Tàu Crew Dragon nằm trên đầu của tên lửa đẩy Falcon 9, đường ống trên cao bên phải là đường dẫn cho phi hành gia vào tàu không gian sắp tới - Ảnh: SPACEX
Kể từ khi các tàu con thoi Mỹ được cho về hưu vào năm 2011, các phi hành gia Mỹ muốn lên Trạm không gian quốc tế (ISS) làm việc hay quay về địa cầu đều phải lệ thuộc vào các tàu của Nga. Vì thế, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của tàu mới có tên Crew Dragon được người Mỹ kỳ vọng đưa họ trở lại cuộc đua vào không gian một cách tự chủ.
Tàu của tư nhân
Vụ phóng được thực hiện lúc rạng sáng 2-3 ở Trung tâm không gian Kennedy thuộc bang Florida. Trung tâm nằm bên Mũi Canaveral là nơi thực hiện các sứ mạng chinh phục không gian của Mỹ. Nơi đây từng chứng kiến các lần phóng của Apollo chinh phục Mặt trăng và các tàu con thoi của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng như của tên lửa đẩy mạnh nhất thế giới hiện nay thuộc SpaceX là Falcon Heavy.
Một trong những lý do khiến vụ thử nghiệm gây chú ý là khoang tàu không phải do cơ quan NASA đầy kinh nghiệm chế tạo, mà là của Công ty tư nhân SpaceX do chàng tỉ phú "ngông" Elon Musk điều hành.
Dưới thời tổng thống Barack Obama, NASA đã cho gọi thầu với giới tư nhân cho hai dự án: chế tạo tàu không gian có thể vận chuyển hàng hóa và tàu đưa người lên ISS, hiện đang ở quỹ đạo 400km. Việc chuyển cho giới tư nhân không chỉ nhằm kích cầu cho ngành công nghiệp này của Mỹ, mà còn nhằm tiết kiệm thời gian trong việc tìm kiếm phương tiện thay thế tàu con thoi bị đưa vào nhà kho vì quá tốn kém và quá nguy hiểm.
SpaceX là công ty duy nhất thắng thầu cho cả hai dự án mà NASA đặt ra. Họ đã làm được tàu tiếp hàng Dragon, tham gia vận chuyển hàng lên ISS từ năm 2012, rồi chở thiết bị cần sửa cùng rác thải từ ISS về mặt đất. Tàu Crew Dragon chở phi hành gia được xem là bản phát triển của tàu Dragon.
Tên lửa Falcon 9 phóng đi lúc rạng sáng 2-3 từ Trung tâm không gian Kennedy - Ảnh: Reuters
An toàn nghiêm ngặt
Trước đây, tỉ phú Elon Musk từng hào hứng với khả năng táo bạo của công ty mình, nhưng trên thực tế tàu Crew Dragon được thử nghiệm trễ đến 3 năm. Phần lớn nguyên do của việc chậm trễ thử nghiệm là yêu cầu an toàn nghiêm ngặt do NASA đặt ra. Đương nhiên đó là ưu tiên hàng đầu, bởi NASA không hề muốn lặp lại những tai nạn thảm khốc của hai tàu con thoi Challenger và Columbia vào năm 1986 và 2003. 14 phi hành gia Mỹ đã thiệt mạng trong hai vụ đó.
Trong chuyến bay thử nghiệm ngày 2-3, các kỹ sư chỉ đặt một hình nhân vào ghế trên khoang tàu được thiết kế chở đến 7 phi hành gia. Hình nhân được đích thân ông chủ Elon Musk đặt tên là Ripley, lấy theo tên nhân vật nữ chính của phim Alien (Người ngoài hành tinh). Tên lửa hai tầng Falcon 9 chở theo tàu Crew Dragon và đưa nó trở về mặt đất vào ngày 8-3 bằng tầng một còn lại của tên lửa. Theo kế hoạch, nó sẽ ráp nối tự động với ISS vào ngày 3-3.
Nếu thử nghiệm này thành công, hai phi hành gia đầu tiên của Nasa có thể sẽ lên không gian bằng tàu Mỹ từ tháng 7 tới, theo tuyên bố của phía SpaceX, nhưng giới chuyên gia cũng chưa chắc chắn lắm.
Tỉ phú Elon Musk tại cuộc họp báo ngày 2-3 ở Trung tâm không gian Kennedy thuộc bang Florida (Mỹ) - Ảnh: REUTERS
NASA đầu tư gần 7 tỉ USD
Ngoài SpaceX thì Công ty tư nhân Orbital Sciences đã trúng thầu dự án tàu tự động vận chuyển hàng có tên Cygnus. Trong gói thầu đặt hàng làm tàu vũ trụ chở người, ban đầu có khoảng một chục công ty nhảy vào, nhưng cuối cùng chỉ có dự án của SpaceX và dự án CST-100 Starliner của Boeing được chọn để bay thử nghiệm trong năm nay.
Vào tháng 9-2014, NASA từng chi 2,6 tỉ USD cho Công ty SpaceX và 4,2 tỉ USD cho Boeing để thực hiện dự án. Mỗi công ty sẽ phải thực hiện tối đa 6 nhiệm vụ không gian cho NASA và ít nhất hai đợt chuyển người lên, đưa người về trạm ISS.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận