Cảnh trong Tây du ký 2: Mối tình ngoại truyện - Ảnh: GALAXY |
Chính vì Châu Tinh Trì viết kịch bản và làm sản xuất nên thi thoảng thấy hương vị của ông phảng phất trong phim, nhưng nhất định đây là phim của Từ Khắc, không phải Từ Khắc của thời Phương Thế Ngọc, Hoàng Phi Hồng, mà Từ Khắc của những phim kỹ xảo lòe loẹt những năm về sau này.
Nếu kỳ vọng một phim hài hước kiểu Châu Tinh Trì hẳn khán giả sẽ thất vọng. Nếu bỏ Châu Tinh Trì đi, chỉ kỳ vọng một phim hành động kỹ xảo tưng bừng thì phim xem cũng giải trí đỡ buồn, không hay không dở, không xuất sắc không thảm hoạ.
Mối tình ngoại truyện 2 là phần 2 của Mối tình ngoại truyện 1, hẳn là thế rồi. Thế nhưng Mối tình ngoại truyện 1 là phim Châu Tinh Trì đạo diễn. Phim ấy đúng "chất", không phải chỉ chuyện hài hước, cái hài chỉ là cái vỏ bề ngoài để làm cho khán giả mọi đối tượng đều có thể thư giãn khi xem bộ phim, mà còn đúng "chất" của Châu Tinh Trì với những lớp lang ý nghĩa của một người "hiểu chuyện để phá chuyện".
Cảnh trong Tây du ký 2: Mối tình ngoại truyện - Ảnh: GALAXY |
Với người viết, "chất" của Châu Tinh Trì có mấy điểm đặc trưng:
- Rất hiểu bản chất cốt lõi của chuyện gốc nên có thể đạp đổ, đập nát bét hết mọi thứ để gây cười, nhưng cũng là để cho người ta thấy được bản chất thật sự của sự việc. Kungfu Hustle (Tuyệt đỉnh Kungfu) là võ học, Mối tình ngoại truyện là Phật học, cái nào cũng được đem ra mổ xẻ tận răng.
Xem Mối tình ngoại truyện, cái ý lớn nhất của phim là muốn thành Phật độ trì chúng sinh, trước tiên phải hiểu chúng sinh. Đoạn đầu có một cô chồng bị cá nuốt chửng, Đường Tăng chạy tới an ủi, cô vợ bảo "mày có chồng không mà bảo là hiểu, là thông cảm".
Nghe thì buồn cười - Đường Tăng sao mà có chồng được - nhưng đó chính là tiền đề của cả bộ phim mà mãi về sau Đường Tăng mới ngộ ra. Nếu vì tu hành mà không có tình cảm, không có hỉ nộ ái ố, không biết rung động trái tim gái trai như nhân gian thì sao hiểu được con người, hiểu được chúng sinh mà phổ độ. Vì thế, dám lấy Đường Tăng ra cho Đường Tăng rung động trái tim với Đoạn tiểu thơ tưởng là báng bổ, nhưng thật ra chính là để hiểu hơn Phật pháp.
Cũng tương tự chuyện sư phụ của Đường Tăng ăn đùi gà, bảo rằng ăn chay là do tâm mình mà ra, nếu nhìn đùi gà nghĩ là chay thì nó là chay, xong ngay sau đó là bị rượt đuổi vì ăn không trả tiền, cũng là cười lúc ấy nhưng lớp lang về ý nghĩa thì sâu hơn thế.
Cảnh trong Tây du ký 2: Mối tình ngoại truyện - Ảnh: GALAXY |
- Đứng về kẻ thế cô, thất bại. Đội bóng Thiếu Lâm. Tuyệt đỉnh Kungfu và cả Mối tình ngoại truyện, đều là phim về những kẻ tâm tính tốt, nhưng dòng đời đưa đẩy, kẻ thì thất bại thảm hại không ngóc đầu lên được, kẻ thì thất bại đến nỗi không muốn làm người tốt nữa, chỉ muốn làm người xấu để có thể tồn tại, kẻ thì tin vào lòng tốt con người lẫn yêu ma đến mù quáng.
Cho dù họ có thể ngu dốt, xấu xa, chẳng hiểu sao xem phim của Châu Tinh Trì, người viết không ghét con người của họ, bởi tôi có thể cảm nhận được cái tâm tính tốt của họ. Tất cả họ đều thất bại trong đời, nhưng tất cả họ đều có tâm tính tốt mà cuối cùng sẽ tìm thấy hạnh phúc bình yên trong đời.
- Diễn viên quần chúng. Châu Tinh Trì rất xuất sắc trong việc xây dựng tính cách cho các nhân vật quần chúng, những người xuất hiện vài ba phút, có khi chỉ vài giây, nhưng ấn tượng độc đáo khó quên mà mỉa mai châm biếm thì thôi rồi không bàn cãi.
Xem Mối tình ngoại truyện 2, thứ thiếu rõ ràng nhất là không có các nhân vật quần chúng duyên dáng này, dẫu có thể thấy bàn tay của Châu Tinh Trì lúc viết kịch bản đã cố gắng sắp xếp vào đó, như mấy người ở gánh xiếc hay "hai cô con gái" ở ổ nhền nhện.
Thế nhưng, Từ Khắc không phải Châu Tinh Trì nên "nguyên vật liệu" ở đó mà không thể khai thác đậm nét của Châu Tinh Trì. Càng về sau thì càng vắng bóng các nhân vật kiểu này.
Cảnh trong Tây du ký 2: Mối tình ngoại truyện - Ảnh: GALAXY |
Và Mối tình ngoại truyện 2 gây thất vọng
Mối tình ngoại truyện 2 cũng chẳng rõ ai là kẻ thất bại trong đời - Tôn Ngộ Không hay Đường Tăng? Điều tiếc nuối nhất với người viết khi xem phim này là vì sao cậu Văn Chương (Wen Zhang) đóng Đường Tăng phần trước lại lăng nhăng quá làm gì cho scandal tình ái tứ tung nên ảnh hưởng sự nghiệp, rồi bị loại khỏi dự án phim này?
Thay vào đó là một diễn viên nhìn mặt đã thấy khó ưa, vừa không giống Đường Tăng mà giống yêu quái bị hen suyễn hóa thành, điêu ngoa giả dối...
Wen Zhang của Mối tình ngoại truyện vừa đẹp trai, vừa hiền lành, vừa chân thật, nhìn vào đã có cảm tình; còn Ngô Diệc Phàm của Mối tình ngoại truyện 2 từ đầu tới cuối thật lòng người viết chỉ mong Tôn Ngộ Không đánh một gậy, rất hợp cho đoạn phim đầu lý giải vì sao ba đồ đệ chỉ mong cho sư phụ chết quách cho rồi, đến phút chót vẫn mong như thế.
Vì lẽ đó, trong Mối tình ngoại truyện 2 chẳng thể nào rung động cảm thông cho Đường Tăng một phút giây nào.
Mối tình ngoại truyện 2, về mặt thông điệp cũng không có gì sâu hơn, mới hơn so với phần trước. Dĩ nhiên, cái tài của kịch bản Châu Tinh Trì viết thì vẫn ở đó, lấy điển xưa tích cũ ai cũng đã biết, đập ra viết lại.
Mấy con yêu quái trong phim thật sự bất ngờ, thấy mới mẻ và độc đáo, nhưng cái tài của Từ Khắc lại chỉ dừng ở mức làm đẹp lớp vỏ bề ngoài, chưa đủ để bộc phát cái lõi bên trong.
Hay nói cách khác, Từ Khắc chỉ mới là ông vua khóc nhè, trông có vẻ vui vui, hài hài rồi hung ác bất thường, và Châu Tinh Trì chỉ mới làm quân sư đứng vỗ tay ủng hộ, chưa thành Tôn Ngộ Không tát cho mấy phát phụt lửa lộ hình.
Nên xem Mối tình ngoại truyện 2, dẫu phim không tệ nhưng lại thất vọng là vậy.
Phim này dù được Cục Điện ảnh dán nhãn P - phổ thông cho mọi đối tượng, nhưng quý vị phụ huynh có con nhỏ nên biết phim có nhiều hình ảnh ghê rợn, bạo lực tàn ác, dâm ô... để cân nhắc cho con trẻ đi xem. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận