Các kỹ sư của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông KT của Hàn Quốc đang kiểm tra một trạm ăngten phát sóng thuộc hệ thống mạng 5G tại Seoul, Hàn Quốc - Ảnh: AFP
Đây không phải là Mỹ đối đầu Trung Quốc. Đây là cả thế giới đối đầu với Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu tại diễn đàn Brussels của Quỹ German Marshall trực tuyến hôm 25-6.
Giữa tuần vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố đã có thêm nhiều nước loại Huawei khỏi công cuộc phát triển hạ tầng mạng di động thế hệ thứ 5 (tức 5G), một xu hướng mà ông Pompeo mô tả như "sự bừng tỉnh xuyên Đại Tây Dương trước sự thật về những gì đang xảy ra" với các vấn đề của Trung Quốc, trong đó có Huawei.
Singapore "bỏ rơi" Huawei
Trước đó một ngày, các công ty viễn thông Singapore tuyên bố chọn hai đối thủ của Huawei là Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan để xây dựng hạ tầng mạng 5G của họ. Singtel, một trong các nhà mạng viễn thông chính của đảo quốc sư tử, thông báo chọn Ericsson phát triển mạng 5G sau khi có quyết định phê chuẩn cuối cùng của chính phủ. Trong khi đó, hai nhà mạng lớn khác của Singapore là M1 và StarHub chọn Nokia.
Như vậy, tại Singapore, Huawei còn giữ lại một "miếng bánh" thị phần rất nhỏ khi chỉ giành được hợp đồng cung cấp thiết bị cho nhà mạng TPG Telecom có vị thế nhỏ hơn rất nhiều.
Ngoại trưởng Mỹ từng liệt kê danh sách các nước như Thụy Điển, Đan Mạch, CH Czech, Ba Lan, Estonia, Romania, Latvia và Hi Lạp như những ví dụ điển hình về những nước chỉ cho phép "các nhà cung cấp thiết bị tin cậy" tham gia phát triển mạng 5G.
Ông Pompeo cũng ca ngợi "các hãng viễn thông sạch" như Nippon Telegraph & Telephone (NTT) của Nhật Bản, SK Telecom và KT của Hàn Quốc, Reliance Jio của Ấn Độ và Telstra của Úc vì đã không dùng thiết bị Huawei trong hệ thống mạng 5G.
Ở một diễn biến khác liên quan, theo Hãng tin AP, một quan chức Mỹ ngày 25-6 tiết lộ Washington thậm chí còn sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho các nước châu Âu và những đồng minh khác mua thiết bị viễn thông 5G từ các nhà cung cấp phương Tây thay thế cho Huawei.
Không phải vô cớ ngoại trưởng Mỹ nói đã có một xu thế đảo chiều trong cách đối xử của chính quyền nhiều nước với hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc. Ngay cựu thủ tướng Anh Tony Blair mới đây cũng đã lên tiếng kêu gọi chính phủ đương nhiệm ủng hộ lập trường của Mỹ trong cuộc chiến tẩy chay Huawei vì những vấn đề liên quan tới bảo mật.
Thủ tướng Anh Boris Johnson trước đây từng cho phép Huawei giữ một vai trò đáng kể trong công cuộc phát triển mạng 5G, song cũng đối mặt với sức ép từ chính đảng của ông trong việc phải thẩm định lại quyết định đó.
Những tiếng nói phản đối Huawei phần nào đã mạnh mẽ hơn kể từ sau đại dịch COVID-19 khi nhiều nước đồng thuận quan điểm cho rằng Bắc Kinh đã có những phản ứng sai lầm ban đầu và che giấu dịch bệnh.
Không dễ loại bỏ
Việc loại bỏ Huawei không phải không gây ra những thách thức lớn cho các nước đang trong quá trình phát triển mạng 5G. Thực tế, nếu không có Huawei, tại châu Âu hiện chỉ còn hai lựa chọn thay thế khác về nhà cung cấp thiết bị 5G là Nokia của Phần Lan và Ericsson của Thụy Điển.
Anh đã vận động Washington thành lập câu lạc bộ 10 nước dân chủ để cùng phát triển riêng cho nhóm một công nghệ 5G, nhưng tới nay sáng kiến đó vẫn chưa đạt nhiều tiến triển.
"Phần lớn các hệ thống mạng thương mại đã bán trên thế giới đều do ba ông lớn cung cấp" - chuyên gia Sylvain Chevallier chịu trách nhiệm mảng viễn thông thuộc Công ty tư vấn BearingPoint (Hà Lan) nêu nhận định với Hãng tin AFP, nhắc tới "ba ông lớn" ở đây gồm Huawei, Nokia và Ericsson.
"Một thế giới gồm ba đơn vị cung cấp hiện đã là không tốt cho các nhà mạng, và nếu rút xuống còn hai thì sẽ còn tệ hơn nữa" - ông Sylvain Chevallier nói.
Sức ép với Huawei ở góc độ khác là cơ hội với các công ty như Samsung và NEC. Song việc xây dựng một mạng 5G thành công không phải nhiệm vụ đơn giản.
Theo Hãng tin AFP, đây là bài học đã trải qua với Samsung khi dù là một công ty thành công với công nghệ 3G, song Samsung đã không thể cạnh tranh với "ba ông lớn" đã kể phía trên về công nghệ 4G và đã rất trầy trật để giành được những hợp đồng thương mại.
Tới nay, riêng về phát triển mạng 5G, Samsung mới đang tập trung tại các thị trường Bắc Mỹ và nhiều khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương.
Theo báo cáo công bố cuối năm ngoái về xu hướng di động của Hãng Ericsson, tính tới cuối năm 2025, ước tính toàn cầu có khoảng 65% dân số thế giới tiếp cận công nghệ 5G và có khoảng 2,6 triệu thuê bao 5G toàn cầu.
18 tháng
Khoảng 18 tháng trước, Chính phủ Mỹ phát động chiến dịch toàn cầu chống lại hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc liên quan tới các cáo buộc đánh cắp bí mật công nghệ và hậu thuẫn chiến lược do thám của Bắc Kinh.
Trong một số trường hợp, Washington còn đe dọa sẽ dừng chia sẻ thông tin tình báo với các nước sử dụng thiết bị Huawei.
Năm ngoái Washington về cơ bản đã cấm Huawei tại thị trường Mỹ, mặc dù đầu tháng 6 này đã cho phép Huawei tham gia trở lại vào quá trình thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho mạng 5G.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận