21/02/2007 07:02 GMT+7

Tàu xe xuôi về TP.HCM: "Nóng" từ vé đến giá!

QUỐC ANH
QUỐC ANH

TT - Mồng 4 tết, dù chưa phải là ngày chính xuất hành trở về thành phố làm việc nhưng tình hình tàu, xe đã bắt đầu căng thẳng.

WumMP4xK.jpgPhóng to
Đón xe vào Nam (ảnh chụp hồi 12g30 ngày 20-2 trên đường Tôn Đức Thắng, Đà Nẵng) - Ảnh: Đ.NAM

Tàu lửa và máy bay đều đã “cháy” vé, còn xe đò giá vé tăng 40-60%, riêng giá vé xe dù thì nhà xe mạnh ai nấy hét... Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ ở khắp vùng miền.

Đà Nẵng: máy bay, tàu lửa “cháy” vé

Sáng 20-2 (tức mồng 4 tết), nhiều hành khách đợi ở sân ga Đà Nẵng tìm mua một tấm vé đi TP.HCM từ hôm nay (21-2) đến hết ngày 1-3 (13 tháng giêng) đã tỏ ra vô cùng thất vọng. Vào thời điểm sáng 20-2, hành khách chỉ có thể mua được các loại vé phụ (ghế súp) trên các chuyến tàu địa phương xuất phát từ Đà Nẵng đi TP.HCM.

Toàn bộ vé đi thẳng TP.HCM trên các tuyến tàu Đ1 (Đà Nẵng - Sài Gòn, xuất phát 14g45 hằng ngày) đã “cháy” vé từ trước đó. Ngành đường sắt phải tăng cường 20-30 ghế phụ trên mỗi chuyến tàu để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Ông Nguyễn Quang Dũng - đội trưởng đội bán vé ga Đà Nẵng - cho biết: “Vé các loại (nằm, ngồi mềm, ngồi cứng) của 10 chuyến tàu SE, TN đi vào Nam bán tại ga Đà Nẵng từ ngày 21-2 đến 1-3 chỉ còn 5-7 vé ngồi phụ/chuyến”.

Trong khi đó vé máy bay tuyến Đà Nẵng - TP.HCM càng căng thẳng hơn. Mặc dù Vietnam Airlines (VA) đã tăng tần suất bay từ 3 chuyến lên 10-11 chuyến /ngày đêm nhưng nhiều hành khách vẫn không thể nào mua được vé. Sáng 20-2, toàn bộ các phòng vé của VA tại Đà Nẵng thông báo: các chuyến bay Đà Nẵng - TP.HCM từ 21 đến 27-2 đã hết chỗ. Nhiều hành khách tìm cách đăng ký vé chờ vào TP.HCM vẫn không được ghi nhận. Tương tự, những hành khách đi Hãng Pacific Airlines phải chờ sau 27-2 mới có vé.

* Từ 10 giờ ngày 20-2, áp lực kẹt xe đã tăng lên từ hai đầu bến phà, bờ Cái Vồn và bờ Cần Thơ. Tại bến phà Cần Thơ - bờ Cái Vồn, từ 10 giờ đến 13 giờ trưa cùng ngày, lượng xe từ các tỉnh đổ về xem đua môtô ở sân vận động Cần Thơ tăng lên, cộng với ôtô từ TP.HCM về miền Tây đã làm kẹt xe nối dài gần 1km.

Giám đốc Cụm phà Hậu Giang Phan Quang Dự cho biết đã huy động hết 4 bến và 12 phà, gồm 6 phà lớn 200 tấn và 6 phà nhỏ 100 tấn để phục vụ. Cao điểm lúc tan đua xe sau 5 giờ, có thể sẽ bị kẹt xe một hai giờ do số lượng môtô quá đông, sau đó áp lực kẹt xe sẽ giảm dần.

* Trao đổi với Tuổi Trẻ trong ngày 20-2, trưởng bến tàu Rạch Giá (Kiên Giang) Phạm Tiến Đạt cho hay tình hình hành khách đi đường biển khá căng thẳng. Ban điều hành bến tàu Rạch Giá đã phải điều động thêm tàu phục vụ nhu cầu của khách. Cụ thể từ 27 tết ban điều hành đã điều động tàu cao tốc Tramexco sức chở trên 150 khách từ tuyến Rạch Giá - đảo Nam Du sang chạy tuyến Phú Quốc. Tuy nhiên, dù đã được tăng cường tàu (3 chuyến cao tốc/ngày) nhưng trong ngày mồng 4 tết cả ba tàu cao tốc đều quá tải, nhiều hành khách vẫn không thể mua được vé ra đảo. Tuyến tàu đi các đảo Hòn Sơn, Nam Du, thuộc huyện đảo Kiên Hải cũng tăng.

Trong khi đó giá vé xe đò cũng đã bị đẩy... lên trời. Tại ngã ba Huế (TP Đà Nẵng), từ sáng sớm đã có khá nhiều hành khách tay xách nách mang đứng chờ đón xe vào Nam. Phần lớn họ là thanh niên về quê ăn tết nay quay trở lại TP.HCM làm việc. Theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ chỉ trong chưa đầy một giờ đồng hồ nhưng có đến hơn bảy xe tốc hành đi qua ngã ba Huế. Không một xe nào quá đầy khách, điều đó chứng tỏ lượng người quay trở lại TP.HCM làm ăn bằng phương tiện ôtô chưa phải là quá đông.

Nhưng điều mà nhiều hành khách đón xe dọc quốc lộ 1A đều tỏ ra ngao ngán đó là giá vé vào Nam đã bị các nhà xe đội lên vô tội vạ. Tại ngã ba Huế đoạn trên đường Trường Chinh, một phụ nữ đón xe vào Nam cho biết: “Từ Đà Nẵng đi Sài Gòn mà hét đến 320.000 đồng thì làm sao đi được”.

Trong khi các chuyến xe đường dài bị đội giá thì các tuyến xe đường ngắn đổ về trung tâm Đà Nẵng lại trở nên quá tải. Một hành khách đi tuyến Huế - Đà Nẵng vào sáng 20-2 đã phản ảnh với PV Tuổi Trẻ rằng: “Dù xe xuất phát tại bến nhưng trên xe đã chở quá tải 16 người (40/24 người theo qui định), đã thế còn chạy bạt mạng”. Các chuyến xuất phát từ Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi về bến xe Đà Nẵng cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Hà Nội: mồng 6 tết bắt đầu “nóng”

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều qua 20-2, ông Vũ Đình Rậu, trưởng Ga Hà Nội (HN), cho biết lượng hành khách đi lại sau Tết Nguyên đán tại ga HN đã bắt đầu tăng từ mồng 4 tết và dự kiến tăng mạnh từ mồng 6 trở đi.

Theo ông Rậu, hành khách chủ yếu đi tuyến HN - TP.HCM và tuyến địa phương HN - Lào Cai. Tại tuyến HN - TP.HCM, thông thường như mọi năm, ga HN đón nhận khoảng 80% lượng khách từ TP.HCM ra, bởi vậy từ ngày 21-2 (tức mồng 5) nhà ga sẽ tăng cường hai tàu nữa để đủ 12 đôi tàu Thống Nhất chạy phục vụ hành khách những ngày cao điểm sau dịp tết. Hiện ga HN vẫn còn khoảng 20% lượng vé của tuyến tàu Thống Nhất chưa bán hết (tương đương hơn 10.000 vé).

Tại bến xe Giáp Bát, việc chuẩn bị phương tiện đi lại cho hành khách vào Nam cũng được chuẩn bị chu đáo. Ông Nguyễn Như Trúc, trưởng phòng kế hoạch, Công ty quản lý bến xe HN, cho biết từ ngày 22-2 (tức mồng 6 tháng giêng) dự kiến lượng hành khách đi các tuyến đường dài (HN - TP.HCM; HN - Đắc Lắc; HN - Gia Lai...) sẽ tăng khoảng 50% so với ngày thường. Đặc biệt tuyến HN - TP.HCM có thể lượng hành khách sẽ tăng gấp đôi. Bởi vậy từ ngày 22-2 bến Giáp Bát sẽ tăng cường cho các tuyến đường dài hơn 10 xe/ngày. Riêng tuyến HN - TP.HCM sẽ tăng cường 5-6 xe/ngày.

Sóc Trăng: giá vé xe tăng 40%

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, ngày mồng 4 tết lượng khách ở các bến xe liên tỉnh tại thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) tăng gấp ba lần so với những ngày trước. Tại bến xe Sóc Trăng đến 11g vẫn còn nhiều người chen lấn để mua vé xe chất lượng cao về TP.HCM, Vũng Tàu, Đồng Nai...

Bà Nguyễn Việt Hòa - phó ban điều hành Bến xe Sóc Trăng - cho biết từ ngày 20 đến 25-2 vé xe khách tuyến Sóc Trăng đi TP Cần Thơ, TP.HCM và Vũng Tàu sẽ tăng 40% so với ngày thường. Cụ thể, giá vé Sóc Trăng đi Cần Thơ sẽ tăng lên 33.000 đồng/vé đối với xe loại 1; loại 2 và 3 là 28.000 đồng và 22.000 đồng/vé.

Tuyến Sóc Trăng - TP.HCM vé loại 1 tăng lên 120.000 đồng, 100.000 đồng/vé loại 2 và loại 3 là 78.000 đồng. Đối với tuyến Sóc Trăng - Vũng Tàu, giá vé loại 1 tăng lên 182.000 đồng/vé, loại 2 và 3 là 150.000 đồng/vé và 117.000 đồng/vé. Đến mồng 10 (26-2) giá vé xe khách sẽ trở lại như ngày thường.

Trong khi đó nhiều xe dù đón khách dọc theo tuyến quốc lộ 1A đã nhồi nhét khách và thu tiền với giá cắt cổ, từ Sóc Trăng đến TP.HCM giá lên đến 150.000 đồng/người.

Rạch Giá: giá vé tăng 20-40%

Chiều mồng 4 tết (20-2), ông Phạm Thanh Điềm - bến trưởng bến xe Rạch Giá (Kiên Giang) - cho biết năm nay dù lượng khách và học sinh, sinh viên từ TP.HCM về quê ăn tết và từ Rạch Giá về các tỉnh miền Bắc tăng hơn mọi năm, nhưng nhờ chủ động bố trí tăng cường xe bổ sung kịp thời nên mồng 4 tết - ngày bắt đầu vào cao điểm người dân và học sinh, sinh viên trở lại TP.HCM lao động, học tập nhưng chưa xuất hiện tình trạng kẹt khách tại bến.

Trong ngày mồng 4 tết, tất cả các tuyến từ Rạch Giá đi TP.HCM, Vũng Tàu, Cần Thơ... đều đã được ban điều hành bến xe cho tăng chuyến để phục vụ hành khách. Cụ thể tuyến Rạch Giá - TP.HCM có 90 xe/ngày (tăng thêm 35 xe/ngày); tuyến Rạch Giá - Cần Thơ 43 xe (tăng 13 xe/ngày); Rạch Giá đi Vũng Tàu tăng 2 xe/ngày.

Để bù đắp chi phí cho số phương tiện chạy rỗng (chiều từ TP.HCM về), UBND tỉnh Kiên Giang cũng đồng ý cho tăng 40% giá cước vận tải hành khách tuyến từ Rạch Giá - TP.HCM (từ 86.0000 đồng/vé lên 125.000 đồng/vé); tuyến Rạch Giá - Cần Thơ và Rạch Giá - Vũng Tàu cũng được điều chỉnh tăng 20% giá cước.

* Ngày 20-2, theo trưởng phòng điều độ bến xe miền Đông, giá vé xe đò tết ở nhiều tỉnh về TP.HCM đã được điều chỉnh tăng. Cụ thể tại Quảng Ngãi giá vé về TP.HCM tăng 60% trong thời gian từ mồng 1 đến 10 tháng giêng và tăng 40% từ 11 đến 20 tháng giêng. Giá vé từ Nha Trang về TP.HCM tăng 47% từ mồng 1 đến 10 tháng giêng.

Giá vé từ các tỉnh Tây nguyên về TP.HCM tăng 60%. Riêng các bến xe Giáp Bát (Hà Nội), Huế... không tăng giá vé, Công ty Tân Đạt cho biết vẫn giữ giá vé 380.000 đồng/người. Tuy nhiên, một số chủ xe đò khác trên tuyến đường TP Hà Nội - TP.HCM vẫn lấy giá vé cao khi khách đón xe trên đường. Trong ngày 20-2 lượng khách từ các tỉnh về TP.HCM vẫn chưa nhiều.

Trong khi đó, lượng khách từ TP.HCM đi du lịch Vũng Tàu, Bình Thuận tiếp tục tăng cao. Tại bến xe miền Đông, các hãng xe đò thương hiệu Thiên Phú và Rạng Đông vẫn tiếp tục thu hút hành khách đi xe tuyến TP.HCM - Vũng Tàu. Có khoảng 4.000 hành khách đi xe gắn máy gửi lại ở bến xe miền Đông để đi xe đò du lịch về Vũng Tàu, Bình Thuận. Một số hành khách cho biết thời gian đi du lịch 2-3 ngày.

* Trả lời những bức xúc của bạn đọc Tuổi Trẻ về việc bến xe miền Đông bán vé xe đò loại 1 nhưng đưa xe buýt cũ vào chở khách trong những ngày trước tết, ông Nguyễn Ngọc Thừa - giám đốc bến xe miền Đông, cho biết do bến không đủ xe đáp ứng yêu cầu lượng khách tăng đột biến nên đã đưa xe buýt vào chở khách. Trong đó, xe buýt máy lạnh được phân thành hai loại gồm giá vé loại 1 và loại 3.

Theo ông Thừa, ngay sau tết bến sẽ họp các đơn vị vận tải rút kinh nghiệm và sắp tới yêu cầu các đơn vị xe buýt bố trí có ghế ngồi bật đúng tiêu chuẩn xe đò mới được bán vé xe loại 1.

Một số bạn đọc cũng phản ảnh trong ngày trước tết Hãng xe đò Thuận Thảo đã đưa xe không đủ tiêu chuẩn vào chở khách trên chuyến từ Tuy Hòa về TP.HCM nhưng lại bán giá vé cao. Ông Trương Trọng Cử - phó giám đốc Doanh nghiệp vận tải và thương mại Thuận Thảo, cho biết nguyên nhân là trong ngày cao điểm một xe của Thuận Thảo bị tai nạn giao thông và do không còn xe nên đã nhờ một doanh nghiệp khác đưa xe vào chở khách. Ông Cử cho biết qua vụ việc trên đơn vị xin lỗi bà con và sẽ rút kinh nghiệm để phục vụ hành khách tốt hơn.

QUỐC ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên