TTCT - Nhìn lại những ngày phải ở yên trong nhà, nhận ra rằng cách nấu nướng và ăn uống của chúng ta đã thay đổi thế nào trong đại dịch. Những số liệu về lượt xem từ các website và diễn đàn ẩm thực, thống kê lượt tìm kiếm của Google và các khảo sát thị trường cho biết nhiều điều hay ho về chuyện bếp núc của nhân loại trong những ngày không được đi ăn tiệm hay đi chợ.Mình rảnh thì phải bày vẽ chứ sao!Trong những tuần đầu tiên ở nhà, sự rảnh rỗi, buồn chán và những cơn thèm đủ thứ khiến người ta bày ra đủ món. Nếu như nay bánh cuốn, mai bánh xèo, mốt hủ tiếu là thường thấy ở các gia đình Sài Gòn, thì vô vàn món ngon cũng đã được nấu nướng tại gia khắp thế giới trong những ngày mới bị hạn chế đi lại. Quá rảnh thì cà phê hòa tan cũng không thể được pha tầm thường kiểu nước sôi 1 phút, mà cầu kỳ rách việc hẳn lên: Trộn hai muỗng cà phê hòa tan, hai muỗng đường với hai muỗng nước, đánh đều đến khi bông mềm như kem, đặt nhẹ lên trên sữa lạnh cho nổi bồng bềnh rồi mới... uống. À, trước khi uống còn phải chụp ảnh tách cà phê ấy khoảng chục kiểu cho tới khi ưng ý. Được báo USA Today xếp đầu danh sách những món lan truyền chóng mặt nhất mạng xã hội trong thời phong tỏa, kiểu cà phê đánh bông này có tên là cà phê Dalgona. Theo dữ liệu của Google, món này được tìm kiếm cách làm nhiều nhất toàn thế giới trong năm 2020. Ở Việt Nam, nó có tên là “cà phê bọt biển”, xếp thứ ba trong số những công thức được người Việt tìm nhiều nhất trên Google.Còn đứng thứ nhì trong danh sách những công thức được tìm kiếm nhiều nhất mà USA Today công bố hồi tháng 5-2020 là một món mà trước nay thường được mua về ăn cho nhanh. Đó là các loại chả lụa (giò) vốn cần phải mất hàng giờ xay thịt, nhồi gia vị, tạo hình trước khi được nướng, hấp, chiên. Nước Mỹ không đơn độc, danh sách những quốc gia quan tâm nhất thế giới về cách làm giò còn có Đan Mạch, Thụy Điển, Czech và hơn chục nước Âu Mỹ khác. Bỗng dưng lành mạnhNgày chưa có vaccine ngừa COVID-19, ăn uống lành mạnh để có sức chống virus đã trở nên phổ biến hơn. Và với phần thế giới hảo bơ sữa trứng thịt, định nghĩa lành mạnh đơn giản: Cứ nhiều rau quả là lành mạnh.Với xu hướng này, kho công thức món ăn nổi tiếng thế giới Allrecipes từ năm 2020 ghi nhận: “Lượng truy cập tăng mạnh trên các bài giới thiệu những món chay và thuần chay, bên cạnh những bài giới thiệu món nướng, món nhẹ hay món dễ làm”.Ở Anh, số liệu do công ty thực phẩm Premier Food công bố tháng 9-2021 cho số bữa ăn chay thực vật của người dân xứ sương mù tăng đến 46% trong năm đại dịch vừa qua.Trong số những món lành mạnh, nổi như cồn là bánh mì chuối. Người ta tin nó tốt cho sức khỏe vì chứa ít bột mì, phù hợp việc kiêng giảm tinh bột, và vì chuối luôn bổ dưỡng. “Có người cho rằng nó tốt cho bạn hơn mấy món nướng - có lẽ vì có trái cây chăng? Tôi không biết nữa - bánh cũng có trái cây mà”, giám đốc mảng thí nghiệm nấu ăn Jake Cohen của mạng ẩm thực The FeedFeed bình luận trên tạp chí Vogue của Anh về hiện tượng bánh mì chuối. Bánh mì chuối chiếm vị trí thứ bảy trong danh sách những công thức được Google nhiều nhất toàn cầu với cao điểm tìm kiếm là vào cuối tháng 3, đầu tháng 4-2020, vài tuần sau đợt bùng phát thứ nhất ở Âu Mỹ. Khi đó mọi nhà đã hết các loại bánh mì làm sẵn, mà chuối thì vừa nhiều lại vừa chín quá nhanh.Nhưng được tìm kiếm nhiều hơn hết là sourdough bread, bánh mì ủ bột chua (đứng thứ ba chỉ sau cà phê Dalgona và món bánh ngọt Ekmek của Trung Đông). Việc nhà nhà lục đục tìm cách làm bánh mì chua cho thấy ba khả năng: việc mua bánh mì khó khăn; gia đình đã dùng hết men nở; và gia đình đã không lường được việc bánh mì sẽ khó kiếm để mà trữ men nở. Bánh mì sourdough Nguyên liệu thiếu trước hụt sau thì phải vận dụng cả khoa học vào việc làm bánh mì. Hãy học theo cách đầy sáng tạo (đã được USA Today chứng nhận) của blogger ẩm thực nổi tiếng người Mỹ Stronz Vanderploeg: Trộn bột mì với baking soda rồi nhồi với hỗn hợp sữa trộn giấm. “Baking soda phản ứng với giấm và tạo ra bọt khí cho bánh mì chẳng khác gì men nở hay bột chua” - Vanderploeg giải thích một cách rất... hóa học.Với một quốc gia ăn cơm thường nhật như Việt Nam, thú vị là “cách làm bánh mì” cũng đứng đầu danh sách được tìm kiếm nhiều nhất trong hạng mục “cách làm” năm 2020. Nhưng 6 tháng qua, trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội, nhu cầu tìm kiếm “cách làm giá đậu xanh” đã vượt qua “cách làm bánh mì”. Chợ búa khó khăn, ủ giá vài ngày còn dễ hơn đi mua giá!10 cách làm món ăn được tìm kiếm nhiều nhất trên Google từ Việt Nam năm 20201. Cách làm bánh mì2. Cách làm bánh bông lan bằng nồi cơm điện3. Cách làm cà phê bọt biển4. Cách làm trân châu đen5. Cách làm bánh mì bơ tỏi6. Cách làm bánh cuốn7. Cách làm bánh trôi8. Cách làm trứng ngâm tương9. Cách làm chân gà xốt thái10. Cách làm bánh sữa chuaVét tủ và tưởng tượngKhi chẳng còn đầy đủ nguyên liệu để chế biến theo công thức chuẩn, người ta bắt đầu sáng tạo. Đó là bối cảnh ra đời của pancake cereal gây bão khắp TikTok và Instagram. Bột mì trộn trứng và sữa rồi chiên miếng nhỏ bằng đầu ngón tay, đích thị là bánh rán pancake cỡ mini thôi. Nhưng khi cho đầy vào tô cùng với các topping truyền thống là bơ và sirô rồi xúc ăn, nó làm người ta tự hỏi: “Ủa, mình đang ăn cốm ngũ cốc ư?!”. Rắc thêm cốm màu lên tô pancake cereal là có món bánh “lộng lẫy” cho sinh nhật. Bằng cách đó, tài khoản Brandimilloy khiến hơn 1.000 người phải bấm like cho video clip Birthday Cake Cereal Pancake của cô trên Instagram. Chỉ về pancake cereal, mạng này hiện có hơn 16.000 bài đăng!Để no bụng, món vét tủ sau đây đã được toàn thể nhân loại chế biến trong những ngày ở nhà trường kỳ: cơm chiên. “Mối quan tâm dành cho việc làm cơm chiên, gà chiên, khoai tây chiên và mì bỏ lò lasagna ở nhà đã tăng vọt trên Allrecipes trong năm 2020”, cây bút Mary Claire Lagroue viết trong bài tổng kết ẩm thực đại dịch. Mì bỏ lò hay gà chiên thì dễ rồi, nhưng cơm chiên vẫn còn hơi lạ với phần đông thế giới, nên đủ kiểu cơm chiên đã nhanh chóng được giới thiệu trên các trang hướng dẫn nấu ăn và các chuyên mục ẩm thực của nhiều báo Mỹ, từ San Francisco Chronicle, Boston Herald, đến The Washington Post, và cả BBC bên Anh. Phổ biến nhất là cơm chiên trứng, ngọt ngào nhất có lẽ là cơm chiên thịt hộp với dứa đóng hộp được cây bút Aaron Hutcherson giới thiệu trên The Washington Post.Hiện tượng cơm chiên cũng cho thấy giai đoạn thoái trào của niềm vui bếp núc. Đều đặn lo ngày ba bữa, bên cạnh muôn vàn nhiệm vụ khác từ làm việc, họp online, kèm con học, rồi phải dọn dẹp nhà cửa nhiều hơn do mọi người ở nhà nhiều hơn nên bày bừa nhiều hơn..., những người phụ trách ăn uống cho gia đình dần dần khủng hoảng.Khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường OnePoll với 2.000 người Mỹ ghi nhận đến cuối năm 2020 có 55% nói rằng đã quá mệt với nấu nướng và 69% ao ước làm được bữa tối ngon lành mà ít tốn thời gian. Lười nấu như thế hệ Gen Z và Millennial, theo khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường YPulse ở Mỹ, chỉ muốn làm những món có 5 nguyên liệu trở xuống trong khoảng 30 phút. Quên cà phê Dalgona, giò thịt, hay pancake cereal đi!Không có công thức nhất định cho những món nấu nhanh mà ngon nhưng các trang ẩm thực thường gợi ý một chiêu: Xắt vài thứ nguyên liệu rồi đem xào hay bỏ lò với phô mai, nấu chậm với xốt.Thịnh soạn hơn cho cuối tuần thì xếp rau củ và một thứ protein nào đó lên khay rồi nướng để có thứ gọi là one pan meal (bữa ăn trên một khay). Những gợi ý về one pan meal mà trang ẩm thực Taste của Úc đưa ra khá hấp dẫn: cá hồi nướng cùng broccoli, thịt bò nướng cùng khoai tây và cà chua hay tôm nướng cùng măng tây... Tất cả, theo giới thiệu của Taste, là đều dễ: “Bất cứ ai cũng có thể làm và còn bớt được việc rửa dọn nữa”. Bình thường mới đến rồi, nhưng tôi đã trót quen nấu nướngNgày ngày nấu nướng thì rất mệt, nhưng thế giới dường như cũng quen rồi. Tại châu Á, khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen ghi nhận ở Việt Nam, Malaysia và Hàn Quốc có 62% số người được hỏi chọn tiếp tục nấu ăn ở nhà sau đại dịch thay vì cứ ăn ngoài như trước. Con số này ở Hong Kong là 77% và ở Trung Quốc là 86%.Sau vài thập niên bị sao lãng vì cuộc sống công nghiệp hóa, nề nếp ăn nhà đã trở lại với nhiều gia đình Á Đông. Ở châu Âu, Viện Sáng tạo và công nghệ về thực phẩm EIT Food, một cơ quan của EU, khảo sát 5.000 người ở 10 nước và phát hiện: Sống qua đại dịch, 36% trở nên thích nấu nướng hơn, đặc biệt, ở độ tuổi 18 - 35 tỉ lệ này là 43%.Còn người Anh, sau một năm “muốn ăn phải lăn vào bếp”, có đến 91% trả lời khảo sát là muốn tự nấu ăn tiếp trong 12 tháng tới, theo thăm dò cuối năm 2020 của công ty thực phẩm Premier Foods. Động lực: 58% nói rằng để tiết kiệm tiền, 55% tin rằng ăn ở nhà tốt cho sức khỏe hơn.Ở Mỹ, khảo sát trên 2.000 người của hãng nghiên cứu thị trường Hunter vào năm 2020 ghi nhận 71% nói sẽ tiếp tục tự nấu ăn trong bình thường mới, 67% nhận thấy việc này giúp tiết kiệm tiền và 56% thấy nó giúp ăn uống lành mạnh hơn. Đến tháng 5-2021, công ty marketing Acosta ghi nhận 92% hộ gia đình Mỹ tham gia khảo sát nói rằng sẽ duy trì và tăng thêm việc nấu ăn ở nhà.Một bình thường mới thơm phức đã bắt đầu từ bếp nhà!10 công thức món được tìm kiếm nhiều nhất trên Google toàn cầu năm 20201. Cà phê Dalgona2. Bánh ngọt Ekmek3. Bánh mì bột chua4. Pizza5. Pizza kiểu Lahmacun (Thổ Nhĩ Kỳ)6. Bánh mì bia7. Bánh mì chuối8. Bánh mì Pita9. Bánh mì ngọt10. Bánh mì dẹt Naan Tags: Nấu ăn trong đại dịchBánh mì sourdoughCà phê bọt biểnCách làm giá đỗ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Đề xuất nền tảng bán hàng xuyên biên giới không hiện diện ở Việt Nam cũng bị đánh thuế NGỌC AN 22/11/2024 Với các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng công nghệ số của doanh nghiệp nước ngoài tiến hành cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam sẽ phải chịu thuế dù không có hiện diện.
Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM sẽ thành sàn diễn thời trang HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Hạnh phúc - Happy Forever là chủ đề show diễn thời trang thứ hai trong năm 2024 của nhà thiết kế Vũ Ngọc Tú và Đinh Trường Tùng, sẽ tổ chức ở Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM.
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;