Ảnh mô phỏng tàu Perseverance trên sao Hỏa - Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters ngày 19-2 đưa tin con tàu đã xuyên qua bầu khí quyển sao Hỏa ngày 18-2 với tốc độ lên đến 19.000 km/h và đáp xuống Hõm chảo Jezero. Các nhà khoa học cho rằng Jezero từng là một hồ nước cách đây hơn 3,5 tỉ năm và các dấu tích vi sinh cổ đại có thể vẫn còn lưu lại ở đây.
Phòng thí nghiệm Jet Propulsion Laboratory của NASA ở Los Angeles vỡ òa trong tiếng reo hò khi con tàu được xác định hạ cánh an toàn. Tàu Perseverance, được thiết kế theo dạng xe robot tự hành, đã vượt qua chặng đường 472 triệu km trong 7 tháng để đến sao Hỏa.
Một lúc sau khi đáp, tàu Perseverance đã gửi về những hình ảnh đen trắng đầu tiên từ bề mặt sao Hỏa, trong đó một bức cho thấy bóng của con tàu đổ trên bãi đá hoang vắng mà nó đáp xuống.
Một trong những hình ảnh đầu tiên mà tàu Perseverance chụp trên sao Hỏa được gửi về Trái đất ngày 18-2 - Ảnh: REUTERS
Do phải mất 11 phút sóng vô tuyến để đi từ sao Hỏa đến Trái đất, con tàu thực ra đã chạm bề mặt hành tinh này trước khi thông tin xác nhận truyền về Trái đất.
Việc hạ cánh thực ra là quá trình nguy hiểm nhất trong dự án kéo dài 2 năm trị giá 2,7 tỉ USD. Dự án này nhằm tìm kiếm dấu hiệu sự sống có thể của những vi khuẩn đã tồn tại cách đây 3 tỉ năm. Quá trình hạ cánh kéo dài 7 phút, gọi là "7 phút kinh hoàng", được ví như một kỳ tích.
"Bảy phút kinh hoàng rất thú vị. Nhưng mặt khác, nhiệm vụ chỉ mới bắt đầu. Chúng tôi tạo ra sứ mệnh không phải để hạ cánh, mà thực sự là lái, lấy mẫu và thực hiện các công nghệ khác", giám đốc phòng thí nghiệm Jet Propulsion Laboratory, ông Michael Watkins cho biết.
Các nhà khoa học hi vọng sẽ tìm thấy các hình dạng sinh học trong những mẫu trầm tích cổ đại mà Perseverance được thiết kế để trích từ đá sao Hỏa và gửi về Trái đất để tiếp tục phân tích. NASA đã lên kế hoạch thực hiện 2 sứ mệnh tiếp theo trong thập kỷ tới nhằm đưa các mẫu vật về Trái đất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận