13/07/2024 09:00 GMT+7

Tây Ban Nha - thế lực số 1 của bóng đá châu Âu

Lần gần nhất Tây Ban Nha vào đến chung kết một giải đấu lớn là ở Euro 2012. 12 năm qua, thành tích bết bát của tuyển quốc gia đôi lúc khiến người hâm mộ quên mất sức mạnh thực sự của nền bóng đá vùng Địa Trung Hải.

Tây Ban Nha luôn nằm trong nhóm những nền bóng đá hùng mạnh nhất, cuồng nhiệt nhất thế giới - Ảnh: REUTERS

Tây Ban Nha luôn nằm trong nhóm những nền bóng đá hùng mạnh nhất, cuồng nhiệt nhất thế giới - Ảnh: REUTERS

Có rất nhiều tiêu chí để chỉ ra rằng Tây Ban Nha là nền bóng đá hùng mạnh nhất châu Âu.

Nền bóng đá hùng mạnh nhất châu Âu

Ở Champions League, các CLB Tây Ban Nha dẫn đầu về số danh hiệu - 20, trong đó Real Madrid bỏ xa các đội bóng còn lại với 15 chức vô địch.

Ở Europa League, Tây Ban Nha vẫn dẫn đầu với 14 danh hiệu. Đội bóng được xếp vào nhóm "hạng hai" của La Liga - Sevilla thống trị giải đấu với 7 chức vô địch.

Và không chỉ có vậy. Đầu những năm thập niên 2000, Real Madrid bắt đầu lôi cuốn những siêu sao hàng đầu thế giới, kéo theo một làn sóng "Quả bóng vàng". Trong 2 thập niên tiếp theo, La Liga mặc định trở thành giải đấu mà những cầu thủ xuất sắc nhất muốn chơi bóng.

Từ Zidane, Ronaldo "béo", Owen cho đến thế hệ tiếp theo như Cristiano Ronaldo, Bale, Benzema, Ibrahimovic, Lewandowski, và thế hệ hiện tại gồm Bellingham, Mbappe… Những ứng viên thực thụ của Quả bóng vàng FIFA đều chọn La Liga.

Bóng đá Tây Ban Nha không bao giờ thiếu những tiền vệ giàu kỹ thuật như Pedri - Ảnh: REUTERS

Bóng đá Tây Ban Nha không bao giờ thiếu những tiền vệ giàu kỹ thuật như Pedri - Ảnh: REUTERS

Khoảng cuối thập niên 2000, Barca tạo thêm một tiêu chuẩn hoàn hảo cho La Liga. Đó là khả năng đào tạo cầu thủ. La Masia trở thành thước đo kiểu mẫu cho mọi lò đào tạo bóng đá trẻ.

Và thật ra, Castilla của Real Madrid cũng chẳng kém cạnh là bao. Theo thống kê vào năm 2023 của Trung tâm Nghiên cứu bóng đá toàn cầu (CIES), Tây Ban Nha sở hữu 2 trong 5 lò đào tạo tốt nhất làng bóng đá.

Có nhiều tiêu chí được xét đến, trong đó số lượng cầu thủ bóng đá thi đấu ở các giải đỉnh cao là một tiêu chí quan trọng. Barca xếp hạng 3 với 102 người, còn Real Madrid có 97 người, xếp hạng 5. Cả Anh, Đức, Ý hay Pháp đều không có đội bóng nào nằm trong top 5.

Với 2 nguồn cung chất lượng đến thế, "bò tót" hiển nhiên chẳng bao giờ thiếu cầu thủ giỏi. Ở Euro 2012, Tây Ban Nha lên ngôi với 7 cầu thủ Barca, 5 cầu thủ Real Madrid trong đội hình.

Barca năm đó chiếm ưu thế về đội ngũ cầu thủ. Nhưng HLV của họ lại là ông Del Bosque, người đã dành 40 năm cuộc đời gắn bó với Real Madrid, từ khi còn là cầu thủ trẻ, cầu thủ chuyên nghiệp cho đến HLV đội trẻ và đội chính.

Thoái trào và chia rẽ

Nhìn chung, giai đoạn thành công rực rỡ 2008-2014 của Tây Ban Nha cũng là giai đoạn mà Barca - Real Madrid cân bằng nhất.

Đến World Cup 2014, Tây Ban Nha thoái trào như một lẽ tất yếu sau giai đoạn 5 năm đỉnh cao. Đó là thời điểm mà những cầu thủ giỏi nhất của họ bước vào sườn dốc của sự nghiệp, như Fernando Torres, Xabi Alonso, Xavi, Iniesta, Casillas…

Với một nền bóng đá hùng mạnh như Tây Ban Nha, họ tất nhiên không mất nhiều thời gian để vực dậy. Real Madrid đã vô địch Champions League một mạch từ 2016 đến 2018, và vẫn cung cấp hàng loạt siêu sao cho tuyển quốc gia. Barca càng không phải nói.

Nhưng Luis Enrique, HLV trưởng trong giai đoạn 2018-2022 lại phá vỡ tính cân bằng của đội bóng. Dù từng khoác áo cả 2 CLB hùng mạnh nhất Tây Ban Nha, Enrique từng tuyên bố "không cảm thấy hạnh phúc khi chơi cho Real Madrid", và hoàn toàn ngả theo Barca về mặt tình cảm.

Tại Euro 2020 (diễn ra vào năm 2021), ông tạo nên tiền lệ gây sốc - không gọi bất kỳ cầu thủ nào của Real Madrid lên tuyển. Dù năm đó, Real Madrid vẫn còn có Sergio Ramos, Nacho, Carvajal, Isco, Asensio trong đội hình.

HLV Enrique phải ra đi sau một kỳ World Cup thảm họa - Ảnh: REUTERS

HLV Enrique phải ra đi sau một kỳ World Cup thảm họa - Ảnh: REUTERS

Đến World Cup 2022, ông Enrique chấp nhận gọi 2 cầu thủ Real Madrid. Nhưng cũng năm đó, ông ưu ái Barca đến mức triệu tập 8 cầu thủ của họ, trong đó có những người bị nghi ngờ về năng lực như Eric Garcia, Balde…

Kết quả là Tây Ban Nha bị loại ngay từ vòng 16 đội. Một kết quả mà chính những người hâm mộ của họ cũng hả hê.

Ernesto Sanchez, một nhà báo người Tây Ban Nha là fan của Barca, thừa nhận: "Tôi biết rằng có nhiều người Tây Ban Nha mong đội nhà thua trận. Ông Enrique là một HLV xuất sắc nhưng lại tạo ra quá nhiều tranh cãi. Ông ấy cũng có xu hướng đối đầu với truyền thông".

Dấu ấn De La Fuente

Sau World Cup 2022, HLV Enrique chấp nhận từ chức. Và Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha đưa ra một lựa trọn trung hòa, mang tên De La Fuente.

Chiến lược gia 63 tuổi này đến từ La Rioja, một tỉnh nằm phía Bắc Tây Ban Nha, và ít có mối liên hệ với cả Barca lẫn Madrid. Hầu hết sự nghiệp của ông gắn bó với 2 đội bóng Athletic Bilbao và Sevilla.

Ông De La Fuente gắn bó với bóng đá trẻ Tây Ban Nha một thời gian dài - Ảnh: REUTERS

Ông De La Fuente gắn bó với bóng đá trẻ Tây Ban Nha một thời gian dài - Ảnh: REUTERS

Quan trọng hơn, ông De La Fuente dẫn dắt các tuyển trẻ Tây Ban Nha từ năm 2013 đến 2021, mang về hàng loạt danh hiệu lớn cấp độ trẻ như vô địch U19 châu Âu 2015, vô địch U21 châu Âu 2019, và HCB Olympic 2020.

Hàng loạt tuyển thủ Tây Ban Nha hiện tại từng làm việc với ông De La Fuente ở các đội trẻ quốc gia, từ Rodri, Unai Simon cho đến Merino, Ruiz, Olmo, Oyarzabal…

Và đúng như kỳ vọng của người hâm mộ, dưới thời ông De La Fuente, trạng thái cân bằng được thiết lập. Tại Euro 2024, chiến lược gia 63 tuổi gọi lên tuyển 4 cầu thủ Barca, 3 Real Madrid. Đáng ngạc nhiên nhất, CLB chiếm ưu thế nhất ở tuyển lại là Real Sociedad với 5 người.

Nhóm cầu thủ Real Madrid chiếm vai trò nòng cốt về mặt kinh nghiệm. Cả Nacho, Carvajal và Joselu đều đã ngoài 30. Thậm chí có thể tính cả Alvaro Morata, một người cũng trưởng thành từ Castilla và hiện đang mang băng đội trưởng tuyển quốc gia.

Olmo (phải) tỏa sáng dù thường vào sân từ băng ghế dự bị - Ảnh: REUTERS

Olmo (phải) tỏa sáng dù thường vào sân từ băng ghế dự bị - Ảnh: REUTERS

Trái lại, Barca mang lại nguồn cảm hứng của mặt trận tấn công, cũng là nét đột phá từ sức trẻ. Lamine Yamal, Pedri hay Ferran Torres đều còn trẻ. Chưa kể Dani Olmo và Cucurella cũng xuất thân từ lò La Masia. Những cầu thủ của La Masia góp dấu giày trong quá nửa số bàn thắng của Tây Ban Nha tại Euro 2024.

Và khi người Tây Ban Nha đoàn kết lại với nhau, họ một lần nữa chứng tỏ sức mạnh áp đảo.

Yamal là biểu tượng

Dấu ấn tỏa sáng của Yamal và Nico Williams mang ý nghĩa của cả một nền bóng đá. Họ là biểu tượng cho tính kế thừa liên tục của bóng đá xứ bò tót.

Trước Euro 2024, người hâm mộ thực sự hoài nghi về tài năng của Yamal. Anh là sản phẩm của sự thổi phồng, hay một tài năng nữa rồi lại thui chột (như Ansu Fati) vì bị ép chín ở Barca?

De La Fuente đã chọn cách mà Xavi làm, cứ đơn giản trao suất đá chính cho Yamal, rồi chiêm ngưỡng anh tỏa sáng.

Yamal (giữa) vẫn chưa bị bắt bài tại Euro 2024 - Ảnh: REUTERS

Yamal (giữa) vẫn chưa bị bắt bài tại Euro 2024 - Ảnh: REUTERS

Tây Ban Nha hiển nhiên không thiếu tài năng đến mức phải ép chín một chú nhóc 16 tuổi. Tại Euro 2024, họ đang là đội bóng ghi bàn nhiều nhất, và cũng sở hữu nhiều bàn thắng nhất từ băng ghế dự bị.

5/13 bàn thắng của Tây Ban Nha được ghi bởi Olmo, Merino và Ferran Torres - đều là những cầu thủ không có suất đá chính khi bước vào Euro. Trường hợp của Olmo là rõ ràng nhất, anh được cho đá chính khi Pedri chấn thương, để rồi tỏa sáng còn rực rỡ hơn.

Yamal giống như một liều thuốc kích thích với Tây Ban Nha, nền bóng đá hùng mạnh nhất thế giới, nhưng đã ngủ say hơn một thập niên qua ở các kỳ World Cup và Euro.

Carvajal (trái) thân thiết với Yamal dù ở hai bên chiến tuyến trong màu áo CLB - Ảnh: REUTERS

Carvajal (trái) thân thiết với Yamal dù ở hai bên chiến tuyến trong màu áo CLB - Ảnh: REUTERS

Sự xuất hiện của Yamal thổi bùng lên chất flamenco mà người Tây Ban Nha đánh mất những năm qua. Xuyên suốt nhiều giải đấu, nói đến Tây Ban Nha là người hâm mộ lại liên tưởng đến thứ bóng đá cầm bóng nhiều, nhưng chỉ biết chuyền qua chuyền lại, tẻ nhạt, thiếu tính đột phá.

Với Yamal và Nico Williams, những chàng trai trong tuổi đôi mươi, Tây Ban Nha trong tay De La Fuente chơi thứ bóng đá trực diện hơn, đột phá hơn. Họ có thể thoải mái rê bóng mà không sợ phản công, có thể tung những cú sút xa mà không sợ mất bóng…

Sau án treo giò 1 trận, Carvajal sẽ trở lại đá chính ở trận chung kết. Cùng với Yamal, anh hứa hẹn sẽ làm khổ hành lang cánh trái của tuyển Anh, và biến cánh phải của Tây Ban Nha trở nên mê hoặc trong vũ điệu flamenco. Nơi đó có kinh nghiệm lão luyện của Real Madrid, và cả tuổi trẻ bùng nổ của Barca.

Trận chung kết Euro 2024 giữa Tây Ban Nha và tuyển Anh sẽ diễn ra lúc 2h ngày 15-7 theo giờ Việt Nam.

Chuyên gia Phan Anh Tú: Tây Ban Nha không cho Pháp chơi bóngChuyên gia Phan Anh Tú: Tây Ban Nha không cho Pháp chơi bóng

Tây Ban Nha dũng cảm thay đổi chiến thuật ở bán kết trước tuyển Pháp. Cho dù bị dẫn trước, thầy trò ông Luis de la Fuente nhanh chóng lội ngược dòng để thắng 2-1.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên