Tàu vũ trụ Peregrine do Công ty tư nhân Astrobotic Technology chế tạo, được thiết kế để đổ bộ xuống bề mặt Mặt trăng. Tuy nhiên, ngay sau khi được phóng lên quỹ đạo ngày 8-1, con tàu gặp sự cố rò rỉ nhiên liệu, khiến công ty vận hành phải hủy bỏ sứ mệnh.
Astrobotic đã dành 9 ngày nỗ lực cứu tàu vũ trụ và các thiết bị trên tàu, cũng như kéo dài những gì còn lại của sứ mệnh.
Mặc dù các kỹ sư đã có thể ổn định con tàu, nhưng Astrobotic cho biết rằng không thể đổ bộ lên bề mặt Mặt trăng.
"Chúng tôi khen ngợi Astrobotic vì sự kiên trì của họ", Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) viết trên mạng xã hội X ngày 16-1.
Theo Đài CNBC, ngày 18-1, Astrobotic Technology cho biết tàu Peregrine đã bốc cháy trong bầu khí quyển Trái đất trên một vùng xa xôi ở phía nam Thái Bình Dương.
Công ty đã cập nhật trên mạng xã hội X rằng họ đã mất liên lạc với con tàu, dấu hiệu cho thấy nó đã đi vào bầu khí quyển.
Sứ mệnh của Peregrine được theo dõi kỹ, vì đây là tàu đổ bộ Mặt trăng đầu tiên của Mỹ đi vào vũ trụ trong hơn 50 năm. Nếu thành công, Peregrine cũng trở thành tàu vũ trụ tư nhân đầu tiên đáp xuống Mặt trăng.
Ngoài NASA, chỉ có Liên Xô, Trung Quốc và Ấn Độ đã thực hiện đổ bộ thành công lên Mặt trăng. Nhật Bản đang tìm cách đạt được thành tích này bằng tàu đổ bộ Mặt trăng tự động SLIM, dự kiến hạ cánh ngày 19-1.
Sứ mệnh của Peregrine là một phần trong chương trình Dịch vụ tải trọng Mặt trăng thương mại (CLPS) của NASA, có mục tiêu thương mại hóa các hoạt động khám phá Mặt trăng với chi phí thấp.
CLPS là một phần trong chương trình Artemis của NASA, nhằm đưa các phi hành gia trở lại Mặt trăng trong vài năm tới, mục tiêu cuối cùng là triển khai các chuyến bay thường xuyên giữa Mặt trăng và Trái đất, sau đó xây dựng căn cứ trên Mặt trăng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận