Tay chơi vừa ra mắt bạn đọc Việt Nam - Ảnh: L. ĐIỀN
“Kẻ chơi - người về lạ trên phố quen... Thành phố vĩnh viễn được nhờ đôi ba kẻ như thế, biết ảm đạm mãnh liệt cùng với nó... Nhưng, ngay cả là không định, chữ buộc người ta phải thống thiết, bùi ngùi, thì sự thật ấy đã thành sự thật của nghệ thuật”
Lê Minh Hà
Những câu chuyện trong sách được viết theo lối tản văn, có nhiều nhân vật xưng tôi nhưng tác giả xuyên suốt là người đàn ông tên Việt.
Việt là một thanh niên Hà Nội gốc có khả năng ghi chép mọi chuyện của nhiều người, kể cả xâu chuỗi tư liệu từ sách vở... chỉ với một tiêu chí là chuyện hay, và không hề đem mình đặt vào vị trí trung tâm.
Chuyện không hẳn thành chuyện, có khi chỉ là một nhát xắn ra từ đời sống của nhóm bạn thân: Những anh chàng thanh niên Hà Nội mê nghệ thuật từ thời đất nước còn chiến tranh: học hành bài bản, làm việc trong đoàn văn nghệ hoặc vẽ tranh, chơi nhạc.
Nhưng có lẽ ít ai gói được cái không gian ngột ngạt của một thời Hà Nội bấy giờ vào trang sách khéo léo như Mai Lâm. Nhân vật chính cùng nhóm bạn sống một thời vật vờ với phố phường Hà Nội, trước mắt không đường đi, lý tưởng cao xa vừa chớm bay lên đã bị thực tại không giống ai trì níu lại.
Vậy mà có những chuyện cực hay, có sức níu tay người giở ra đọc lại lần nữa. Như chuyện hai thanh niên vừa khi đất nước thống nhất đã nhảy tàu tự làm một chuyến đi vào Nam "cho biết", để rồi bị chính quyền mới bắt giam khi vừa đến Quy Nhơn.
Đó chỉ là khởi đầu cho những câu chuyện nằm cùng một xu thế: những mảng đời bung ra từ cái nôi là Hà Nội.
Trong vai một người chỉ quan tâm đến chuyện chơi, Mai Lâm trong tập sách này dành nhiều trang viết chất lượng cho các thú vui: chơi đồ cổ, chơi tranh, chơi dàn âm thanh, uống trà, hút xì gà, nếm rượu, cờ bạc...
Dường như trong lĩnh vực nào tác giả cũng có một người bạn, một nhân vật gắn bó ở cự ly gần để anh chỉ cần ghi chép những điều mắt thấy tai nghe của họ cũng trở thành chuyện độc đáo.
Cùng với những trang viết của Mai Lâm, người ta nhận ra những tính nết của người Hà Nội khi lập thân lập nghiệp ở xứ người.
Chính cái "chất Hà Nội" khi sang đến châu Âu cũng biến đổi thành thiên hình vạn trạng. Thế giới người Việt với dây dẫn đậm chất Hà Nội ấy được Mai Lâm trình hiện thật sống động mà thâm thúy.
Đơn cử như nhân vật "Tiến thông minh", trải qua nhiều đoạn đời đen trắng sấp ngửa, đến thời COVID thì bắt tay may khẩu trang lại "vớ bẩm" nhờ tài tháo vát và sành sỏi đến độ lọt được vào top 500 nhà bán khẩu trang trên eBay...
Nhưng cái câu chiêm nghiệm của Tiến mới là đáng nhớ: "Người có 100 tỉ không thể sướng gấp 100 lần người có 1 tỉ. Nhưng thời gian và cuộc sống tinh thần của mỗi người là bằng nhau. Đem cái hữu hạn ấy đầu tư vào cái vật chất vô hạn mà mình đã đủ rồi thì thật vô lý, vậy mà ai ai cũng thế".
Và có một hình ảnh trong sách chắc chắn khiến nhiều người không thể quên ngay, đó là người bạn Phúc què, vốn được tác giả cõng đi chơi, cõng lên gác từ thời còn ở Hà Nội. Hơn ba mươi năm sau từ châu Âu về thăm dịp tết, người bạn què vẫn ở chỗ cũ, dưới nhà cho thuê thì người thuê nghỉ tết khóa cửa.
Bạn xưa đến thăm không vào được, chủ nhà không mở cửa được dù nhà đang là nhà mình. Thế rồi "hai chúng tôi thằng trên gác, thằng dưới hè đường nâng chai tiễn đưa năm cũ và chúc mừng năm mới. Cũng may, chiều ba mươi tết đường vắng tanh nên không ai bắt gặp cảnh tượng kha khá giống như trong một bộ phim...".
Không chỉ một mà còn rất nhiều "cảnh phim" như vậy trong tập sách Tay chơi của Mai Lâm, nhiều khi nghĩ nếu các nhà dân tộc học đọc kỹ quyển này, biết đâu từ đó lại nảy ra lắm vấn đề để nghiên cứu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận