Ông Rimas trò chuyện với nhân viên Trung tâm bảo trợ xã hội TP Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG.
Được ngư dân Quảng Ngãi cứu sống giữa biển Đông rồi mang vào TP Đà Nẵng đầu năm 2018, hiện nay tay chơi thuyền buồm Rimas Meleshyus (67 tuổi, đến từ nước Mỹ) vẫn đang lưu trú tại thành phố này. Vì nhiều lý do, thủ tục pháp lý để quay trở về nơi xuất phát của Rimas gặp nhiều trở ngại.
Trong khi chờ đợi, ông "già gân" này được TP Đà Nẵng "cưu mang" từ nơi ăn chốn ở và nhận được nhiều sự quan tâm của người mê thuyền buồm suốt thời gian qua.
Vị khách đặc biệt
Đầu tháng 2-2018, Rimas được tàu QNg 98785 của ngư dân Quảng Ngãi cứu sống khi đang trôi dạt cùng thuyền buồm trên biển Đông. Rimas trong hành trình vượt đại dương đi vòng quanh thế giới đã đã gặp nạn trên vùng biển Nhật Bản rồi lưu lạc nhiều ngày trước khi được tìm thấy.
Ngay khi được lực lượng Biên phòng Đà Nẵng tiếp nhận, vị khách đặc biệt này được bố trí nơi ăn ngủ và chăm sóc sức khỏe. Sau khi hoàn thành các thủ tục hồ sơ, lực lượng biên phòng đã báo cho Sở Ngoại vụ TP Đà Nẵng để liên hệ với đại diện quốc gia của công dân để có những bước trợ giúp.
Tuy nhiên do giấy tờ tùy thân của ông Rimas không đầy đủ, dựa trên những khai báo chưa xác nhận hết thông tin nên ông Rimas vẫn đang lưu lại tại Đà Nẵng. Từ tháng 4-2018, vì thời gian lưu trú lâu dài nên việc chăm sóc ông Rimas được lực lượng biên phòng chuyển giao cho Trung tâm bảo trợ xã hội TP Đà Nẵng.
Gặp lại Rimas tại đây, ông khoe được bố trí ở căn phòng riêng vừa mới xây cất. Nhờ được ở gần với phòng y tế và có người bầu bạn nói chuyện bằng tiếng Anh nên sức khỏe và tâm trạng ông dần khá lên. Cách sinh hoạt của ông Rimas cũng dị biệt như sở thích phiêu lưu thuyền buồm solo của ông.
Nhiều tháng qua, Rimas chỉ yêu cầu ăn duy nhất món bánh mỳ trứng ốp la và tuyệt nhiên không bao giờ dùng đường. Ngoài ra, Rimas cũng yêu cầu loại nước uống đóng chai thương hiệu quốc tế mà khi ở Mỹ ông sử dụng. Dù vậy, Rimas lại cực kỳ thích cà phê Việt và uống một ngày ba lần.
"Tôi rất nhớ biển nên ở đây mọi người hay mở cho tôi xem những clip về biển và gợi ý tôi kể chuyện đại dương để tôi bớt buồn. Một số người yêu thích môn thuyền buồm cũng tới trò chuyện với tôi, điều này khiến tôi cảm giác không xa cách sở thích của mình" - Rimas hồ hởi.
Rimas cũng khoe vừa được mọi người sắm cho "bộ cánh" mới để vào TP.HCM làm các thủ tục pháp lý. Ông mong mỏi được sớm "trở về nơi bắt đầu" để tiếp tục những chuyến phiêu lưu khám phá thế giới.
"Chế độ Rimas gấp đôi người Việt"
Theo bà Hệ Thị Thanh Hương, giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội TP Đà Nẵng, Rimas là trường hợp người nước ngoài đặc biệt nhất từ trước đến nay mà trung tâm này tiếp nhận. Theo bà Hương, ở đây từng tiếp nhận một số vị khách nước ngoài đến lưu trú để chờ chính quyền của công dân tới tiếp nhận. Tuy nhiên chưa có ai lưu trú lâu dài và đòi hỏi chế độ ăn uống, sinh hoạt mang phong cách đặc biệt như Rimas.
Theo bà Hương, ông Rimas được chăm sóc với chế độ đặc biệt gấp đôi của người Việt tại đây. "TP có chỉ đạo phải tạo mọi điều kiện để giúp đỡ ông Rimas cảm thấy thoải mái như đang ở nhà. Đây là trường hợp cứu nạn nhân đạo nên chúng tôi đã thực hiện dành chế ăn uống sinh hoạt với số tiền gấp đôi người trong nước và chế độ ăn uống theo sở thích của ông" - bà Hương cho biết.
Một đại diện Sở Ngoại vụ TP Đà Nẵng cho biết việc giải quyết cho ông Rimas trở lại Mỹ đang được tiến hành nhưng phải chờ phía cơ quan nước này trả lời. Lý do là vì ông Rimas chuyển từ Liên Xô (cũ) qua Mỹ từ cách đây hơn 30 năm.
Khi qua Mỹ, dù sinh sống trong lãnh thổ nước này nhưng ông Rimas cũng chưa được cấp quyền công dân Mỹ. Một số loại giấy tờ tùy thân của ông này cũng đã hết hiệu lực từ rất lâu trên đất Mỹ.
Vừa qua đơn vị này có phối hợp đưa ông Rimas tới Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM để xác nhận lại khai báo và dấu vân tay. Lãnh sự quán Mỹ đang liên hệ với đơn vị phụ trách lưu trú trong nước để thực hiện các thủ tục tiếp theo.
"Rimas là trường hợp đặc biệt vì được cứu nạn nhân đạo đưa vào trong nước trong tình trạng giấy tờ không đầy đủ. Đại diện quốc gia ông khai báo cũng mất nhiều thì giờ để xác minh vì dường như ông Rimas không có nhiều giấy tờ chứng minh" - vị này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận