Đại sứ quán Triều Tiên tại Tây Ban Nha - Ảnh: REUTERS
Cheollima, một tổ chức chống chính quyền Triều Tiên, ngày 27-3 đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ đột nhập ngày 22-2 sau nhiều tuần im lặng.
Tuy nhiên, khác với cáo trạng của Tòa tối cao Tây Ban Nha, nhóm này khẳng định không có ai trong sứ quán bị bịt miệng hay đánh đập, nhấn mạnh chẳng có chính phủ nào đứng sau hành động này. Cheollima cũng không thừa nhận bất kỳ cái tên nào được nêu ra trong bản cáo trạng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino khẳng định chính phủ Mỹ không tham gia vào vụ đột nhập sau khi các tài liệu của Tòa án Tối cao Tây Ban Nha nói có liên quan đến ít nhất một công dân Mỹ, Mexico và nhiều công dân Hàn Quốc.
"Chính phủ Mỹ không việc gì phải làm thế" - ông Palladino tuyên bố, nhấn mạnh rằng Mỹ luôn kêu gọi bảo vệ tất cả các đại sứ quán của nước ngoài. Bộ ngoại giao Hàn Quốc và Mexico không đưa ra bình luận ngay lập tức.
Cáo trạng ngày 26-3 của Tòa tối cao Tây Ban Nha là công bố chi tiết chính thức đầu tiên của nước này sau vụ đột nhập bí ẩn vào đại hồi tháng trước.
Nó đã mô tả chi tiết về Cheollima cũng như chuyện các nghi phạm ở khách sạn nào, mua dao, mặt nạ và súng giả ra sao.
Dựa trên tài liệu điều tra, tòa Tây Ban Nha khẳng định cầm đầu nhóm đột nhập là Adrian Hong Chang - một công dân Mexico nhưng cũng giữ "thẻ xanh" ở Mỹ. Một công dân Mỹ khác tên Sam Ryu cũng được nêu trong cáo trạng bên cạnh nhiều cái tên được cho là công dân Hàn Quốc.
Cả nhóm đã đột nhập vào đại sứ quán Triều Tiên, khống chế các nhân viên rồi lấy đi nhiều máy tính, ổ đĩa cứng và USB. Ba trong số những tên này đã đưa một tham tán thương mại của sứ quán xuống tầng hầm và thuyết phục ông này đào tẩu nhưng bị từ chối.
Năm ngày sau vụ đột nhập, Hong Chang đã liên lạc với Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) tại New York và ngỏ ý muốn cung cấp các thông tin có được từ sứ quán Triều Tiên. Cơ quan này vừa từ chối bình luận với lý do không bao giờ lên tiếng về các cuộc điều tra đang được tiến hành.
Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin tư pháp cho biết các thẩm phán Tây Ban Nha tin rằng tất cả nghi phạm đều đã chạy trốn tới Mỹ. Madrid sẽ chính thức phát yêu cầu dẫn độ những người này về Tây Ban Nha, nơi họ có thể đối mặt ít nhất 28 năm tù.
Lee Yoon Sung - một giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Tufts của Mỹ, nói ông thấy sốc khi tòa Tây Ban Nha công bố tên các nghi phạm, bởi điều này có thể khiến họ gặp nguy hiểm trước chính quyền Bình Nhưỡng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận