Ngày 20-7, ông Lê Hồng Hải, giám đốc Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên, cho biết vẫn đang tiến hành điều tra nguyên nhân tàu SE11 trật bánh khỏi đường ray khi vừa rời ga Lăng Cô hôm 28-7, trong đó có việc kiểm tra xem những trận động đất ở Kon Tum có ảnh hưởng đến vụ việc hay không.
Theo ông Hải, hiện nay các đơn vị đang khám nghiệm các toa xe, kiểm tra đường ray, tốc độ tàu chạy, thông tin tín hiệu lúc xảy ra sự cố… rồi sau đó mới có kết luận cuối cùng nguyên nhân tai nạn.
Ông Hải cũng nói rằng may mắn là sự cố không gây thiệt hại về người.
Trước đó ông Trần Anh Tuấn, phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nói rằng nguyên nhân ban đầu dẫn đến sự cố tàu SE11 trật bánh là do đuôi tàu đi vào khu vực có sự chênh lệch cao thấp giữa hai đoạn đường ray, dẫn đến tai nạn.
Sự cố xảy ra đúng thời điểm ở tỉnh Kon Tum ghi nhận hàng loạt trận động đất khiến các tỉnh thành như Huế, Đà Nẵng cũng cảm nhận được rung chấn.
Một số người cho rằng có khả năng cao sự rung chấn từ những trận động đất trên làm ảnh hưởng đến kết cấu của đường ray ở Huế, gây ra vụ tai nạn trật bánh tàu SE11.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Phan Hoàng Nam, phó trưởng khoa xây dựng cầu đường, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, nhận định khó có khả năng này xảy ra.
Căn cứ vào những thông tin hiện trường, ông Nam nói rằng hoàn toàn không có cơ sở kết luận việc động đất ở Kon Tum gây ảnh hưởng đến kết cấu đường sắt ở tận Huế.
"Trên thế giới rất nhiều sự cố đường sắt ghi nhận khi xảy ra động đất như biến dạng lớn của đường ray, nhưng đa phần các biến dạng này đều nằm gần tâm chấn hoặc nằm trên đới đứt gãy sinh động đất.
Tâm chấn các trận động đất vừa rồi và hiện trường sự cố đường sắt ở Huế nằm khá xa, nên hoàn toàn không có cơ sở kết luận 2 sự kiện này có liên quan với nhau", ông Nam nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận