những khu vực nghi có đồng bào nằm dưới đánh dấu lại rồi đào bới từng phần tìm. Mỗi khi có dấu hiệu bùn lẫn máu thì đánh dấu rồi các chiến sĩ phải dùng tay cạy đá, vốc bùn, cẩn thận dọn dẹp để tránh làm ảnh hưởng tới nạn nhân.
Sáng 13-9, lực lượng cứu hộ đã tìm được thi thể một em bé, bàn giao cho gia đình mai táng.
“Chúng tôi bằng mọi cách, bằng mọi biện pháp, các lực lượng công an, quân đội và cả lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tự nguyện của TP.HCM cũng vào giúp. Nhưng với khối lượng đất đá này làm thủ công thì tương đối vất vả. Phải có hệ thống máy móc chuyên nghiệp như máy xúc, máy đào, các thiết bị dò tìm”, thiếu tá Nguyễn Đức Cường nói.
Thiếu tá Vũ Minh Tuấn - phó trưởng ban tham mưu Trung đoàn cảnh sát cơ động thủ đô, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động - cho biết thêm các vị trí xung yếu nguy cơ sạt lở rất cao, gây nguy hiểm cho lực lượng cứu hộ. Bởi địa bàn chủ yếu là đất pha cát, địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn.
Nhiều ngày qua, nước mưa tích tụ nhiều trong đất nên có nguy cơ sạt lở trên diện tích rộng: “Thời tiết ở vùng này lại rất hay mưa vào nửa đêm với gần sáng, vì thế sáng ra kết cấu đất rất yếu. Rất có nguy cơ sạt lở ở một số điểm xung yếu tại khu vực này".
Con đường duy nhất đến hiện trường phải vượt núi rất dốc
Từ hiện trường sạt lở đến nơi tập kết, lán trại của lực lượng cứu hộ khoảng gần hai cây số. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ phải căng bạt, lót tấm tôn làm nơi ngủ tạm.
Rạng sáng 13-9 mưa to, nước dột lênh láng nên các chiến sĩ ngồi dựa vào nhau tránh mưa, còn quần áo, đồ đạc ướt hết.
Thiếu tá Nguyễn Đức Cường cho hay do địa hình chia cắt, con đường duy nhất đến hiện trường phải men theo đường mòn, vượt núi rất dốc. Vì thế việc tiếp vận, hậu cần, lo lương thực, nước uống, nước sinh hoạt bị thiếu.
Chính quyền xã Nậm Lúc đã huy động hàng chục người lo vận chuyển nước, nhu yếu phẩm, lương thực lên cho lực lượng cứu hộ. Tuy nhiên, con đường vượt núi phải đi hơn ba giờ. Mỗi chuyến chỉ mang được một thùng nước, yến gạo hay gùi lương khô, sữa, bánh.
Những người dân leo núi khỏe nhất một buổi cũng chỉ chuyển được một chuyến hàng. Nhiều bao gạo chuyển lên tới nơi bị ngấm mồ hôi, hỏng mất một phần.
Vì thế, theo thiếu tá Cường, phải nhanh chóng khắc phục các điểm sạt lở để đưa được máy móc vào hiện trường, chuyển được lương thực, thực phẩm, lo hậu cần cho lực lượng cứu hộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận