Sự gia tăng của các công nghệ phát hiện
Theo phân tích của báo Asia Times, sức mạnh lớn nhất và cũng là điểm yếu nhất của tàu ngầm là khả năng tàng hình của chúng.
Tàu ngầm tốt nhất là loại cực kỳ khó phát hiện. Chúng có thể ở hầu hết mọi nơi trong vùng biển rộng lớn của thế giới, vì vậy kẻ thù phải chống lại chúng ở khắp mọi nơi.
Nhưng nếu tàu ngầm có thể bị phát hiện, chúng sẽ trở thành mục tiêu dễ dàng vì độ lớn, di chuyển chậm và dễ bị tấn công từ mặt nước.
Trong lịch sử, tàu ngầm đã mang lại một lợi thế khác biệt: khả năng tàng hình của chúng là kết quả của những cải tiến liên tục trong công nghệ chống phát hiện trong suốt Chiến tranh lạnh.
Đặc biệt, tàu ngầm phương Tây cực kỳ yên tĩnh. Các công nghệ phát hiện cũ - chủ yếu tập trung vào âm thanh - phải vật lộn để theo kịp.
Tuy nhiên, công nghệ mới phát hiện tàu ngầm đang phát triển mạnh và làm thay đổi cán cân quyền lực.
Tàu ngầm trong đại dương, khi di chuyển dưới nước, làm xao động mặt nước và thay đổi các dấu hiệu vật lý, hóa học và sinh học của nước. Chúng thậm chí còn làm xáo trộn từ trường của Trái đất, và các tàu ngầm hạt nhân chắc chắn sẽ phát ra bức xạ.
Khoa học với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (Al) đang học cách phát hiện tất cả những thay đổi này, đến mức các đại dương ngày sau có thể trở nên “trong suốt”.
Kỷ nguyên tàu ngầm có thể đến lúc nào đó sẽ khép lại.
Ba thập kỷ chuyển tiếp
Câu chuyện này đáng nhắc đến sau khi Thủ tướng Úc Anthony Albanese công bố một chiến lược trang bị cho nước này các loại tàu ngầm, trong một chương trình quốc phòng thuộc hiệp ước AUKUS (bao gồm Úc - Anh - Mỹ) kéo dài đến năm 2050 và dự chi 368 tỉ AUD, tốn kém nhất trong lịch sử nước Úc.
Trước đây, Đại học Quốc gia Úc (ANU) đã có công trình nghiên cứu với chủ đề: Đại dương trong suốt - công nghệ mới phát hiện tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN).
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một phần mềm có tên Intelfuze, thường được sử dụng trong cộng đồng tình báo, để xem xét tác động tiềm tàng của sự phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghệ cảm biến và liên lạc dưới nước.
Kết quả phân tích: Các đại dương sẽ trở nên "trong suốt" vào những năm 2050 dưới con mắt của công nghệ phát hiện tinh vi.
Điều này cho thấy bất kể tiến bộ trong công nghệ tàng hình của tàu ngầm - kể cả tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân - đều có thể bị phát hiện trong các đại dương trên thế giới.
Lập kế hoạch cho sự lỗi thời?
Có thể nói đó là hồi chuông cảnh báo với chương trình trang bị cho Úc các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Nhóm nghiên cứu trên đánh giá: Thời điểm 2050 khi Úc hoàn thành việc triển khai các tàu ngầm SSN-AUKUS đầu tiên theo kế hoạch, cũng sẽ là năm các đại dương bắt đầu "trong suốt" khi công nghệ phát hiện đạt mức hoàn chỉnh.
Thế là Úc đang đứng trước ngã ba đường khi phải đối mặt với một môi trường địa chiến lược phức tạp và đang xấu đi. Một mặt, Úc cần đáp ứng hiệp ước bằng cách cam kết đầu tư dài hạn. Mặt khác, có một sự không chắc chắn cao về mức độ hiệu quả của các khoản đầu tư này, khi công nghệ phát hiện tàu ngầm ngày trở nên hiện đại hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận