01/01/2022 08:30 GMT+7

Tay áo sờn chỉ và chiếc máy tính bảng nuôi ước mơ

THIÊN TƯỜNG
THIÊN TƯỜNG

Nguyễn Hồng Phong, học sinh trường THCS Đà Nẵng, TP Hải Phòng luôn trong nhóm 'trốn học' nhiều nhất trong lớp 7C9. Nhưng Phong lại là một trong những em có thành tích học tập tốt nhất...

Tay áo sờn chỉ và chiếc máy tính bảng nuôi ước mơ - Ảnh 1.

Phong (trái) cùng bạn Đại tại Lễ trao máy tính bảng của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội.

5h sáng, Phong thức giấc mà không cần ai gọi. Cậu bé lớp 7, trường THCS Đà Nẵng, TP Hải Phòng dậy sớm hơn thường ngày.

Chuyện là hôm nay Phong sẽ cùng các bạn đi nhận một phần quà đặc biệt.

Trong tâm trạng háo hức, Phong diện chiếc sơ mi đồng phục đẹp nhất - vì là duy nhất của mình. Chiếc áo đã xơ hết chỉ ở cổ tay, lấm lem mực trên ngực và ngả sang gam màu mới. Suốt 3 năm trước, đây là áo của Thụ - anh trai Phong.

Năm nay Thụ chuyển cấp, cũng là chuyển trường, nên cậu em được thừa hưởng chiếc áo từ  anh.

Nhưng Phong chẳng bận tâm. Hôm nay cậu sẽ được đại diện các bạn phát biểu tại Lễ trao 2.819 chiếc máy tính bảng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội tổ chức tại TP Hải Phòng.

Giáo viên đặc biệt của Phong

"Không chỉ giúp em tiếp thu kiến thức, chiếc máy tính bảng còn là sự động viên với em. Em hứa sẽ dùng thật tốt chiếc máy tính này", Phong phát biểu nhỏ nhẹ, như thể tâm sự, trước sự lắng nghe của hơn 100 người trong hội trường.

Tối hôm trước, cậu được cô Thủy, giáo viên trường THCS Đà Nẵng, dặn chuẩn bị bài phát biểu cho buổi lễ vì trong nhóm học sinh được tặng máy tính bảng, Phong là đại diện "tiêu biểu" nhất: học giỏi gần nhất, và cũng là một trong những hoàn cảnh đặc biệt nhất.

Luôn thuộc nhóm học sinh có thành tích tốt nhất lớp 7C9 nhưng phần lớn kiến thức Phong tiếp thu được trong hơn 1 năm qua là do… các bạn giảng lại. COVID-19 bùng phát khiến học sinh thành phố Hải Phòng học trực tuyến (online) gần một năm nay. Gia đình không đủ thiết bị học, Phong bất đắc dĩ "trốn học".

Nhà Phong 4 người, gồm hai anh em Phong - Thụ, cha Phong cùng bà nội. Mẹ Phong đã mất từ lâu, bố cậu chỉ có một chiếc điện thoại cảm ứng Nokia "cổ lô sĩ". Chiếc điện thoại còn lại trong nhà của người chú đã đi xuất khẩu lao động để lại cho 2 anh em. Nói là cho 2 anh em nhưng gần 1 năm qua, anh Thụ là người dùng chính vì sắp thi chuyển cấp.

Chiếc máy còn lại của bố hiếm khi nào Phong được dùng. Bố cậu là thợ cơ khí tự do, trước thường không ở nhà. Một tuần bố đi làm 4 ngày, ở nhà 3 ngày thì Phong có máy để học trực tuyến 3 ngày. Hôm nào không học được, Phong phụ bà đi nhặt ve chai, bìa carton. Đến tối khi bố về, Phong mới có máy để gọi cho "giáo viên" là bạn cậu, nhờ "giảng" lại bài ngày hôm đó.

Gần 2 tháng nay, cậu không bỏ lỡ buổi học nào. Nguyên nhân là bệnh xơ gan của bố trở nặng, khiến anh không thể đi làm. Cậu học sinh lớp 7 dành nhiều thời gian hơn cho việc học, nhưng cũng đành để bà trở thành lao động duy nhất trong nhà. Giờ đây, mọi sinh hoạt của gia đình phụ thuộc vào những tấm bìa carton bà nhặt được.

Tay áo sờn chỉ và chiếc máy tính bảng nuôi ước mơ - Ảnh 2.

Sóng và máy tính cho em...

Đến lễ trao máy tính bảng, Phong đi cùng cậu bạn thân tên Đại. Đại học giỏi nhưng thể trạng yếu, lại mắc bệnh suy dinh dưỡng. Vóc dáng của Đại như đối lập với tên cậu. Trong 10 em học sinh đại diện đi nhận máy tính bảng, Đại nổi bật không chỉ vì vóc dáng nhỏ bé mà còn là người duy nhất đi dép quai hậu, giữa tiết trời mùa đông của tháng 12.

Cũng như Phong, Đại có hoàn cảnh đặc biệt. Cha mẹ Đại đều mất việc do COVID-19, trong khi cả gia đình đang gánh khoản nợ đền bù tai nạn mà không có khả năng trả. Đại hiểu được sự khó khăn của gia đình, nên luôn tự nhủ phải nỗ lực học thật giỏi.

Mong muốn là một chuyện, Đại cũng phải gia nhập nhóm "thất học" với Phong. Mẹ đại mất việc, phải ở nhà nên cậu dùng được máy của mẹ, nhưng chiếc điện thoại ấy đôi khi khiến cậu có mặt trong lớp mà cũng như không.

"Khi chia sẻ màn hình trên Zoom, chữ cái hiện thị trên điện thoại của các em rất nhỏ, khiến các em cứ phải căng mắt ra nhìn. Máy cũng không tốt, lúc em nghe được lúc lại không. Nhiều khi em cũng không nghe thấy cô nói, hoặc mic hỏng, em nói cô cũng không nghe được", cô Thủy, giáo viên của Phong, Đại kể.

Phong hay Đại không phải những trường hợp duy nhất tại Hải Phòng. Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh, hiện nay trên địa bàn Thành phố Hải Phòng có 13.615 học sinh, sinh viên trên tổng số hơn 445.000 học sinh, sinh viên toàn thành phố chưa đủ điều kiện để tham gia học trực tuyến. Trong đó, có 12.180 học sinh, sinh viên không có thiết bị học trực tuyến; 1.435 học sinh, sinh viên chưa có kết nối internet.

Trong số học sinh, sinh viên không có thiết bị học trực tuyến, có 501 học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo; 2.601 học sinh, sinh viên thuộc diện hộ cận nghèo; 7.988 học sinh, sinh viên là con mồ côi, con thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng và các hoàn cảnh khó khăn khác....

Một chiếc máy tính bảng có thể học trực tuyến được, trên thị trường có giá tối thiểu 2-3 triệu đồng - vượt quá khả năng chi trả của các hộ nghèo/cận nghèo.

Nhưng từ nay, ít nhất 2.819 em học sinh đã có máy tính bảng, kèm sim 4G miễn phí data để học trực tuyến. Số này nằm trong 37.000 máy tính bảng mà tập đoàn dành tặng các em học sinh chưa có thiết bị học theo hình thức mới. Đây cũng là số lượng máy tính lớn nhất do một tổ chức tài trợ hưởng ứng chương trình Sóng và máy tính cho em do Thủ tướng Chính phủ phát động, tính đến thời điểm này.

Tay áo sờn chỉ và chiếc máy tính bảng nuôi ước mơ - Ảnh 3.

Đại diện Viettel tại Hải Phòng trao tặng máy tỉnh bảng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Chắp cánh ước mơ

Cầm chiếc máy tính bảng trên tay, Phong cười tít mắt. Cậu cẩn thận gỡ từng lớp ni-lông bọc bên ngoài, mở hộp, nhấc máy lên rồi khoe bà. Phong khoe máy này nhiều công nghệ mới quá nhưng khẳng định chắc nịch sẽ sớm làm quen.

Nhìn Phong hào hứng, bà cậu cũng vui lây. Bà bảo lâu lắm mới thấy cháu mình phấn khởi như thế. Vậy là từ nay Phong có thể học cùng bạn bè, không còn mang danh hiệu "trốn học" nữa. Phong cũng có thể kết nối được với bạn bè - điều vốn thiệt thòi với những học sinh phải học trực tuyến thời Covid-19, và còn thiệt hơn với những em không có điều kiện học như Phong.

Nhưng trên hết, với Phong, là cậu đã được học trực tuyến theo cách đơn giản nhất. Mười ba tuổi, Phong có nét già dặn hơn so với bạn đồng trang lứa. Ở cái lứa tuổi mà các em thường nói về ước mơ sau này làm chính khách, doanh nhân, bác sĩ hay ca sĩ, cầu thủ, thì niềm mong mỏi với Phong chỉ đơn giản là học thật giỏi để sau này thoát nghèo, phụ giúp gia đình. Cậu chưa có một ước mơ cụ thể nào, cũng chẳng nghĩ đến sẽ trở thành một ai vĩ đại.

Cái nghèo đã khiến Phong có cái nhìn khác về cuộc sống. Ở cái tuổi hồn nhiên không lo nghĩ, Phong đã sớm xác định nhiệm vụ của mình. Cậu nói mình phải cố gắng học vì đây là con đường duy nhất. Phong nhanh lớn cũng có thể do bà thường xuyên dặn cậu rằng nếu không nỗ lực học, sau này chỉ có đói, có khổ mà thôi.

Tay áo sờn chỉ và chiếc máy tính bảng nuôi ước mơ - Ảnh 4.

Phong cười tít mắt với bà sau Lễ trao máy tính bảng

Cậu thực sự quyết tâm. Bởi vì nếu không quyết tâm, Phong đã không nỗ lực khắc phục những khó khăn về thiết bị, để cố theo học trực tuyến với các bạn, và luôn trong nhóm dẫn đầu lớp.

Nhưng những nỗ lực vượt khó trong mùa dịch của Phong, hay của những em học sinh như cậu, cần sự cộng hưởng chính là sóng, là những chiếc máy tính bảng - công cụ hỗ trợ thiết thực nhất cho việc học của các em. Với sóng và những chiếc máy tính bảng, việc học của các em cũng không còn là hành trình vượt khó, khắc phục mọi loại thử thách mà là hành trình của niềm vui, của sự học hỏi, của trải nghiệm. Niềm vui ấy cũng chính là cơ sở để nuôi dưỡng ước mơ - điều mà lẽ ra mọi cô cậu học sinh ở cái tuổi của Phong, Đại cần có.

Ngày 24-12-2021, Viettel, với triết ký kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội, đã hoàn tất trao tặng 37.000 "niềm vui" ấy cho các em học sinh trên toàn quốc…

THIÊN TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên